Những “người lạ tử tế”

Thứ Hai, 08/02/2021, 16:09
Cậu bé 7 tuổi Chảo Láo Cáo đã chuẩn bị tinh thần để cắt bỏ một bên chân của mình. Nhưng như một phép màu, những “người lạ tử tế “xuất hiện, đưa Cáo xuống Hà Nội chữa bệnh, giữ đôi chân nguyên vẹn cho em. Những “người lạ tử tế” ấy đến từ sự kết nối của phong trào chạy bộ…


Cậu bé 7 tuổi Chảo Láo Cáo ở thôn Bản Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bị viêm xương đùi phải rất nặng. Chảo Láo Cáo đã chuẩn bị tinh thần để cắt bỏ một bên chân của mình. Nhưng như một phép màu, những “người lạ tử tế “xuất hiện, đưa Cáo xuống Hà Nội chữa bệnh, giữ đôi chân nguyên vẹn cho em. Những “người lạ tử tế” ấy đến từ sự kết nối của phong trào chạy bộ…

1.Tô Hiếu Trung là một runner trong cộng đồng chạy bộ ở Việt Nam, thường được mọi người biết đến với biệt danh Lò A Zí. Trước khi chạy bộ, Trung từng 17 năm lái taxi. Anh Zí bảo thích chạy bộ vì môn thể thao này không chỉ tốt cho sức khoẻ mà còn mang lại cho anh cuộc sống lành mạnh, tích cực hơn. 

Có lần, anh Zí một mình chạy từ Hà Nội lên Bắc Ninh rồi quay về, chỉ vì muốn thử sức vượt qua chính bản thân mình.Tham gia các giải chạy bộ một thời gian, Zí đã tạo cho mình “chỗ đứng” trong cộng đồng chạy bộ với nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ người chạy và các hoạt động thiện nguyện. 

Anh Zí được lựa chọn là một trong những gương mặt đại diện của Quỹ từ thiện để trao quà, khánh thành các điểm trường cho học sinh vùng cao được xây dựng bằng tiền từ thiện qua các giải chạy bộ. Và anh Zí đã gặp cậu bé Chảo Láo Cáo trong một lần như vậy.

Chảo Láo Cáo được cô giáo Vân Anh (bên trái) và “người lạ” Tô Hiếu Trung (bên phải) đưa vào Bệnh viện Việt-Đức chữa bệnh.

Lúc ấy là tháng 10/2020, anh Zí dự khánh thành một điểm trường của Trường Tiểu học Thanh Kim, xã Thanh Bình, điểm trường được xây dựng bằng Quỹ từ thiện của giải chạy bộ do một tờ báo điện tử tổ chức. Trước khi đi, biết các em học sinh vùng cao rất thích đọc sách, anh Zí đã tự đi xin được hơn 300 đầu sách với mong muốn xây dựng một thư viện nhỏ cho điểm trường mới. 

Sau khi dự khánh thành, anh Zí mang một phần sách tới điểm trường chính. Tại đây, anh Zí gặp Chảo Láo Cáo với một bên chân sưng to, lủng lẳng, được hai bạn dìu hai bên đi đến trường. Điều ngạc nhiên là dù rất đau nhưng Cáo vẫn cười nói vui vẻ với bạn. Dường như đến trường, gặp bạn là một hạnh phúc của cậu bé vùng cao ấy. Ngay lập tức, anh Zí tìm cô giáo của Cáo để hỏi chuyện.

2. Cô Phạm Thị Vân Anh, cô giáo của Chảo Láo Cáo năm nay 29 tuổi nhưng đã 9 năm liền là giáo viên “cắm bản”. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô được phân công lên thị xã Sa Pa. 9 năm “cắm bản”, cô giáo trẻ đã công tác ở 5 điểm trường khó khăn nhất nên mới được phân công về điểm trường chính. 

Giờ thì cô Vân Anh xác định ở lại trên vùng cao cùng các em học sinh thân yêu rồi, vì cô đã tìm được một nửa của mình cũng là giáo viên “cắm bản” của Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Liên.

