Nghị quyết 30a và mong ước của đồng bào Nam Trà My

Thứ Ba, 02/12/2014, 09:10
Cả một vùng rừng núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam buổi nay bừng lên ánh điện; từng tốp trẻ em vui cười rộn rã trên con đường bê tông vững chãi mừng ngày về trường mới... Đồng bào vùng sâu nơi đây ai cũng phấn chấn tận hưởng những tiện ích mà họ hiểu rằng, điều đó chỉ có được khi ánh sáng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ 62 huyện giảm nghèo nhanh và bền vững rọi tới.

Đến với Nam Trà My lần này, những cán bộ, nhân viên, công đoàn viên Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đã ủng hộ và cùng với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình Trường Mẫu giáo xã Trà Cang với mức đầu tư 4,65 tỷ đồng; bê tông hóa con đường đến Trường Trung học cơ sở bán trú xã Trà Nam với chi phí 1,55 tỷ đồng, đồng thời tài trợ nhiều công trình, phần việc khác với mức ủng hộ cả chục tỷ đồng. Đây là số tiền trích từ quỹ tiết kiệm chi phí và sự chung tay đóng góp của hàng vạn cán bộ, công nhân viên lao động toàn Tổng Công ty Vicem.

Nhìn trẻ em các dân tộc Ca Dong, B Hông, Xê Đăng tung tăng đi trên con đường bê tông tươi mới, không phải ai cũng thấu hết mới hôm qua chúng còn phải nhọc nhằn bám theo vệt bìa rừng trơn trượt để đến trường; dõi theo ánh mắt hồn hậu chứa đựng bao nỗi khát khao của các em nhỏ Trường Mẫu giáo Trà Cang mới thấy hết ý nghĩa xuất phát từ lòng nhân ái của cán bộ, nhân viên, công đoàn viên Tổng Công ty Vicem. Cùng với các thầy, cô giáo, tận mắt chứng kiến ngôi trường khang trang với ba phòng học, khu vui chơi, bếp ăn, nhà tắm, nước sạch... rất tiện nghi, ông Trần Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vicem và các thành viên đoàn công tác không giấu nổi niềm vui và cả day dứt về một vùng căn cứ địa cách mạng trung dũng kiên cường trong kháng chiến nhưng nay còn nghèo khó. Để rồi chính ông, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Vicem không quản đường xa cách trở, nhiều lần đến tìm hiểu thực tế, tặng đồng bào vùng sâu Nam Trà My những công trình thiết yếu dân sinh như một nghĩa cử đáp đền. Không chỉ có trường, đường, trước đó Tổng Công ty Vicem đã đáp ứng nguyện vọng của những hộ đồng bào đặc biệt khó khăn của huyện Nam Trà My, hỗ trợ 3,381 tỷ đồng giúp 438 hộ nghèo có nhà ở mới trước Tết Canh Dần; giúp nâng cấp Trường Trung học cơ sở bán trú xã Trà Nam 4,6 tỷ đồng... Ngoài ra, cán bộ, nhân viên, công đoàn viên Tổng Công ty Vicem còn tích cực thực hiện nhiều việc làm nghĩa tình khác, như ủng hộ xây dựng tượng đài Anh hùng Võ Thị Sáu, tham gia quỹ đóng tàu cho Bộ Tư lệnh Hải quân, giúp đỡ các tỉnh bị thiên tai bão lũ, đăng ký hỗ trợ các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An...

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái mà Vicem cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, thì đây là cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam. Nói như thế, để thấy hết ý nghĩa sâu xa, hiệu quả xã hội sâu sắc của Nghị quyết 30a của Chính phủ, đã huy động được sức mạnh của cả xã hội quan tâm, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa có điều kiện vươn lên giảm nghèo nhanh và bền vững. Bằng những công trình điện, đường, trường, trạm, những người thợ xi măng cùng với bao tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước đã tạo nên cú hích, giúp đồng bào vùng sâu nói chung, đồng bào Nam Trà My nói riêng từng bước thoát được đói, giảm được nghèo và vươn lên xây dựng cuộc sống vững bền.

Ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc Vicem, cùng các đại biểu trao quà cho các cháu tại lễ khánh thành Trường Mẫu giáo xã Trà Cang.

Được biết, với 30 đơn vị thành viên, hơn 18.000 người lao động, hằng năm Tổng Công ty Vicem sản xuất và tiêu thụ trên 20 triệu tấn sản phẩm với doanh thu 30.000 tỷ đồng. Qua đó, đã duy trì phát triển ổn định, tạo việc làm và đời sống cho hàng vạn cán bộ, nhân viên. Con số đó thật ấn tượng, nhưng chưa nói hết những khó khăn, cực nhọc của những người thợ xi măng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Hơn nữa, ngay trong đội ngũ những cán bộ, công nhân viên ngành Xi măng, cũng còn không ít hoàn cảnh éo le cần sự trợ giúp, đã được Công đoàn ngành Xi măng quan tâm hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiểu như thế, càng thấm thía tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương” mà cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Vicem đã gieo trên mảnh đất chịu quá nhiều đau thương trong chiến tranh nhưng nay đồng bào còn gặp nhiều gian truân vất vả.

Ông Huỳnh Hồ Tanh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cho biết, cả xã có 3.856 nhân khẩu sống trên diện tích tự nhiên khoảng 11.500 ha. Bà con các dân tộc Ca Dong, B Hông, Xê Đăng nơi đây luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, giữ gìn an ninh trật tự rất tốt. Nguồn sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc nơi đây là làm nương rẫy, bình quân thu nhập rất thấp. Dù được hỗ trợ nhưng đến nay vẫn còn 3/7 thôn chưa có điện; phần lớn đường tới trường, tới bản vẫn được giải đá cấp phối... Phác thảo một vài nét như thế, để thấy những công trình, phần việc mà các nhà tài trợ ủng hộ đồng bào Nam Trà My nói riêng, 62 huyện nghèo trong cả nước nói chung dù rất có ý nghĩa, nhưng để giảm nghèo nhanh và bền vững theo kỳ vọng của Chính phủ lại là bài toán cần lời giải cấp thiết. Thực tế cho thấy, Nam Trà My hiện có diện tích rừng khá lớn, có thác bạc làm thủy điện, có dãy núi với loài sâm Ngọc Linh được xếp vào loài dược liệu quý hiếm trên thế giới. Nhưng đời sống đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, cho dù các cấp ủy đảng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực. Bởi thế, theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, sự hỗ trợ từ bên ngoài là hết sức quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, chính là làm thế nào để những hỗ trợ đó tạo cú hích có thể giúp khai mở những tiềm năng sẵn có của huyện tạo thành sức mạnh vật chất. Với ý nghĩ ấy, ở Nam Trà My việc mở lớp truyền dạy kỹ năng khuyến nông, khuyến công, trước hết là nhân giống, giao đồng bào trồng và bảo vệ loài sâm Ngọc Linh đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao cần phải đẩy mạnh; là giao rừng và quản lý khai thác hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ; là hợp tác với các đơn vị đầu tư thủy điện tạo nguồn thu tại chỗ cho địa phương... Chỉ có như thế, mới mong một ngày không xa, Nam Trà My cũng như 61 huyện nghèo khác, mới có thể thoát nghèo bền vững. Cái cần đối với một huyện nghèo, thiết nghĩ không chỉ là nguồn lực hỗ trợ, mà quyết định lại là nghị lực và ý chí vươn lên. Nói như đồng chí lãnh đạo  huyện cũng là tâm tư của đồng bào nơi đây, đã có một Trà My là căn cứ cách mạng trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, thì nhất định sẽ có một Trà My kiên định thoát nghèo và từng bước khá giả trong tương lai.

Thanh Phong
.
.
.