Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Thứ Ba, 13/12/2016, 07:57
Bằng tấm lòng thiện nghiện, ni cô Thích nữ Phước Thiện đã đứng ra thành lập Cô nhi viện Ưu Đàm tại thôn Vinh Vệ, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, để nhận nuôi hàng chục đứa trẻ không may phải chịu cảnh mồ côi bố mẹ. Đến nay, có nhiều em ở cô nhi viện này đã tốt nghiệp đại học trở thành những công dân có ích cho xã hội…

Ni cô Thích nữ Phước Thiện tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt (46 tuổi), sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 6 anh chị em, tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Ni cô Phước Thiện kể, thuở nhỏ bà đã mồ côi mẹ nên học đến lớp 9, bà phải nghỉ học để lo chuyện mưu sinh. Năm 18 tuổi, bà xin vào nương nhờ cửa Phật tại chùa Hồng Ân (TP Huế) và học tiếp chương trình bổ túc rồi thi đỗ vào ngành Công tác xã hội Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp ra trường, với mong muốn làm một công việc có ích để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh nên năm 2004, bà trở về Huế bắt tay thực hiện tâm nguyện này. Biết ở thôn Vinh Vệ, xã Phú Mỹ có một cơ sở rộng khoảng 1.000m² bị bỏ hoang suốt 30 năm qua, sau khi được sự cho phép của các cấp, bà đã đứng ra vận động, quyên góp các nhà hảo tâm và vay mượn số tiền hơn 200 triệu đồng để tu bổ lại cơ sở này thành một nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là Cô nhi viện Ưu Đàm.

Buổi ban đầu mới thành lập, bà nhận nuôi 6 đứa trẻ mồ côi, trong đó có em Hồ Đắc Tư, quê ở huyện Phú Vang. Từ năm 4 tuổi, Tư đã chịu cảnh mồ côi bố mẹ nên em ở với bà ngoại, mấy năm sau bà ngoại qua đời, em chuyển sang ở với người cậu ruột làm nghề bán bánh bao. Gia cảnh người cậu quá nghèo khó nên học đến lớp 6, Tư đành nghỉ học.

Ni cô Thích nữ Phước Thiện (người đội mũ) và trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại Cô nhi viện Ưu Đàm.

Bản tính ham học nên Tư đã khăn gói áo quần và sách vở, đạp xe đến cô nhi viện để xin được ở lại đây để đi học. Nghe em trình bày về hoàn cảnh của mình quá đáng thương nên tôi quyết định giữ em lại nuôi dạy. Và, em Tư đã nỗ lực trong học tập, thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Huế, giờ đã ra trường có công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh”, ni cô Thích nữ Phước Thiện chia sẻ.

Từ em Tư đến các em Phạm Văn Hòa, Trần Thị Mỹ Hạnh, Hồ Thị Thanh Liễu, Trần Văn Tuất... là những đứa trẻ đầu tiên được ni cô Phước Thiện nhận về nuôi dưỡng từ những ngày đầu, đến nay số trẻ được Cô nhi viện Ưu Đàm nhận nuôi đã tăng lên 47 cháu; trong đó có 3 trẻ sơ sinh, 10 trẻ từ 1-5 tuổi; 9 em học Trường Tiểu học Phú Mỹ; 12 em học Trường THCS Phú Mỹ và 10 em đang học bậc THPT...

Ngồi trò chuyện với ni cô Phước Thiện, được nghe bà kể về những mảnh đời được bà nhận nuôi dạy mà chúng tôi không khỏi xúc động. Bà bảo rằng, mỗi đứa trẻ được bà nhận nuôi đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, bởi có cháu mồ côi mẹ, bố bỏ đi biệt xứ; có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc cháu từ lúc vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi ngay tại cổng Cô nhi viện Ưu Đàm.

Không thể làm ngơ trước những sinh linh bé bỏng bị ruồng bỏ, bà đã bế các em vào tắm rửa, thay tã lót và nuôi nấng khôn lớn. Có lẽ do hoàn cảnh nên các cháu được Cô nhi viện Ưu Đàm nuôi dưỡng luôn biết cố gắng và nỗ lực trong học tập. Bằng chứng là có 7 cháu đã thi đỗ vào các trường của Đại học Huế và đến nay, 6 cháu đã tốt nghiệp ra trường có công việc ổn định. Riêng các cháu nhỏ rất biết nghe lời và đều chăm ngoan học giỏi.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình, em Đặng Thị Hồng Hà Nhi (quê ở Hương Xuân, thị xã Hương Trà), hiện là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế không giấu được những giọt nước mắt. “Cách đây nhiều năm, mẹ em trong một lần đi xe đạp đến nơi làm phụ hồ thì không may gặp TNGT và qua đời. Do gia cảnh khó khăn nên sau đó bố em cũng bỏ đi biệt xứ. May mắn sau đó em được ni cô Phước Thiện nhận về nuôi dạy và cho ăn học, vì thế em xem cô như là người mẹ thứ 2 của mình”.

Do số lượng trẻ được nhận nuôi ngày mỗi đông nên ni cô Phước Thiện phải vay mượn tiền bạc và vận động các nhà hảo tâm xây dựng thêm căn nhà 2 tầng khang trang để làm nơi sinh hoạt và học tập cho những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngoài ra, cô còn thuê thêm 4 bảo mẫu và nhân viên làm bán thời gian để nấu ăn và chăm sóc cho các cháu. Để có thực phẩm rau sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP cho trẻ, ni cô cùng các thành viên trong cô nhi viện còn tăng gia sản xuất bằng cách xây dựng vườn rau củ quả, sản xuất nấm rơm...

Bà tâm sự: “Việc mình làm là xuất phát từ cái tâm và tấm lòng nhằm giúp đỡ những đứa trẻ không may chịu cảnh đời bất hạnh để các em có nơi nương tựa và học tập thành người!”.

Nhiều năm qua, việc làm có ích của ni cô Phước Thiện đã được chính quyền địa phương ghi nhận. Đặc biệt, bà được bầu là một trong số ít tấm gương tiêu biểu trong năm 2016 được Huyện ủy Phú Vang trao tặng giấy khen khi có thành tích về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Anh Khoa
.
.
.