Phòng hỗ trợ giáo dục đặc biệt Khánh An

Thứ Năm, 24/09/2015, 15:52
Nằm trên địa bàn phường Xuân La quận Tây Hồ, Phòng hỗ trợ giáo dục đặc biệt Khánh An được thành lập từ tháng 2/2014 dưới sự quan tâm chỉ đạo hội khuyến học Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu tư vấn Giáo dục và các vấn đề xã hội.

Với mục đích hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ có vấn đề về tâm lý, từ khi thành lập đến nay Trường đã can thiệp bán trú cho 14 em, can thiệp và điều trị cá nhân 5 em và đánh giá miễn phí cho 21 em. Thêm vào đó, trung tâm còn tư vấn cho 25 phụ huynh có con bị khuyết tật và hỗ trợ 5 em học hòa nhập cùng các bạn tại trường mầm non, tiểu học trong thành phố Hà Nội.

Các em học sinh học tại Trường Khánh An

Về cơ sở vật chất, Trường có các phòng học, phòng đánh giá kết hợp trị liệu với trang thiết bị đáp ứng các điều kiện cần thiết cho công việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.

Các giáo viên đều là các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, khoa Giáo dục đặc biệt, khoa tâm lý giáo dục. Họ là những người có chuyên môn sâu về chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật, có tâm huyết với nghề và đặc biệt là sự kiên trì, yêu thương trẻ. Bởi chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật là một công việc hết sức khó khăn đòi hỏi một quá trình lâu dài.

Các em đến với Trường Khánh An thường là những trẻ dị tật. Ngoài khuyết tật chính các em còn gặp phải nhiều khó khăn khác (trẻ khiếm thị đa tật, trẻ bại não, trẻ tự kỉ,...). Mỗi em lại có những khó khăn riêng. Có những trường hợp phụ huynh không thể gửi con ở trường nào của Hà Nội nhưng trường Khánh An vẫn tạo cơ hội cho các con, các giáo viên phải mất rất nhiều thời gian đồng hành cùng gia đình để chăm sóc, giáo dục các em.

Đến với trường Khánh An, trẻ khuyết tật được giáo dục theo hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân, được giáo dục phát triển các lĩnh vực, dạy các kĩ năng sống, kĩ năng xã hội cơ bản. Có những em 6 tuổi mới đến trường học,  không biết cầm thìa, cầm cốc nhưng sau một thời gian đã biết những kĩ năng tự phục vụ tối thiểu nhất để sống độc lập. Có những em đã học được cách ngồi ghế, tập đứng, giảm nỗi sợ hãi khi khám phá đồ vật xung quanh hay có sự giao tiếp, tương tác như trả lời các câu hỏi đơn giản. Hầu hết các em đều có sự tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, mỗi năm trường Khánh An đều kết nối với các trường hòa nhập ở Hà Nội để hỗ trợ các trẻ có thể ra học hòa nhập.

Quan trọng nhất là Trường Khánh An và gia đình luôn phối hợp quan sát, trao đổi về sự tiến bộ, các hành vi của trẻ, để theo dõi tình hình phát triển của các em từng ngày. Từ đó đưa ra các kế hoạch cụ thể cùng phương án thực hiện. Các hoạt động chức năng, hoạt động cá nhân được thiết kế tùy thuộc vào khả năng của mỗi trẻ khuyết tật.  

Các giáo viên và phụ huynh luôn đồng hành trong quá trình chăm sóc và giáo dục.

Vào ngày 4/9 vừa qua Phòng hỗ trợ giáo dục đặc biệt Khánh An đã tổ chức một buổi khai giảng ấm áp giữa các vị khách, giáo viên, phụ huynh và trẻ khuyết tật đang học tại trường.

Trưởng phòng Giáo dục đặc biệt Khánh An báo cáo kết quả hoạt động năm học vừa qua và mục tiêu cho năm học mới.

Đặc biệt vì không chỉ là lễ khai giảng năm học mới cho các em mà cũng là dịp để chia tay 4 trẻ khiếm thị trong đó có 2 trẻ khiếm thị đa tật vào học hòa nhập tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Một “cựu học sinh” của trung tâm đến dự khai giảng.
Nụ cười hồn nhiên của các em đến dự lễ khai giảng năm học mới.
Những nốt nhạc của một trẻ khiếm thị dành tặng các cô giáo của Trường Khánh An, bố mẹ và các quý vị đại biểu dự lễ khai giảng.

Sau màn biểu diễn văn nghệ, các vị khách quí đến động viên giáo viên, phụ huynh và trao quà năm học mới cho tất cả các em khuyết tật đang học tại Trường.

Kết thúc buổi lễ, PGS.TS. Phạm Minh Mục – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biêt – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ: “Các con đều có quyền được chăm sóc và giáo dục để hòa nhập, để trở thành những công dân độc lập có đóng góp cho xã hội”.

Đây cũng chính là mục tiêu hành động của Phòng hỗ trợ giáo dục đặc biệt Khánh An. Hơn nữa đó cũng là mong ước của phụ huynh và giáo viên từng ngày thấy sự tiến bộ của các em, được thấy các em chơi đùa và học tập cho dù gặp phải gặp muôn vàn những khó khăn phía trước.

Đinh Hồng Châm
.
.
.