Người đàn ông 20 năm che chở hàng trăm trẻ khuyết tật

Thứ Tư, 24/02/2021, 08:49
20 năm nay anh Lê Quyết Chiến đã rong ruổi khắp địa bàn huyện Quảng Ninh,Quảng Bình để tìm trẻ em khuyết tật đưa về Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật ở xã Hiền Ninh (Trung tâm Trẻ khuyết tật) để chăm sóc. Những việc làm cao đẹp của anh cùng đội ngũ cộng sự như những bông hoa đẹp giữa đời thường.

Đầu xuân năm mới chúng tôi về huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, mảnh đất nơi một thời bom đạn chiến tranh đánh phá tàn khốc ngày đêm. Hòa bình, khi nhắc tới Quảng Ninh nhiều người nhớ đến các điểm lịch sử nổi tiếng trong cuộc chiến như Bến phà Long Đại, Sở Chỉ huy Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn)… Cũng một phần do bom đạn chiến tranh nên hiện nay trên mảnh đất huyện Quảng Ninh có hàng trăm trẻ em bị khuyết tật, gia cảnh rơi vào túng quẫn. 

Với tình yêu thương con trẻ, 20 năm nay anh Lê Quyết Chiến đã rong ruổi khắp địa bàn huyện Quảng Ninh để tìm trẻ em khuyết tật đưa về Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật ở xã Hiền Ninh (Trung tâm  Trẻ khuyết tật) để chăm sóc. Những việc làm cao đẹp của anh cùng đội ngũ cộng sự như những bông hoa đẹp giữa đời thường.

Chúng tôi đến Trung tâm Trẻ khuyết tật ở Hiền Ninh khi anh Chiến cùng chị Trương Thị Loan, chị Nguyễn Thị Minh Lợi đang tắm rửa, đút cháo, dỗ cơm cho nhiều trẻ em. Được biết, hiện ở Trung tâm Trẻ khuyết tật này chỉ có 5-6 người nhưng các anh, chị chăm bẵm cho gần 100 trẻ khuyết tật. Bên ly trà nóng, anh Chiến nhìn xa xăm nhớ về những ngày đầu băng ruộng, lội bùn đi tìm các cháu để đưa về trung tâm chăm sóc.

Anh Lê Quyết Chiến và phóng viên Báo CAND tặng quà cho trẻ tại Trung tâm Trẻ khuyết tật xã Hiền Ninh.

Đó là năm 2002, Bệnh viện huyện Lệ Ninh chuyển đi chỗ khác để lại dãy nhà cấp 4 đang rơi vào hoang tàn ở xã Hiền Ninh. Khi đó anh Lê Quyết Chiến từ xã Văn Hóa, lấy vợ xã Hiền Ninh và về ở quê vợ, anh trình bày với xã, với huyện xin dãy nhà cấp 4 của bệnh viện để làm trung tâm nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật. 

Được các cấp đồng ý, từ đó đến nay gần 20 năm anh trở thành người cha đỡ đầu nuôi dưỡng cho hàng trăm trẻ khuyết tật. Khi bắt tay vào làm việc nuôi dạy trẻ khuyết tật, những khó khăn chồng chất vây quanh anh Chiến. Địa bàn huyện Quảng Ninh rộng lớn, nhiều rừng núi, việc đi tìm các em để lên danh sách, rồi phân loại, đưa đón các em về nuôi không hề đơn giản. Bên cạnh đó kinh phí không có để chi trả, động viên cho những người nuôi dạy, chăm sóc các em… 

Nhiều đêm anh Chiến thao thức, trở trăn đến sáng lúc nào không biết. Về các xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn thấy nhiều trẻ khuyết tật bị bỏ bê do gia cảnh cha mẹ các em quá nghèo, phải đi lao động kiếm cái ăn, cái mặc, Lê Quyết Chiến lại dặn lòng càng phải cố gắng. Kinh phí của địa phương eo hẹp nên anh chạy ngược, chạy xuôi tìm nguồn từ xã hội hóa, từ sự yêu thương sẻ chia với con trẻ trong cộng đồng. Tình yêu thương con trẻ của anh đã đánh thức được lòng hảo tâm một số người trên địa bàn.

