"Tết cho người nghèo" của Báo CAND - Chuyên đề ANTG:

Gặp lại người dũng cảm phá bom và những nỗi đau thời hậu chiến

Thứ Sáu, 19/01/2007, 14:05
Người đàn ông gầy gò run run hai bàn tay nhận món quà Tết của Báo CAND - Chuyên đề ANTG. Không ai nghĩ rằng, người đang đứng trước mặt mình từng là một thành viên trong Đội cảm tử đã vô hiệu hóa thành công hàng chục quả bom tấn… trong những năm Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc.

Ông là Đinh Văn Hòa, năm nay 59 tuổi, hiện sống tại xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Khi nhắc lại câu chuyện về những năm tháng chiến tranh, dường như ông Hòa đã biến thành một người khác, linh lợi, hoạt bát và tràn đầy sức sống.

Tôi sinh ra để... chơi với bom

Người Đội trưởng Đội cảm tử từng được đồng đội đặt biệt danh "chú voi con" bởi sức khỏe và sự chịu đựng phi thường giờ đây chỉ còn lại một thân hình hốc hác và tiều tụy. Đó cũng là những năm tháng Mỹ mở rộng chiến tranh ném bom miền Bắc. Do yêu cầu nhiệm vụ, ông được đưa đi học lớp cấp tốc về rà phá bom mìn.

Kết thúc khóa học, do tư chất thông minh, nắm vững biện pháp rà, phá loại vũ khí hủy diệt của giặc, ông được phân công làm Đội trưởng Đội cảm tử rà phá bom mìn, gồm 11 thành viên.

Những tấm giấy chứng nhận chiến công phá bom cảm tử của ông Hoà.

Nhiệm vụ đầu tiên mà ông được giao là đến xã Đức Quang, Đức Thọ. Cả Đội cảm tử của ông Hòa chỉ được cấp vài chục mét dây dù cùng mấy cục nam châm để phá bom. Ấy thế mà 36 quả bom từ trường đã bị ông cùng đồng đội chinh phục tại trận đầu ra quân này.

Vừa dứt nhiệm vụ ở đây, đội của ông được cấp trên điều ngay lên Ngã ba Linh Cảm thuộc dòng Sông La. Con sông hiền hòa giờ đây đã bị địch thả bom từ trường phong tỏa hoàn toàn.

Không như trận đánh đầu tiên, lần này, bom lại nằm dưới nước, rất khó xác định vị trí cũng như loại bom. Qua quan sát bom rơi, cả đội đều cùng chung nhận xét là giặc thả bom từ trường nhằm phong tỏa ngã ba này không cho tàu thuyền vào Nam nữa.

Có nhiều cách để phá bom từ trường nhưng cho đến lúc này, ngoài mặt trận chưa có sáng kiến nào khiến việc phá bom được nhanh, an toàn cả. Thật may, khi đó Đoạn quản lý đường sông số 8 có một chiếc canô cao tốc.

Nhìn chiếc canô này lướt trên sóng, ông Hòa chợt nảy ra ý định tại sao không dùng chính tốc độ của canô để "lừa bom" kích nổ? Cả Đội cảm tử của ông đều đồng ý với suy nghĩ táo bạo này và ai cũng xung phong lên canô trực tiếp lướt sóng phá bom, bất chấp hiểm nguy.

Không cần hội ý, Đội trưởng Đinh Văn Hòa quyết định một mình lên canô "lướt sóng". Cả đời chưa từng cầm lái tàu cao tốc này, ông vẫn vững tay cầm lái chạy một vòng nhỏ cho quen. Và khi chiếc canô vừa chớm bãi, một tiếng nổ lớn kéo theo là một cột nước cao cả chục mét trùm lên ngay sát mạn tàu, nhưng chiếc canô vẫn bình yên lướt đi.

Rồi sau đó là hàng loạt tiếng nổ, cột nước do bom nổ gây ra sát hai bên mạn tàu, phía sau mớn nước do động cơ gây ra. Trận ấy ông đã phá được tổng cộng 144 quả bom, bãi bom Linh Cảm được giải phóng, tàu thuyền lại tiếp tục thông luồng, mọi người chào đón Đinh Văn Hòa trở về như một người anh hùng.

