Người mê làm từ thiện

Chủ Nhật, 30/10/2016, 10:45
Khi được hỏi vì sao chọn và rồi chung thủy, đồng hành nhiều năm với Báo CAND, tất cả những nhà hảo tâm mà chúng tôi gặp đều có chung nhận định: “Do Báo CAND là địa chỉ rất đáng tin cậy, tuy làm cầu nối cũng dạt dào tấm lòng nhân ái với người dân nghèo”.

Có nhà hảo tâm bộc bạch: “Đi làm từ thiện với Báo CAND riết rồi nghiện. Chừng một tháng mà không đi thấy trong mình bứt rứt khó chịu lắm…”.

Gặp chúng tôi giữa chộn rộn của công việc của một “ông chủ” tên tuổi giữa đất Sài Gòn, ông Ngô Bửu Khánh, chủ Nhà hàng 241 kể về bữa tiệc từ thiện mang ý nghĩa “Tết vì người nghèo” do Báo CAND khởi xướng cách nay 17 năm: “Lần đầu tiên tổ chức tiệc độc đáo này tại nhà hàng của chị Ngọc Lan trên đường Ngô Gia Tự; năm sau thì chuyển về chỗ tôi. Tôi gắn bó với chương trình này vì hiểu tấm lòng, việc làm thiết thực của Báo CAND với cộng đồng. Bao nhiêu năm rồi, dù kinh tế có lúc khó khăn nhưng… đến hẹn lại lên, anh em đến với Báo ngày càng nhiều. Điều này chứng tỏ thông điệp tốt đẹp, ý nghĩa của chương trình đã và đang lan rộng”.

Ông Khánh cho biết thấy ông làm từ thiện vui và quá ý nghĩa, các nhân viên của ông cũng hưởng ứng theo. “Cứ gần cuối năm, mấy em nó lại ngóng hỏi khi nào bên Báo làm tiệc từ thiện”, ông Khánh kể.

Hơn chục năm gắn bó, đồng hành cùng Báo CAND về vùng sâu, vùng xa tặng quà Tết cho người dân nghèo, ông Khánh có rất nhiều kỷ niệm sâu đậm.

Nhớ lần mang quà Tết về miệt Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ông kể, một cụ bà dù nhận được quà là đường sữa, bánh kẹo nhưng vẫn níu tay ông thẽ thọt: “Cậu ơi, tui muốn xin cái mền con rồng nữa được không?”.

Bà bảo nhà mình nằm trên sông. Có cái mền cũ đắp phía trên nhưng tối đi ngủ, gió lạnh vẫn ùa vào khe ván dưới sàn nhà, luồn qua lớp chiếu mỏng, “tụi nhỏ” nằm co ro. Bà xin cái mền là để lót trên chiếu cho “tụi nó. Chứ tui thì quen rồi”.

“Nghe chuyện, tôi cùng anh em chạy đi tìm nơi bán mua liền. Nhận cái mền có 80 ngàn đồng nhưng bà cụ cảm ơn rối rít, rất thương. Sau lần đó, tôi  tâm niệm ngày nào còn sống thì còn tiếp tục đóng góp, đồng hành cùng Báo CAND mang niềm vui đến những phận người nghèo khó”, ông Khánh xốn xang kể.

Ông Lâm Tấn Lợi trao quà cho học sinh nghèo dân tộc Chăm TP Hồ Chí Minh nhân năm học mới.

Nhắc đến chuyện làm từ thiện của Báo CAND, người ta lại nhắc đến một con người gần như “sinh ra để làm từ thiện”, đó là ông Lâm Tấn Lợi. Hôm chuyện trò cùng chúng tôi, ông kể về cơ duyên ông đến với Báo CAND rằng “thật tình cờ”.