Tại Trung tâm Trẻ khuyết tật ở xã Hiền Ninh có những chị, những mẹ luôn tranh thủ thời gian đến để nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc các em. Một số gia đình, tổ chức, đơn vị khi làm ăn thuận lợi cũng đến trung tâm trao tặng ít tiền… để góp vào nuôi dạy các cháu. Chị Trần Thị Sáu, chồng bị ung thư mất để lại cho chị 2 đứa con tàn tật là cháu Lê Đức Tiến và cháu Lê Thị Hiền Lương. 

Nhiều lần, chị Sáu ngồi nhìn con và chỉ biết khóc thương, nhưng khi các cháu được anh Lê Quyết Chiến đón về Trung tâm Trẻ khuyết tật chăm sóc, sức khỏe các cháu ngày một tốt hơn, lúc này nhìn các con chị Sáu như được tiếp thêm sức mạnh để chị lao động, sản xuất và nghĩ về việc lo lắng chuẩn bị tương lai cho con. Nhiều gia cảnh ở Quảng Ninh thực sự rơi vào khó khăn, khốn đốn khi có các con không may bị khuyết tật như chị Trần Thị Lý, chị Phan Thị Búp… 

Nhưng từ sự tiếp sức của anh Chiến và các chị ở Trung tâm Trẻ huyết tật đưa đón, nuôi chăm các cháu, nhiều hộ gia đình đã cố gắng làm việc, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày một khá giả hơn. Khi có kinh tế, nhiều hộ gia đình lại đón con cái về lại gia đình và ủng hộ thêm để chung sức cùng trung tâm chăm sóc các cháu có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Anh Chiến tâm sự, anh luôn nghĩ cuộc sống dù khó khăn đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua khi mình thực sự nỗ lực hết mình bằng yêu thương và trách nhiệm. Anh kể, khi mẹ anh bị tai biến nằm một chỗ 3 năm trời, anh thì ngược xuôi khắp nơi lo lắng việc trẻ em khuyết tật, nhiều đêm về thấy vợ anh mắt đỏ hoe đang ngồi bón cháo chăm sóc mẹ mình, lúc đó anh chợt nghĩ để dành thời gian lo việc nhà đã, nhưng vợ anh động viên “khó khăn mấy rồi cũng qua, anh cứ theo việc của anh, ở nhà có em…”. 

“Niềm vui lớn nhất của cuộc đời tui là giờ 3 đứa con mình đã trưởng thành, có gia đình cả rồi, vợ chồng tui lại quay về như vợ chồng son, tui lại có nhiều thời gian và động lực để gần gũi chăm sóc các trẻ khuyết tật” anh Chiến nói vậy.

Trước năm mới 2021, phóng viên Báo CAND thường trú trên địa bàn đã kết nối với các nhà hảo tâm tìm đến Trung tâm Trẻ khuyết tật ở xã Hiền Ninh để trao gần 100 suất quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó có cháu bị chất độc da cam, có cháu bị khuyết tật từ nhỏ, hay thiểu năng trí tuệ đang được nuôi dưỡng tại đây. 

Anh Lê Quyết Chiến cho biết, trung tâm là cơ sở hoạt động chủ yếu dựa vào xã hội hóa, sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm của các tổ chức, cá nhân. Quảng Bình là tỉnh có thiên tai khắc nghiệt, bão lũ, hạn hán xảy ra liên miên nên để kêu gọi hỗ trợ cho trung tâm rất khó khăn. Những năm qua, anh chị em tại trung tâm thường động viên nhau “liệu cơm gắp mắm” để nuôi nấng, chăm sóc các cháu. Món quà nhiều ý nghĩa từ phóng viên Báo CAND góp phần cùng trung tâm động viên, chăm lo cho các cháu mái ấm tình thương đặc biệt này.

Dương Sông Lam
.
.
.