Về sau này, ông không chỉ tập trung phá bom mà còn có một sáng kiến độc nhất vô nhị là gom bom địch về một chỗ để phá... cho tiện. Ông gọi đây là cách đánh nghi binh. Theo quy luật, máy bay địch thường bổ nhào qua dãy núi Hồng Lĩnh để ném bom chặn đường xe đi và chúng thường tăng mật độ ném bom vào ban đêm.

Nhận ra điểm yếu này, ông dùng một số ắc-quy gắn bóng đèn rồi nối dây điện dài sát vách núi. Anh em ngồi phục, hễ nghe tiếng máy bay địch là chập dây cho bóng đèn sáng lên, ánh đèn sẽ tắt ngay khi tốp máy bay thám thính này nhìn thấy.

Từ trên cao, địch nhầm tưởng ánh đèn vừa tắt là đèn pha ôtô nên thông báo cho máy bay ném bom mang bom đến thả. Bằng cách này, ông cùng đồng đội đã tạo ra một số bãi bom tập trung vừa giải tỏa nguy hiểm cho các đoàn xe, vừa tiện rà phá khi tàu bay địch rút đi.

Anh hùng chưa được gọi tên

 Ông Hòa kể lại rằng, thời điểm ấy, mỗi lần nhận nhiệm vụ rà phà bom mìn ở một khu vực nào là đội của ông đều luôn phải chuẩn bị sẵn một chiếc quan tài và 6m vải đỏ và tổ chức một bữa liên hoan cho tất cả những anh em làm nhiệm vụ.

Đối đầu với đủ các loại bom tấn như bom từ trường, bom nổ chậm, bom nổ ngay… ranh giới giữa sự sống và cái chết là rất mong manh. Chỉ có thần kinh thép, kinh nghiệm trận mạc và cả sự may mắn thì mới có thể sống sót đến ngày hôm nay.

Kỷ niệm nhớ nhất là ông một mình tháo một quả bom nổ chậm vẫn được gọi là bom tạ, nhưng quả bom hôm ông phá lại được địch chốt kim hỏa bằng bi. Oái oăm thay, đây là loại bom chạm nổ và địch chống tháo bằng cách cho thêm một viên bi kênh khỏi vòng.

Nếu tháo không đúng, bi bật ra là bom nổ. Khí tài để phá bom này chỉ có một chiếc búa bằng cây tre, vậy là ông đánh vật với quả bom tiếng rưỡi đồng hồ mới vô hiệu hóa được nó.

Sau khi thực hiện việc vô hiệu hóa và phá hủy một quả bom tấn của địch, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kho hàng tại huyện Thạch Hà, Đinh Văn Hòa đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được lập hồ sơ đề nghị tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng LLVTND" ngay tại mặt trận.

Chiến tranh đã trôi qua và người rà phá bom mìn năm xưa giờ đây lại đang phải đối mặt với sự nghiệt ngã của số phận, trong một lần làm nhiệm vụ phá bom ở bến phà 1, 2 và 3 thuộc xã Đức Trường, Đức Thọ, một quả bom nổ cách chỗ ông khá xa và một mảnh bom găm thẳng vào đỉnh đầu đã làm ông bị chấn thương sọ não.

Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời, ông lại "nổi cơn điên" không kiểm soát được. "Chơi với bom khỏe hơn các anh ạ! Bây giờ sức khỏe yếu lắm, không còn làm ăn được gì nữa. Cộng với bệnh thần kinh thỉnh thoảng lại "vật" cho một trận khiến cho kinh tế gia đình đã khó khăn càng khó khăn hơn", ông Hòa cho hay.

Thấy chồng suốt ngày lên cơn điên, vợ ông cũng đã bỏ đi. Trời đã chiều, sương lạnh mùa đông trùm lên cánh đồng nghi ngút khói, hình ảnh người anh hùng phá bom liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng vẫn đeo đẳng mãi chúng tôi trên chuyến xe trở về thành phố

Xuân Luận - Ngọc Tước
.
.
.