Người phụ nữ tật nguyền gieo niềm vui cho người bất hạnh...

Thứ Ba, 27/02/2007, 15:22
Bị mất một bên chân, nhưng chị Nguyễn Hằng Nga ở khu Minh Tiến, thị trấn Vũ Thư, Thái Bình lại làm được điều tưởng chừng như không thể, đó là khi trở thành cô chủ nhỏ của cơ sở in lưới với đội ngũ công nhân là 35 người khuyết tật.

Sống, nỗ lực học tập, làm việc không ngừng và có thể đem lại niềm vui cho những số phận bất hạnh đối với người bình thường đã là một điều khó, với người tàn tật việc ấy lại khó gấp trăm lần.

Vượt lên tật nguyền

Chúng tôi đến cơ sở in lưới Hằng Nga trong cái lạnh se sắt của buổi đầu chiều. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh với lối nói chuyện rất duyên, cuốn hút người nghe thật khó có thể biết được cô chủ của cơ sở in lưới này lại là người khuyết tật. Sinh năm 1977 trong một gia đình có 5 chị em tại xã Tự Tân, Vũ Thư, Thái Bình, năm 13 tuổi, Nga bị mắc căn bệnh viêm xương.

Mặc dù đã được bố mẹ ngược xuôi chữa trị, nhưng kết cục Nga vẫn buộc phải cắt đi một bên chân, và cũng từ đó cuộc đời Nga gắn liền với đôi nạng gỗ. Vượt qua mặc cảm số phận, Nga đã đăng ký học nghề in tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình, với mong ước sau khi hoàn thành khóa học, có thể mở một xưởng in lưới của riêng mình, nhận những người khuyết tật vào làm, đem lại niềm vui cho họ.

Từ động lực đó, Nga đã ngày ngày học tập miệt mài; tại lớp, ghi nhớ những thao tác của thầy cô, về nhà đem ra thực hành lại từng thao tác đó và cố gắng làm trong một khoảng thời gian ngắn nhất nhưng sao cho đẹp nhất. Học in tuy không nặng nhọc gì nhưng đối với một người khuyết tật như Nga nó lại trở nên vô cùng khó khăn.

Do bỡ ngỡ trong công việc nên những ngày đầu toàn thân Nga lấm đầy mực. "Có hôm bố mẹ lên thăm suýt nữa không nhận ra, nhìn thấy em không nói được gì chỉ đứng mà ứa nước mắt" - Nga tâm sự. Và đã có những đêm cô bé tật nguyền thức trắng để "đánh vật" cùng những mẫu in... Nhờ chăm chỉ học tập, cô gái trẻ đã nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản của nghề in lưới. Kết thúc khóa học, Nga trở thành một trong những người xuất sắc nhất.

Không dừng lại ở đấy, miệt mài với đôi chân không lành lặn, Nga lại ngày ngày đạp xe gần 50km với 4 lần qua phà sang thành phố Nam Định vừa học, vừa làm để nâng cao tay nghề. Có hôm do vận động mạnh và nhiều, chân Nga tê buốt, tưởng chừng như không thể tiếp tục công việc được nữa.

Nhưng rồi Nga lại tự nhủ: phải nhẫn nại và cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mỗi khi qua phà, hôm nào ít người thì người ta nhường cho đi, hôm đông chỉ biết đứng nhìn bất lực mà ứa nước mắt...". Nga rưng rưng nước mắt khi nói về những ngày cơ cực của mình. Sau 3 ngày thử việc, Nga được nhận vào làm. Khi nhận được những đồng lương đầu tiên, Nga khát khao được mang lại niềm vui cho những người tàn tật.

Gieo niềm vui cho những số phận bất hạnh

Năm 1977, được sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi và của Hội Phụ nữ tỉnh, Nga đã mở cơ sở in lưới của riêng mình. Ban đầu có 7 người khuyết tật xin vào học, Nga đã trực tiếp đứng ra dạy nghề mà không đòi hỏi một điều kiện gì. Nga tính toán để mọi người có thu nhập ổn định.

