Làm điều thiện không đợi giàu

Thứ Năm, 02/10/2008, 09:10
Những năm 80 của thế kỷ trước, báo chí nhắc đến chị  Trịnh Thị Lời như một kiện tướng nuôi heo của cả Quảng Nam - Đà Nẵng. Giáo viên thời đó phần nhiều khó khăn riêng chị vừa đi dạy vừa làm thêm, hết nuôi heo đến mở máy xay xát, có của ăn của để, nhà hai, ba cái. Năm 2007, mới 50 tuổi, con cái bắt đầu thành đạt, kinh tế gia đình không còn eo hẹp, chị quyết định xin nghỉ dạy để đi làm từ thiện.

Ngày 15/9/2008 chúng tôi trao đổi với thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng ở Bình Tú (Thăng Bình, Quảng Nam) và được cho biết cô Trịnh Thị Lời - giáo viên của trường - đã nghỉ dạy từ nhiều tháng trước để đi làm từ thiện, trường đang giải quyết chế độ hưu cho cô.

Tại sao nôn nóng như vậy, không chờ nghỉ hưu cho hẳn hoi rồi đi? Theo thầy hiệu trưởng, việc cưu mang những người kém may mắn trong xã hội là tâm nguyện ám ảnh chị Lời từ ngày còn nhỏ. Chị quần quật làm việc trong mấy mươi năm qua cũng là vì mục đích có chút điều kiện để chăm sóc những người neo đơn, không nơi nương tựa.

Bà con ở đây kể rằng, chị có 4 đứa con nhưng thấy trẻ ở đâu bị bỏ rơi hay gia đình khó khăn là nhận về nuôi, cho ăn học, dựng vợ gả chồng đàng hoàng. Khi nghe chị tuyên bố đi làm từ thiện, chồng cũng như các con đều không ngạc nhiên.

Đề án Trung tâm Dưỡng lão và Đào tạo nghề cho người khuyết tật của chị kinh phí dự toán ban đầu 600 triệu nhưng khi vào thực hiện phát sinh lên 1 tỷ đồng. Vì vậy mà chị phải bán ngôi nhà thứ 2. Trung tâm bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2008, có địa chỉ ở khối phố An Đông, thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam.

Bây giờ căn nhà  của gia đình chị ở nhỏ hơn rất nhiều ngôi nhà mà chị xây cho những người già neo đơn. Chị ăn, ngủ cùng với những người mà chị gọi là mẹ là anh, chị vốn sống hiu quạnh, côi cút, nghèo đói ở nhiều vùng quê mà chị cất công tìm về. Trong 10 người già mà chị vừa đưa về trung tâm (đợt 1), chị hay ngủ với bà Phạm Thị Ưng, 90 tuổi, mù 2 mắt. Từ lâu rồi người ta thấy bà mẹ mù đó sống bữa đói bữa no với một đứa con gái mờ 2 mắt (60 tuổi) trong một túp lều tranh lụp xụp ở Hiệp Thuận (Hiệp Đức).

Khi biết hoàn cảnh này chị Lời đến ngay. "Mẹ về ở với con, cơm nước, ốm đâu con chu toàn cho mẹ". Bà ưng đồng ý với hai yêu cầu: Khi chết được đưa về chôn ở quê nhà, và đưa luôn con Hai (con gái bà) đi theo, "hắn mắt mờ, tuổi lớn, kiếm miếng ăn khó quá". Chị Lời đồng ý.

Một lần đang ngủ, bà Ưng hỏi: Sao con không chọn mấy đứa trẻ mồ côi nuôi cho khoẻ, nuôi chi mấy ông bà già trái tính trái nết ni cho cực? Chị Lời nói: Trẻ mồ côi con cũng thương mà người già neo đơn con cũng thương. Có điều trẻ mồ côi Nhà nước mở nhiều trung tâm đón nhận, người già (không phải diện chính sách) thì chưa.

Bà Ưng chưa thôi: Mẹ hỏi thiệt, con là trẻ mồ côi phải không? Chị Lời khóc tấm tức: Ba mẹ con chết khi con mới 5 tuổi. Con được một người bà con nghèo nhận về nuôi. Từ nhỏ đến giờ con chỉ ao ước gặp được người để gọi là ba, mẹ. Con thành lập trung tâm là để giúp đỡ những người không nơi nương tựa lúc về già sức yếu mà cũng là để bù đắp cái thiếu thốn tình cảm của mình.

Những người già ở đây coi chị như con em của mình. Mỗi lần chị đi đâu lâu, họ điện thoại hỏi, chị về họ quay chung quanh, những gương mặt già nua giàn giụa nước mắt vì nhớ.

Chị cũng đi khắp nơi đưa về 39 đứa trẻ câm điếc, thiểu năng trí tuệ mà gia đình nghèo khổ không chăm sóc, dạy dỗ tốt. Nhiều em coi chị như mẹ. Chị thuê cô giáo dạy văn hóa cho các em. Với những em lớn chị gửi vào xưởng may, xưởng mộc cho các em học nghề. Chị đang xúc tiến xây dựng một xưởng may và một xưởng mộc tại trung tâm chờ các học thành nghề sẽ đưa vào làm việc.

Bên ngành Giáo dục đã chấp thuận cho trung tâm chị được cung cấp một phần bàn ghế học sinh mỗi năm. Một công ty may cũng vui lòng cung cấp đơn hàng cho chị. Ngoài ra một công ty ở Hà Nội cũng vừa chuyển giao cho chị một dây chuyền làm nước khoáng đóng chai, và nhiều cơ quan ban, ngành trong tỉnh đã đồng ý lấy nước khoáng của trung tâm chị khi nào chị có sản phẩm.

Trong khi chờ xưởng may, xưởng mộc, nước khoáng đóng chai ra đời, chị duy trì sự tồn tại của trung tâm với 39 em bé câm điếc, 10 người già neo đơn và 5 người giúp việc bằng nghề bán cây cảnh của gia đình. Mỗi tháng chị phải làm ra tối thiểu 10 triệu đồng.

Chúng tôi hỏi: Giả sử việc buôn cây cảnh thất bại thì sao? Chị trả lời: Tôi sẽ làm mọi cách để duy trì trung tâm vì nơi này có ba mẹ tôi, có những đứa con của tôi. Nếu bí lắm thì tôi sẽ bán nốt ngôi nhà còn lại

Lê Vũ
.
.
.