Điều chưa biết về 1 đại hiệp ẩn danh

Thứ Năm, 26/05/2011, 11:19
Tại TP HCM, nhắc đến ông Ba Oanh, người ta ngay lập tức liên tưởng đến hình ảnh một người đàn ông gầy ốm, nghèo rớt mồng tơi nhưng hơn 20 năm qua chăm lo tang ma miễn phí, chu đáo cho hơn 1.000 đám tang người nghèo, người lang thang chẳng may qua đời. Đồng hành với ông còn có 1 Mạnh Thường Quân nhiều năm qua lặng lẽ ủng hộ ông hàng trăm áo quan để an táng cho người nghèo...
>>Đại hiệp của những vong hồn cơ nhỡ

Một năm sau gặp lại, ông Ba Oanh hồ hởi tâm tình sau bài viết của Báo CAND, đã có nhiều người tìm đến chung tay với ông lo cho tang ma người bất hạnh. Ông Ba Oanh cũng tận tình đưa chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Đức, một Mạnh Thường Quân nhiều năm qua lặng lẽ ủng hộ ông hàng trăm áo quan để an táng cho người nghèo.

Với tâm niệm "thi ân bất cầu báo" nên hơn 10 năm qua, dù đồng hành trên hành trình hiệp nghĩa với ông Ba Oanh khi hỗ trợ áo quan, lúc điều phương tiện đưa xác người nghèo về với gia đình ở các vùng sâu xa ở khắp các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ nhưng anh Đức vẫn kín tiếng.

Trên đường đưa chúng tôi đến trại hòm nằm dưới chân cầu Khánh Hội (quận 4) nơi anh Đức đang sinh sống, ông Ba Oanh tâm tình: "Khi có người lang thang cơ nhỡ chẳng may qua đời, người ta thường gọi thông báo tình hình cho tôi. Nhận được tin tôi sẽ đến hiện trường khảo sát, sau đó thông báo cho anh em xuất hòm đến đặt để tử thi vào rồi tiến hành tổ chức tang ma theo đúng nghi thức an táng… Ngặt nỗi do có quá nhiều người cần giúp đỡ, trong khi nguồn áo quan để an táng cho họ thì có hạn nên tôi thường xuyên cầu cứu anh Đức. Bao giờ cũng vậy, nhận được tin là ảnh hỗ trợ hòm không chút đắn đo…".  

Ông Ba Oanh (phải) và anh Nguyễn Văn Đức bàn việc lo an táng người nghèo.

Hôm chúng tôi đến thăm anh Đức cũng là lúc ông Ba Oanh nhận được cuộc gọi của một tình nguyện viên ở huyện Bình Chánh cấp báo về trường hợp của một nam công nhân ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chết vì căn bệnh ung thư phổi, người vợ cũng là công nhân chỉ biết gục bên xác chồng chẳng biết phải làm sao, bởi có bao nhiêu tiền chị đều đổ dồn vào việc chữa bệnh cho chồng. Nghe tin cầm lòng không đặng, nhưng ngặt nỗi áo quan dự trữ đã hết, vậy là ông Ba Oanh nhân tiện bàn việc với ông chủ trại hòm. "Nghe mà thương quá chú Đức ơi" - giọng ông Ba nói nghe mà muốn đứt ruột: Điệu này phải giúp cho họ cái hòm, rồi cái xe đưa xác về quê an táng, chú Đức coi giúp họ nghen".

Sau những bàn bạc, trao đổi chớp nhoáng, ông Ba Oanh vui mừng khi được anh Đức đồng ý. Khi những dè dặt ban đầu nhường chỗ cho sự thân tình, Đức bộc bạch anh gắn bó với hành trình hiệp nghĩa cùng ông Ba Oanh hơn 15 năm qua. Hỏi về số lượng áo quan hỗ trợ ông Oanh để an táng cho những cảnh đời cơ hàn, anh Đức gãi đầu "làm sao mà nhớ".

Đại hiệp Ba Oanh, chép miệng nói: "Cũng phải trên 300 cái đó chú ơi! Cứ tính bình quân mỗi năm ít nhất cũng 20 cái, nhân với 15 năm thì ra con số chứ gì. Mà không chỉ giúp áo quan, khi có ai đó là người ở các tỉnh vào TP HCM lập nghiệp chẳng may qua đời, chú Đức còn giúp phương tiện, cho xe đưa xác họ về đến tận quê nhà không lấy đồng bạc nào".

Mỗi chiếc áo quan giá rẻ nhất là 4 triệu đồng, đem nhân với con số 300 cái, hẳn sẽ ra số tiền khổng lồ. Điều đáng nói là tuy rộng rãi với tử thi khốn cùng như vậy nhưng trong thực tế, điều kiện kinh tế của anh chẳng dư dả gì.

"Từ hồi 14 tuổi tôi đã sống lang bạt nơi đầu đường xó chợ nên thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo. Sau đó tôi làm công cho một trại hòm rồi theo thời gian mà đi lên. Nghề buôn hòm của tôi phát đạt hay không là nhờ xác chết nên tận đáy lòng, tôi tri ân những người ra đi. Trong quá trình gắn bó với công việc tang ma, tôi nhận thấy hố sâu khoảng cách giữa người giàu và người nghèo kinh khủng lắm. Có người khi nhắm mắt xuôi tay con cái bỏ hàng trăm triệu đồng để lo mồ yên mả đẹp nhưng cũng có người khi họ trút hơi thở cuối cùng, ngay cả manh chiếu quấn thân cũng chẳng có…". 

Chúng tôi cũng rất thán phục nghĩa cử sẻ chia thầm lặng của anh Đức hễ khi được ông Ba Oanh ới là anh cởi lòng không chút đắn đo, do dự. "Tuy việc buôn bán mỗi lúc một khó khăn nhưng nhìn chung cuộc sống của tôi vẫn ổn định hơn gia đình nhà anh Ba. Gia đình ảnh gần cả chục con người nhưng dồn hết trong căn nhà chỉ xấp xỉ 20m2, khi đau bệnh không dám đến bệnh viện nhưng chưa bao giờ bỏ mặc xác chết cơ hàn nào… Chính nghĩa cử đó của anh Ba khiến tôi khâm phục và mong muốn được gắn kết, được hỗ trợ phần nào với ảnh thôi" - anh Đức bày tỏ.

Đội mai táng từ thiện Phước Thiện do ông Ba Oanh (Nguyễn Văn Oanh) có "trụ sở" tại ngôi nhà ông Ba đang lưu trú, ở địa chỉ 334/33A Đoàn Văn Bơ (phường 16, quận 4). Một ngày nào đó, nếu gặp xác chết cơ hàn hoặc người nghèo chẳng may có người thân qua đời nhưng không có điều kiện an táng cho người thân, bạn có thể gọi điện thoại cho ông Ba Oanh theo số 0835392580 hoặc số 0978088564 để người cơ hàn sớm được giúp đỡ, hỗ trợ.

N.Thành Dũng
.
.
.