Chàng trai bị liệt và nỗ lực cảm hóa thanh thiếu niên hư

Thứ Năm, 03/09/2015, 09:07
Có những người sinh ra đã không gặp may khi phải gánh chịu nỗi đau khuyết tật. Nhưng từ trong những nỗi đau ấy lại hình thành nên sức sống mạnh mẽ, nghị lực phi thường và cả những niềm đam mê nồng cháy, để họ vươn lên, không chịu đầu hàng số phận. Anh Lê Tiến Vỹ (39 tuổi, ở thôn Thi Phương, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là một ví dụ điển hình…

Anh Vỹ kể rằng, năm anh lên 4 tuổi thì một cơn bạo bệnh đã khiến đi đôi chân lành lặn của anh bị teo lại và liệt hẳn. Cho đến bây giờ, khi được hỏi về những ngày tháng cơ cực sau đó, anh không khỏi ngậm ngùi.

“Từ hồi hai chân bị liệt, tui làm chi cũng thấy khó. Nhất là lúc đi học, tui phải chống nạng lê chân trên đường hàng cây số. Đường sá ngày trước lầy lội dữ lắm chứ chưa được bê tông hóa như hiện nay, nên bị vấp ngã hoài nhiều khi cũng nản".

Học xong lớp 9, anh Vỹ xin bố mẹ nghỉ học để ở nhà phụ giúp công việc gia đình, thỉnh thoảng, anh ra ngoài tìm công việc phù hợp để xin vào làm kiếm tiền sinh sống. Nhiều lần đi ngang qua cơ sở điêu khắc Âu Lạc, âm thanh của những phôi gỗ, của tiếng cưa đục đã cuốn hút anh. Từ đó, anh xin vào học việc và may mắn được người chủ đồng ý. Hai năm sau anh trở thành thợ lành nghề. Rồi sau 16 năm phấn đấu học tập và rèn luyện tay nghề, anh bắt đầu mở riêng cho mình xưởng điêu khắc gỗ mang tên Lạc Việt…

Anh Lê Tiến Vỹ với tác phẩm điêu khắc gỗ của mình.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, anh phải lặn lội xuống Hội An, ra Đà Nẵng và một số tỉnh khác, để chào bán các sản phẩm tự tay mình làm ra. “Việc gì cũng có khó khăn nhất định của nó. Nhưng tui đã xác định là mình phải có cái nghề để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình, vì thế phải cố gắng hết sức.Bà con hàng xóm cũng hay ghé thăm và động viên tui làm việc, đó là niềm động lực to lớn để tui phấn đấu vươn lên”, anh Vỹ chia sẻ.

Thế rồi, những cố gắng của anh cuối cùng cũng  được đền đáp. Sau 7 năm thành lập, cơ sở điêu khắc Lạc Việt ngày càng ăn nên, làm ra. Sản phẩm của anh Vỹ dần tạo được danh tiếng, nhận được đơn đặt hàng của các thương nhân trong và ngoài tỉnh...

Đáng trân trọng, anh Vỹ được xem chính quyền và người dân địa phương ghi nhận là một trong những người có công lớn trong việc cảm hóa thanh thiếu niên hư trên địa bàn. Cơ sở của anh hiện có 20 công nhân, gồm 6 thợ chính và 14 học viên; đa phần còn trong độ tuổi thiếu niên.

Được sự giúp đỡ tận tình của anh Vỹ, nhiều thanh thiếu niên ham chơi, lêu lổng đã thay đổi bản thân, chăm lo làm việc, thu nhập ổn định góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Em H. tâm sự: “Em học tới lớp 8 thì nghỉ học ở nhà, ham chơi lang thang. May mà nhờ anh Vỹ  tận tình giúp đỡ cho em cái nghề. Hồi mới vào em chưa làm được gì nhiều, nhưng sau 3 năm thì em đã thành thạo, làm được nhiều sản phẩm. Tất cả đều là nhờ anh Vỹ động viên, giúp đỡ cho em”...

Khi được hỏi về hoài bão lớn nhất của anh là gì? Anh Vỹ bày tỏ rằng, mong muốn mở rộng thêm cơ sở để đào tạo, giúp đỡ thêm nhiều người lao động khác có công ăn việc làm; nhất là góp phần cảm hóa các thanh thiếu niên cá biệt, để cùng chung tay ổn định tình hình ANTT vùng quê vốn dĩ yên bình của mình…

Hà Ngọc
.
.
.