Cô Vân Anh rơm rớm nước mắt khi kể lại chuyện cũ. Cô bảo, thời gian đầu, cái chân đau khiến Cáo vật vã, nhăn nhó. Thế nhưng sau một thời gian, dường như đã quen với đau đớn, Cáo trở lên chai lỳ. Khi nào đau quá, Cáo chỉ mím chặt môi và gương mặt tái đi. Nhìn Cáo tươi cười khi chơi đùa cùng các bạn, cô giáo Vân Anh càng xót xa. 

Nhà Cáo thì quá nghèo. Muốn giúp Cáo đi chữa bệnh nhưng cô giáo cũng khó khăn. Cô cũng chỉ biết vận động giáo viên trong trường giúp đỡ mua sữa, mua thức ăn bồi dưỡng thêm cho Cáo nâng cao sức khoẻ và kiên trì vận động gia đình không nên cúng bái mà cần đưa Cáo đi xuống bệnh viện tỉnh khám chữa bệnh. Thế rồi, cô đưa anh Zí tới nhà Cáo để tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của em và khẩn khoản nhờ anh giúp đỡ.

Bác sĩ Ngô Văn Toàn thăm bệnh nhân Chảo Láo Cáo sau ca phẫu thuật.

Anh Zí kể, lúc đó, trước đề nghị của cô Vân Anh, thật sự anh cũng chưa biết giúp Cáo như thế nào. Trước khi về, anh rút ví đưa cho mẹ Cáo một khoản tiền nói gia đình đưa em xuống bệnh viện tỉnh khám để có hồ sơ bệnh án rồi tính tiếp. Sau đó, với số tiền giúp đỡ của anh Zí, gia đình Cáo đã đưa em đi khám bệnh với chẩn đoán viêm xương đùi nặng và khả năng Cáo phải cắt bỏ chân. Kinh phí cho ca phẫu thuật cắt chân như vậy lên tới vài chục triệu đồng.

Để có tiền giúp Cáo chữa bệnh, anh Zí quyết định đưa thông tin bệnh tình của Cáo lên mạng nhờ cộng đồng chạy bộ giúp đỡ. Và trong một thời gian ngắn, với số tiền bán bib (số báo danh của vận động viên trong một giải chạy) cùng sự giúp đỡ của cộng đồng đã đủ chi phí cho ca phẫu thuật. 

Nếu bình thường như cách nhiều người vẫn làm, anh Zí mang số tiền đó lên trao cho gia đình là xong. Nhưng anh Zí nói rằng, với người chạy bộ thì đôi chân thật quý giá. Vừa mất tiền lại vừa mất chân, thôi thì cố gắng đưa Cáo xuống Hà Nội khám bệnh, còn nước còn tát, biết đâu Cáo sẽ gặp may mắn.

Anh Zí trao đổi tâm nguyện của mình với một thành viên trong cộng đồng chạy bộ là bác sĩ Vũ Quang Hưng, công tác tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Bác sĩ Hưng đồng tình ủng hộ và cho biết sẽ nhờ các bạn là bác sĩ ở bệnh viện chuyên ngành giúp đỡ cho Cáo.

3. Ngày 25/11/2020, Chảo Láo Cáo được cô Vân Anh cùng mẹ đưa xuống Hà Nội. Ở bến xe, đã có người của đội anh Zí đến đón, đưa vào Bệnh viện Việt-Đức khám bệnh. Bác sĩ Vũ Quang Hưng đã nhờ bạn là bác sĩ Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Vi phẫu và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức giúp đỡ. 

Sau khi thăm khám sơ bộ, bác sĩ Trực đã gọi ngay cho người thầy của mình là Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Ngô Văn Toàn, người được mệnh danh là “Bàn tay vàng” của Bệnh viện Việt-Đức, chuyên gia đầu ngành  về Cơ xương khớp và Chấn thương chỉnh hình của Việt Nam để nhờ sự trợ giúp. 

Bác sĩ Ngô Văn Toàn không chỉ nổi tiếng trong giới y học Việt Nam về công tác chuyên môn mà còn được rất nhiều người biết đến với những đóng góp xã hội qua hoạt động thiện nguyện của riêng cá nhân. 

