Đôi vợ chồng bỏ hàng trăm triệu đồng xây nhà dưỡng lão từ thiện

Thứ Ba, 13/07/2010, 14:59
Việc vợ chồng chị Lời bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng một trung tâm dưỡng lão và đào tạo nghề cho người khuyết tật dưới chân núi Dương Bồ (Hiệp Đức, Quảng Nam) được một số người cho là chuyện cổ tích thời nay, song ngược lại dư luận vẫn có tiếng ra, tiếng vào. Tìm đến tận nơi, nghe chị Lời "rút ruột" tâm sự, tôi mới hiểu được ngọn ngành về việc làm thiện tâm của vợ chồng họ…

Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức, đưa tôi đến Trung tâm Dưỡng lão và đào tạo nghề cho người khuyết tật ở chân núi Dương Bồ vào một buổi trưa giữa tháng 7, nắng nóng như thiêu đốt. Tình cờ gặp lúc ăn trưa, 16 cụ già và một trung niên đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Người trung niên vừa ăn, vừa nhìn chúng tôi cười ngờ nghệch.

Hỏi cô gái làm nhiệm vụ tiếp khách tên là Đinh Thị Mười, mới biết, tuy làm Giám đốc Trung tâm, song chị Trịnh Thị Lời ở nhà dưới tít Hương An (Quế Sơn), chừng 5-7 bữa mới lên một ngày rồi lại về. Còn trung niên tên Dậu có mặt trong bữa ăn của các cụ già, nhà ở cạnh Trung tâm. Anh Dậu sống độc thân, bị mắc bệnh tâm thần nên Trung tâm đồng ý nuôi dưỡng bằng cách, ngày ba bữa gọi tới ăn cơm rồi cho về.

Ông Bình tiết lộ: Mỗi người già không nơi nương tựa vào đây, hằng tháng được hưởng khoản tiền 120.000 đồng (hiện đã tăng lên 180.000 đồng) theo quy định của Nhà nước về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời còn được UBND huyện Hiệp Đức hỗ trợ thêm 15kg gạo. Riêng 6 nhân viên phục vụ và 1 bảo vệ thì Trung tâm trả lương bằng tiền bán sản phẩm nước uống tinh khiết đóng chai hiệu "Nguồn Sống"…

Qua điện thoại, chị Lời đồng ý gặp tôi ngay tại nhà riêng ở Hương An. Theo chị Lời thì UBND huyện Hiệp Đức đã giao khu đất rộng 5.000m2 dưới chân núi Dương Bồ cho vợ chồng chị để đầu tư xây dựng Trung tâm. Việc xây dựng bắt đầu từ năm 2007, khánh thành và đưa vào sử dụng vào giữa tháng 5/2008. Để xây dựng khu nhà gồm 6 phòng ở cho các cụ già, phòng hành chính, khu sinh hoạt chung, sân, vườn… với tổng giá trị khoảng 1,2 tỉ đồng, chị đã dùng số tiền dành dụm từ nhiều năm và tiền bán nhà ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình); sau đó, một số cá nhân, doanh nghiệp có tấm lòng vàng, như: Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng, Cienco5… đóng góp thêm.

Trong quá trình hoạt động của Trung tâm, chị liên tục vận động sự đóng góp, giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân để đảm bảo kinh phí nuôi dưỡng các cụ già và duy trì lớp học nghề của 16 trẻ em bị khuyết tật. Trong đó, đặc biệt Công ty cổ phần An Viên (Khánh Hòa) đã tặng cho Trung tâm hệ thống lọc, xử lý nước uống tinh khiết đóng chai để sử dụng nguồn nước tự chảy thông qua hệ thống này sản xuất ra nước uống hiệu "Nguồn Sống" bán ra thị trường thu lãi trả lương cho nhân viên phục vụ, trang trải thêm cho ăn uống, sinh hoạt của các cụ già…

Các cụ già ở Trung tâm Dưỡng lão và đào tạo nghề cho người khuyết tật dưới chân núi Dương Bồ.

