Miền quê nghèo cần lắm những tấm lòng

Thứ Hai, 05/12/2005, 10:11
Đi đến đâu cũng không khỏi chạnh lòng bởi mảnh đất có dân số hơn 1 triệu người, đời sống nhân dân còn ở mức độ thấp, còn rất nhiều hộ nghèo, trẻ em khó khăn, không may mắn và khuyết tật chiếm một phần không nhỏ.

Về Hưng Yên, mảnh đất thuần nông đã từng ghi dấu bao sự tích anh hùng, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội dẫn đi thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội, Khu Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên và Trường Phục hồi chức năng Khoái Châu.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Khu Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên. Đây là nơi chăm sóc và chữa bệnh cho 163 bệnh nhân, trong đó có 10 đối tượng chính sách. Nơi đây, cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn, các phương tiện điều trị như máy điện tim, máy X quang vẫn còn thiếu. Thuốc đặc trị bệnh hầu như không có, chỉ có thuốc điều trị duy trì thông thường. Tiền thuốc do tỉnh hỗ trợ không thể đáp ứng đủ khi bệnh nhân đến đây phần lớn là nặng. Để cải thiện cho những bữa ăn của bệnh nhân, các nhân viên đã phải tự chăn nuôi, đào ao, thả cá thêm trong khuôn viên của Khu Điều dưỡng. Nhà ăn tập thể còn quá chật chội nên các nhân viên phải xây thêm bàn ăn ở phía ngoài hành lang, ở ngoài trời.

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Trường Phục hồi chức năng Khoái Châu có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, dạy văn hóa và dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Trong những năm qua, trường đã có rất nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm học 2004-2005, nhà trường đã tiếp nhận 100 học sinh khuyết tật, trong đó có 53 em thiểu năng trí tuệ, 47 em khiếm thính với độ tuổi từ 8 - 16. Nhà trường đã thực sự là mái ấm tình thương, là chỗ dựa tinh thần và là nơi tìm lại nguồn vui, hạnh phúc cho các em.

Khi ra trường với thời gian 8 năm, các em đã học hết chương trình tiểu học và học được một số nghề như may, thêu, ren, cắt tóc, thợ mộc... có khả năng tự lập trong cuộc sống. Tuy nhiên, nơi ở, sinh hoạt còn khá chật hẹp, đều là nhà cấp 4 đã xuống cấp, sân chơi chưa thông thoáng, chế độ phụ cấp còn rất thấp. Hầu hết các gia đình học sinh đều thuộc diện hộ nghèo nên việc chăm sóc các em còn nhiều hạn chế.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là nơi nuôi dưỡng 80 người già cô đơn, người tàn tật và những trẻ em bị bỏ rơi. Những người già không có gia đình thường có những tâm lý thất thường nhưng dưới một mái nhà chung, lại được các nhân viên chăm sóc tận tình, các cụ đã vơi bớt những mặc cảm, những buồn phiền để sống những năm tháng cuối đời bên cạnh những người hàng xóm có cùng cảnh ngộ như mình. Cũng như ở Trại Điều dưỡng tâm thần kinh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng phải cải thiện đời sống như trồng thêm rau sạch, tăng gia thêm thức ăn cho những bữa ăn vốn đạm bạc. Khó khăn nhất của Trung tâm là chưa có các phương tiện về cấp cứu, đưa đón mỗi khi các cụ hoặc những cháu nhỏ bị bệnh, ốm đau.

Đó chỉ là một số địa chỉ mà chúng tôi có dịp được ghé qua. Ngoài 3 trung tâm trên, toàn tỉnh hiện nay còn có 3 trung tâm khác cũng nuôi dưỡng những đối tượng có cùng cảnh ngộ. Đó là Trường Phục hồi chức năng Tiên Lữ; Cơ sở dạy nghề cho người tàn tật. Và đặc biệt, gần đây Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa xây dựng thêm Nhà xã hội đón nhận những trẻ em lang thang, không nơi nương tựa. Đối với những đối tượng này, tỉnh chỉ có thể hỗ trợ 120.000đ/ngày. Với mỗi bữa ăn chỉ 2.000đ, khó có thể đảm bảo được sức khỏe cho mọi người. Đồng chí Lê Hữu Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho chúng tôi biết: Hiện nay, theo số liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, toàn tỉnh có hơn 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó có gần 600 em mồ côi (không còn cả bố lẫn mẹ). Hơn 2.500 em tàn tật nặng, trong đó số trẻ bị nhiễm chất độc hóa học là hơn 600 em, gần 400 em đang phải lang thang kiếm sống tại các thành phố lớn, còn lại là các em có hoàn cảnh khó khăn khác như phải lao động trong những điều kiện nặng nhọc, gia đình thuộc diện hộ quá nghèo...

Thời gian qua, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước cho các em, kêu gọi được nhiều sự hỗ trợ nhân đạo dành cho các em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh éo le, đặc biệt khó khăn. Các em rất cần tới sự trợ giúp nhân đạo của những nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để vơi bớt những khó khăn, hòa nhập với cộng đồng, có cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, địa chỉ 533 đường Nguyễn Văn Linh- thị xã Hưng Yên, số điện thoại: 0321.863531; đồng chí Lê Hữu Thuận- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, ĐT: 0321.864514 - 0989090892 hoặc Quỹ Xã hội từ thiện Báo CAND - 66 Thợ Nhuộm  - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Hồng Hạnh
.
.
.