Mong có tiền chữa bệnh để sống thêm với gia đình

Thứ Bảy, 07/05/2016, 12:05
Đó là ước ao cháy bỏng của chị Trần Thị Nương (55 tuổi, ngụ tại ấp Phước Ninh, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Chị đang từng ngày đối mặt với căn bệnh “suy thận mãn độ 4” giữa lúc hoàn cảnh hết sức éo le…

Cách đây 4 năm, do hoàn cảnh, chị cùng 3 con rời Sóc Trăng lên Bình Dương. Các con đi làm thuê, chị ở nhà lo việc cơm nước, giặt giũ. Mệt, ăn không ngon, đi đứng khá khó khăn nhưng thương con nên chị giấu. Đến khi thấy quá sức chịu đựng, chị mới đi khám và được các bác sỹ cho biết chị bị suy thận mãn giai đoạn cuối, phải lọc máu mới mong duy trì sự sống. Chị như chết đứng. Trong tay không có lấy vài ba trăm ngàn thì lấy đâu tiền lọc máu?

Cuối cùng, mấy mẹ con chị lại dắt díu nhau về lại Sóc Trăng. Điều đáng buồn là sau khi chị phát bệnh khoảng hơn 1 năm, người chồng đã lẳng lặng bỏ rơi mấy mẹ con lên TP Hồ Chí Minh sinh sống. Lúc làm công nhân ở Bình Dương, hai người con gái của chị quen với hai chàng trai cùng nghèo khó, cũng đi làm công nhân trên đó và nên vợ nên chồng rồi cùng nhau về quê chồng sinh sống, không giúp được gì nhiều cho chị.

Chị Nương với cánh tay bị biến chứng do suy thận mãn.

Người con trai út sống với chị đang làm công cho một tiệm sửa xe gắn máy ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) với mức tiền công mỗi ngày từ 100.000-120.000 đồng. Trong khi đó, một tuần chị Nương phải lọc máu 3 lần, chi phí mỗi tuần lên đến hàng triệu đồng.

Căn nhà của bà Trần Thị Phấn (mẹ chị Nương) được làm bằng cây lá tạm bợ, chỉ cần một trận gió mạnh thổi qua là có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tài sản trong nhà cũng không có gì đáng giá.

Bà Phấn tuy đã già yếu nhưng vẫn phải kiếm sống bằng việc chằm lá thuê, mỗi ngày được trả 20.000 đồng tiền công, chi cho sinh hoạt của mấy mẹ con, bà cháu. Chị Nương cho biết: “Mỗi lần đi lọc máu, tôi hỏi mượn bà con anh em khắp trong xóm. Nếu không có thì phải ở nhà thôi. Tôi đang nợ trên 20 triệu đồng. Địa phương cũng giúp tôi được sổ hộ nghèo, bảo hiểm y tế nên chi phí mỗi lần đi chữa bệnh cũng giảm bớt phần nào”.

Giơ cánh tay trái bị biến chứng cho chúng tôi xem, chị Nương vừa khóc vừa nói: “Tôi chỉ ước ao có tiền chữa bệnh để được sống thêm với mẹ và các con cùng mọi người vài năm nữa”.

Hoàn cảnh chị Trần Thị Nương rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Trần Thị Nương, ấp Phước Ninh, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Điện thoại: 0976. 215.844.

Cao Xuân
.
.
.