Ông nhắc lại chuyện cách nay ngót 15 năm: “Hôm đó tôi sang đặt quảng cáo tại Chuyên đề ANTG. Nghe nhân viên phát hành bảo, báo hôm nay có bài thương lắm, tôi giở ngay tờ báo rồi đọc bài “Gia đình có 6 người điên”. Đọc xong mà nghẹn lòng. Tôi liền xin số điện thoại của tác giả để bày tỏ ý định xây nhà tặng cho gia đình này. Anh Hồng Lam mừng, bảo tốn khoảng 30 triệu. Vậy là gác lại mọi việc, chúng tôi tức tốc đi Quảng Bình. Không chỉ cho gia đình bất hạnh trong bài viết mà còn xây tặng thêm 5 căn khác cho bà con nghèo huyện Quảng Trạch. Tôi bén duyên với Báo CAND từ đó!”.

Ngẫm về duyên cớ khiến con tim mình luôn thổn thức dạt dào yêu thương với những phận người, ông Lợi bộc bạch: “Nhờ trời, tôi ăn nên làm ra, tôi cũng không tiêu xài mấy nên cũng có khoản dư dôi để giúp dăm ba người khác.

Mình khá hơn thì giúp người kém hơn mình, vậy thôi”. Theo lời ông Lợi, xưa, gia đình ông cũng nghèo, bố mẹ rất vất vả, ông cũng từng có lúc thất nghiệp, thiếu cả tiền đóng học phí cho con nên rất đồng cảm hoàn cảnh, số phận éo le. “Giúp được người ta mình cũng thấy vui. Lại muốn giúp thêm người khác, nhiều hơn nữa, rồi nhiều nữa” – ông tâm sự.

Ba năm trước, ông cùng đại diện Báo CAND quay lại Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung, gặp lại những trường hợp mình giúp đỡ, trong đó có gia đình có 6 người điên. Thấy họ đã khá hơn, ông mừng đến khóc.

Lâm Tấn Lợi làm từ thiện không chút toan tính. Thế nên, khi nghe chúng tôi nhắc đến con số khoảng 25 tỷ đồng là khoản ông đã đồng hành cùng Báo CAND trong suốt 16 năm qua, ông chỉ cười hiền rồi lắc đầu “Chịu!”.

Nhiều lần ông bảo, ông không thể nhớ mình đã giúp bao nhiêu trường hợp. Sau mỗi chuyến đi, ông chỉ đau đáu nhớ những phận người. Và ông thừa nhận giờ ông chẳng khác “con nghiện. Chừng một tháng mà không đi là thấy bứt rứt, khó chịu trong người”.

Vậy “ngoài chuyện thành “con nghiện”, còn “cái được” nào khác khiến ông cảm giác sướng từ việc đi làm từ thiện?, ông trả lời ngay: “Đó là vợ và các con tôi cũng rất thích đi làm từ thiện cùng tôi. Đi mới biết, mới thấy mình may mắn, đủ đầy hơn để rồi cảm thấy yêu thương, chìa tay ra với những phận nghèo”.

Điều quý giá hơn là trong quá trình đồng hành cùng Báo CAND, “con nghiện từ thiện” Lâm Tấn Lợi còn vận động nhân viên trong công ty, bạn bè mình cùng tham gia với tinh thần “ít nhiều gì cũng làm ấm lòng bà con nghèo”.

Có khi, phát hiện ra những trường hợp cần giúp, ông lại thúc Báo lên đường. Như cách nay chưa bao lâu, phát hiện có 13 người sống chen chúc trong vỏn vẹn 12 mét vuông dưới một gầm cầu, đêm không ngủ được vì nước đen ngòm ở dưới cầu trào lên, phải dậy chờ nước rút, dội rửa sạch sẽ mới ngả lưng chợp mắt trong tiếng ầm ầm suốt ngày đêm do xe chạy trên cầu;... ông cùng chúng tôi lại tìm đến họ.

Lần Tây Bắc vào đợt rét đậm, rét hại ở mức 7oC, chứng kiến đám con nít thiếu áo quần mặc, chân tay tím ngắt, lớp học thì tuềnh toàng, cô giáo dạy cùng lúc từ lớp 1 đến lớp 5, ông chỉ biết lặng người. Cùng với đại diện Báo CAND trao quà cho các em và người dân trong một bản, ông quên đi những vất vả của chặng đường cuốc bộ lầy lội, nguy hiểm...

  

TH. Bình – Q. Nga
.
.
.