Trong những năm qua, đã có hàng trăm trẻ em ở các vùng khó khăn, miền núi bị dị tật bẩm sinh về chi đã được bác sĩ Ngô Văn Toàn và các đồng nghiệp phẫu thuật nhân đạo thông qua các chương trình phẫu thuật từ thiện cho trẻ em tại các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Thật sự Chảo Láo Cáo đã rất may mắn khi sự kết nối tình cờ từ những runner chạy bộ đã mang em từ vùng cao xa xôi tới Bệnh viện Việt-Đức và được Bác sĩ Toàn thăm khám, điều trị. Với một ca viêm xương đường máu vốn là một bệnh lý nặng, nếu không gặp bác sĩ có chuyên môn giỏi, rất có thể Chảo Láo Cáo đã bị cắt đùi phải. 

Khi được biết Chảo Láo Cáo được người không quen biết như anh Zí đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng chạy bộ và tận tình đưa cậu bé xuống Hà Nội chữa bệnh, Bác sĩ Toàn rất cảm động và dành cho Cáo sự ưu tiên đặc biệt. Sau khi khám bệnh cho Cáo, Bác sĩ Toàn nhấc điện thoại gọi cho các học trò: “Đối tượng khó khăn đặc biệt nhé”. 

Chỉ một cú điện thoại như vậy, các học trò của ông biết phải làm gì. Cáo được làm thủ tục để nhập viện, chờ phẫu thuật. Sau khi Cáo được nhập viện, cô giáo Vân Anh dặn dò mẹ của Cáo ở lại chăm sóc con rồi ra xe về Lào Cai ngay trong đêm để kịp buổi dạy sáng hôm sau.  

Những ngày ở Bệnh viện Việt-Đức thật sự là thời gian hạnh phúc đối với Chảo Láo Cáo. Em được bác sĩ Ngô Văn Toàn trực tiếp phẫu thuật, giữ lại cái chân tưởng như đã phải cắt bỏ. Em được các y, bác sĩ, các cô điều dưỡng chăm sóc tận tình. Các cô điều dưỡng cho Cáo ăn phở, cả bánh pizza nữa, những món ăn mà trẻ em vùng cao như Cáo khó có điều kiện thưởng thức. 

Lảo Chảo Mẩy, mẹ của Cáo cũng không bao giờ dám mơ hoặc có mơ cũng không bao giờ nghĩ tới một ngày nào đó hai mẹ con được đi xuống Hà Nội và Cáo được đưa đến Bệnh viện Việt-Đức để chữa bệnh hiểm nghèo. Mọi việc diễn ra như một giấc mơ tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích vậy. Ngày ra viện, trước khi ra bến xe, Chảo Láo Cáo được đội của anh Zí đưa em đi  ăn kem và ngắm Nhà thờ Lớn. Chao ôi, Cáo hạnh phúc vô cùng!

Khi bài báo này lên khuôn, Chảo Láo Cáo đã trở lại lớp học với cô giáo Vân Anh và các bạn. Ngày Cáo đến lớp vẫn giữ được đôi chân, cô Vân Anh vỡ oà vì hạnh phúc. Với Chảo Láo Cáo, quá trình điều trị bệnh chưa dừng lại. 

Theo Bác sĩ Ngô Văn Toàn, do bệnh nặng nên còn phải tiến hành một số cuộc phẫu thuật nữa để chữa bệnh cho Cáo. Tết là hi vọng. Mong rằng qua bài báo này, sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ Chảo Láo Cáo để em tiếp tục hành trình chữa bệnh, nối tiếp phép màu đã tiếp sức cho Cáo đến từ những đôi chân chạy bộ. 

Nói như Bác sĩ Vũ Quang Hưng thì: “Chạy bộ cũng chỉ là cái cớ để chúng ta đến gần nhau hơn và những điều tốt đẹp như thế này là món quà tuyệt vời của những người bạn tử tế của chúng ta”.

Hương Vũ
.
.
.