Mai mốt có tay… con đi làm kiếm tiền về nuôi ngoại

Thứ Bảy, 25/10/2014, 23:50
Về ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chúng tôi nghe nhiều bà con kể cho nghe câu chuyện buồn của một cháu bé bất hạnh khi sinh ra không được trọn vẹn hình hài, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn. Cháu thường nói với bà ngoại “ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta, mai mốt có tay, con đi làm kiếm tiền về nuôi ngoại”…

Gặp chúng tôi, bà Lý Thị Cho (người Khmer, bà ngoại cháu Trần Thị Hiếu Thảo, SN 2010) kể, năm 2008, con gái bà là chị Trần Thị Nhàn (28 tuổi) gặp và kết hôn với một nam thanh niên quê ở Nha Trang tên Vũ (bà không nhớ họ con rể). Năm 2010 thì sinh cháu Thảo.

Cháu Thảo đang tập viết chữ.

Khi mang thai cháu Thảo được 4 tháng cho đến 7,5 tháng, vợ chồng anh Vũ, chị Nhàn thường xuyên lên một cơ sở y tế ở TP.Sóc Trăng khám thai, siêu âm. Những lần ấy, họ đều được người khám cho biết “thai nhi phát triển bình thường, không có gì đặc biệt”. Tuy nhiên, đến khi trở dạ, chị Nhàn được gia đình đưa lên Bệnh viện đa khoa huyện Cù Lao Dung sinh thì các bác sĩ phát hiện cháu bé sinh ra không tay, không chân. Bà Cho nói: “Nhìn thấy cháu mình như vậy, tui chết đứng, không thể tin được”.

Thông tin chị Nhàn sinh bé gái không tay, không chân được nhiều người kháo nhau và họ kéo đến bệnh viện để trước là xem tận mắt cháu bé bất hạnh, sau nữa là an ủi, động viên chị Nhàn, người thì mang quà, người dúi vào tay ít tiền…Bà Cho buồn bã: “Lúc đó, có người nói với tui đem bỏ đi chứ nuôi chi cho tội”, nhưng tôi nghĩ, dù sao cháu tôi cũng là một con người, mặc dù không được trọn hình hài, bỏ đi tội nghiệp lắm. Vậy là tôi quyết định mang cháu về nhà nuôi”. Mang đứa bé đỏ hỏn không tay không chân về một vùng đất chủ yếu là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, lại phần đông là người Khmer nên gia đình bà Cho gặp không ít phiền toái bởi lời dị nghị của một số người. Dù nghèo, phải đi làm thuê làm mướn nhưng bà Cho và ông Trần Văn Nhỏ (ông ngoại cháu Thảo) vẫn kiên trì chăm sóc đứa cháu ngoại bất hạnh của mình.

Cháu Thảo và bà ngoại bên ngôi nhà tranh sập xệ.

Cháu Thảo mới được 10 tháng thì bất hạnh lại giáng xuống gia đình nghèo khó ấy. Đó là khi anh Vũ (cha cháu Thảo) về thăm gia đình ở Nha Trang thì bị tai nạn qua đời ngoài đó. Vậy là, mọi khó khăn lại dồn vào đôi vai gầy của mẹ, tấm lưng còng của ông bà ngoại. Cũng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có đất đai sản xuất nên sau đó không lâu, chị Nhàn buộc lòng phải gửi cháu Thảo cho cha mẹ nuôi, còn chị lặn lội lên Bình Dương làm công nhân cho một cơ sở sản xuất với đồng lương ít ỏi, hi vọng có chút tiền gửi về cho cha mẹ chăm sóc đứa con gái bất hạnh của mình. Hiện tại, bà Cho và ông Nhỏ làm thuê để kiếm sống qua ngày. Bữa cơm 3 người chủ yếu cơm, rau hái ngoài ruộng, còn cá thịt thỉnh thoảng mới có.

Bà Cho kể tiếp, mỗi lần cháu bị bệnh, đưa đi bệnh viện, có người gợi ý tôi đưa cháu vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật nhưng tui ở xa, không khi nào đi đâu thành ra không biết có trung tâm nào nhận nuôi những người như cháu hay không. Hơn nữa, cháu ở với mình từ nhỏ, bây giờ cho đi ở nơi khác, e tôi chịu không nổi. Có người gợi ý cho người quen của họ làm con nuôi thì tui thấy không ổn. Mỗi lần nghe người lớn nói như vậy, chờ họ ra về, cháu nói với tôi: “Ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta ngoại nha. Mai con có tay con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi ngoại mà. Đừng cho người ta nha ngoại”. Nghe cháu nói mà chảy nước mắt”… Nhìn cháu Thảo nghiêng đầu qua một bên, cây bút để sát vào gần cổ, đưa “cánh tay” giữ bút, viết thành chữ O, mồ hôi chảy thành giọt trên gò má, tôi rất xúc động và khen cho cháu tuy còn nhỏ nhưng đã có ý chí, có nghị lực.

Hoàn cảnh của gia đình bà Lý Thị Cho hiện rất khó khăn. Không chỉ nuôi cháu Thảo, ông bà còn phải nuôi thêm một cháu ngoại nữa là cháu Đoàn Hữu Danh (4 tuổi). Cháu Danh là con của chị Trần Thị Thuý An (con gái bà Cho) và anh Đoàn Hữu Lợi (cùng 24 tuổi). Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh Lợi, chị An đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh. Chị An làm công nhân, còn anh Lợi làm thợ hồ. Trong khi đang làm việc, anh Lợi bất ngờ đột quỵ và tử vong.

Sau khi chồng qua đời, vì cuộc sống, chị An gửi con lại cho cha mẹ ruột tiếp tục lên TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Rất mong sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa để bà Cho tiếp tục nuôi hai cháu ngoại bất hạnh của mình

Cao Xuân
.
.
.