Những ngày đầu Nga phải dành dụm toàn bộ phần lãi để trả lương cho công nhân, thu nhập cá nhân chỉ là con số 0. Hiện nay, cơ sở in lưới Hằng Nga đã được mở rộng, nhận in nhiều mặt hàng như: áo phông, lịch, phù hiệu, áp phích, hồ sơ, phong bì, thiếp mời... Ngoài ra, còn nhận may gia công khăn mặt cho Công ty May Đông Phong (Vũ Thư, Thái Bình), nhận hàng thêu tay xuất khẩu ở Minh Lãng (Thái Bình).

Đồng thời Nga vẫn đang tiếp tục nhận những người khuyết tật vào học và làm. Những người vào học ở đây tùy lòng hảo tâm mà đóng học phí. Học phí có thể chỉ là chục trứng góp vào nấu bữa cơm chung đầu tiên; ít gói bánh đặc sản quê nhà để "làm lễ" ra mắt, hay cũng có khi là dăm chục bạc gọi là để góp thêm vào mua mực, mua giấy...

Học xong, ai có ý định ở lại làm, Nga đều nhận. Thời điểm này cơ sở có 35 lao động, họ đều là những người khuyết tật. Hàng tháng, những người làm ở đây được trả lương từ 450.000 - 500.000 đồng/tháng và được đóng BHXH.

Trong quá trình làm, để có thể gần gũi hơn với những người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thính, Nga đã lặn lội đi học lớp ký hiệu 3 tháng để có thể trò chuyện, giao tiếp, hiểu được những điều người khiếm thính muốn nói, xóa đi những mặc cảm về số phận.

"Lúc mới bị tai nạn, em cứ nghĩ mình là người bỏ đi. Nhưng từ khi được chị Nga nhận vào làm, được sống với các bạn cùng cảnh ngộ, em đã bớt đi một phần mặc cảm về bản thân, bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hàng tháng lại có tiền phụ giúp bố mẹ"- Xuyến (quê Hưng Hà, Thái Bình), người bị mất một bên chân do tai nạn tàu đã vào làm ở đây được gần 2 năm tâm sự.

Còn Thu, 20 tuổi, quê ở Thái Thụy, Thái Bình, bị câm, kéo tôi lại gần, chỉ vào chiếc áo mới đang mặc. Theo những "phiên dịch viên" ở đây thì Thu đang khoe chiếc áo mà chị Nga mới mua cho. Nhìn cô gái thể hiện sự vui mừng theo cách riêng của mình, tôi chợt chạnh lòng nhưng lại nhận ra Thu đã tìm thấy niềm vui cho cuộc đời không may mắn của mình ở cơ sở đặc biệt này.

Khi được chúng tôi hỏi về thu nhập hàng tháng của mình, Nga chỉ cười: "Điều quan trọng nhất đối với em là mọi người ở đây vui vẻ, không còn mặc cảm và có thêm một chút thu nhập giúp gia đình. Còn hàng tháng do không tính toán chi ly lắm nên cũng không có con số cụ thể".

Như con tằm thong thả nhả tơ, Hằng Nga vẫn ngày ngày tiếp tục gieo niềm vui sống cho bao số phận bất hạnh. Ngoài những bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình, Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Bình thì phần thưởng lớn nhất đối với Nga là những người khuyết tật ở đây không còn mặc cảm về số phận.

Tiễn tôi ra cổng với những bước đi khó nhọc, Nga còn dặn với theo: "Anh đi xe cẩn thận". Tôi chợt nao lòng… Cơ sở in lưới Hằng Nga lùi dần phía sau lưng, nhưng vẫn còn đó hình ảnh người phụ nữ đã vượt lên nỗi đau số phận, tìm được hạnh phúc cho bản thân, mang lại niềm vui cho những người cùng cảnh ngộ và ngày ngày vẫn tiếp tục trăn trở khát khao được sưởi ấm, được thương, được yêu những mảnh đời không lành lặn…

Đỗ Trọng Tài
.
.
.