Chị Lời giãi bày rằng, sau khi được sự ủng hộ của chồng và các con, được lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức nhiệt tình hỗ trợ giao đất để xây dựng Trung tâm, chị nghĩ mọi việc đơn giản, ai dè bắt tay vào làm thì biết bao phức tạp. Đơn cử như việc sản xuất nước uống tinh khiết "Nguồn Sống", ngành Thuế bắt buộc phải nộp thuế doanh thu và thuế môn bài. Chị đã gõ cửa nhiều cơ quan, khóc và xin được miễn thuế, nhưng người ta vẫn khăng khăng. Cò kè mãi, cuối cùng mỗi tháng Trung tâm phải nộp cho ngành Thuế huyện Hiệp Đức 380.000 đồng và nộp thuế môn bài mỗi năm 500.000 đồng.

Rồi việc mua bảo hiểm y tế cho các cụ già cũng lắm phiền toái. Trong số 16 cụ già Trung tâm đang nuôi dưỡng, có 1 cụ ông là cụ Nguyễn Quang Trung (72 tuổi), quê ở Nam Phước, Duy Xuyên và 2 cụ bà là: cụ Nguyễn Thị Trước (78 tuổi) và cụ Võ Thị Tường (85 tuổi), sống lang thang ở chợ Cầu Mống (Điện Phương, Điện Bàn), do chị Lời đưa về nuôi dưỡng, các cơ quan có trách nhiệm không chịu cấp theo diện bảo hiểm y tế cho người nghèo. Người ta đưa ra lý do, chị Lời mang về nuôi thì phải lo(?!). Số cụ già còn lại tuy được cấp thẻ bảo hiểm y tế, song nơi khám, chữa bệnh thì ở tận quê nhà. Vì thế, hằng năm chị phải cử nhân viên chạy về quê của các cụ để xin giấy chứng nhận UBND xã, rồi làm thủ tục xin khám, chữa bệnh tại Bệnh viện huyện Hiệp Đức.

Chị Lời rơm rớm nước mắt kể lại chuyện chị nhận cụ Nguyễn Thị Trước không nơi nương tựa, sống ở chợ Cầu Mống trong tình trạng ốm thập tử nhất sinh, đưa vào Bệnh viện Tam Kỳ cấp cứu. Tại đây, chị đóng viện phí để cấp cứu cụ Trước nhưng còn bị qui kết này nọ. Đến khi cụ Trước xuất viện đưa về Trung tâm nuôi dưỡng thì một số cán bộ địa phương cũng dọa, rằng: Cụ Trước không có hộ khẩu ở địa phương nên đưa về nuôi thì có việc gì phải chịu trách nhiệm. Há lẽ phải mang một cụ già "tứ cố vô thân" đang bị bệnh bỏ lại ở chợ Cầu Mống, chị Lời không nỡ nhẫn tâm nên liều giữ lại chăm sóc. Sau đó tới lượt cụ Trường, cụ Trung cũng vậy...

Bây giờ thì các cụ già ở Trung tâm đều xem chị Lời như con ruột, họ gọi chị thân mật là "Con Hai"; còn chị gọi 15 cụ bà là "Mẹ" và cụ ông Nguyễn Quang Trung là "Ba". Trong đợt nắng nóng cao điểm nguồn nước suối bị khô kiệt nên Trung tâm không có nước dùng, việc sản xuất nước đóng chai cũng phải ngừng lại. Chị Lời phải về Hương An bán từng cây cảnh của gia đình mang tiền lên trang trải sinh hoạt cho Trung tâm…

Qua tâm sự của chị Lời cho thấy, chính quyền cùng các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam và huyện Hiệp Đức cần quan tâm hơn nữa đối với hoạt động của Trung tâm Dưỡng lão và đào tạo nghề cho người khuyết tật dưới chân núi Dương Bồ để ổn định đời sống cho các cụ già nơi đây

Long Vân
.
.
.