Bác sỹ thỉnh cầu giúp bệnh nhân bị rắn độc cắn

Thứ Ba, 16/12/2014, 17:29
Gọi điện cho phóng viên Báo CAND, Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hối hả nói: “Em đến ngay đi, bệnh nhân này khó khăn lắm, nếu đưa về nhà là chết, cùng cố gắng giúp họ nhé!…”. Tôi chạy ào vào viện ngay trong chiều 15/12.

Anh Lê Việt Thức 44 tuổi ở xóm Văn Thánh, xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên, nằm trên giường bệnh ở Phòng Hồi sức tích cực. Thiết bị mở khí quản kềnh kệnh quanh cổ anh. Muốn nói, anh chỉ có thể phát ra thứ âm thanh khàn khàn “hơ, hơ…”, không thành chữ. Hai gò má của anh hóp vào, xám xịt, cơ thể gầy đét, dính vào chiếc giường bệnh trải ga trắng.

Bên cạnh anh, người vợ cũng gầy gò, đen đúa chẳng kém, ánh mắt trũng sâu, toát lên sự lo lắng, hoang mang. Tôi không nghĩ rằng, chị vẫn đang ở tuổi 45. Câu chuyệt giữa tôi và người phụ nữ khắc khổ ấy cứ bị ngắt quãng giữa những tiếng kêu khàn đục của anh Thức.

Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc khám bệnh cho anh Thức.

Chị Nguyễn Thị Thái nhớ lại cái lúc khởi đầu của chuỗi ngày vất vả. “Lúc đó là 23h đêm 26/10. Tôi đang ngủ thì nghe tiếng anh Thức gọi: “Dậy, dậy, anh bị rắn cắn rồi”. Hóa ra anh dậy ra ngoài đi vệ sinh, do mắt kém, anh giẫm phải con rắn cạp nia, bị nó cắn vào chân, chảy máu bê bết, chắc là con rắn to. Cả nhà tôi bật dậy, tôi ga rô cho anh, thằng con lớn chạy ra sân tìm được con rắn, đập nó chết. Con rắn khúc đen khúc trắng dài đúng 1m. Rồi tôi gọi hàng xóm nhờ lấy lá giải độc giã cho anh uống. Ở quê tôi mọi người vẫn làm thế. Uống mồi thứ nhất được, đến mồi thứ 2 anh nôn hết ra rồi dần dần liệt chân tay, mồm ngọng, sùi bọt mép, không nói được nữa. Nhà tôi vội vàng đưa anh đến Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên ngay trong đêm. Đến nơi các bác sỹ bảo chỉ chậm 5 phút là anh ấy chết”.

Chị Thái kể, từ lúc vào viện, bác sỹ phải dùng máy móc cho anh thở, rồi vài ngày sau phải mở khí quản. Anh ăn uống hoàn toàn bằng ống xông. Nằm 1 tháng 10 ngày ở bệnh viện Thái Nguyên, các bác sỹ cho về chăm sóc anh Thức ở nhà bằng ống xông. Nhưng, về nhà chỉ được 3 ngày, sức khỏe anh suy giảm nghiêm trọng, gia đình vội vã đưa anh đi thẳng xuống Bệnh viện Bạch Mai.

Mẹ con chị Thái lo lắng cho sức khỏe và chi phí chữa bệnh của anh Thức. 

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, PGS.TS Bế Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, anh Thức bị rắn cạp nia cắn gây liệt cơ toàn thân. Hiện tại bệnh nhân bị viêm phổi, tiêu chảy, suy kiệt nặng, rất may là tình trạng liệt của bệnh nhân đang hồi phục. Loại vi khuẩn gây viêm phổi là trực khuẩn mủ xanh nhưng vẫn còn nhạy cảm với kháng sinh.

“Chúng tôi đang cố gắng giải quyết tình trạng viêm phổi, suy kiệt, rối loạn tiêu hóa nặng và nâng thể trạng cho bệnh nhân. Gia đình muốn đưa bệnh nhân về nhà vì lo không có tiền đóng viện phí, nhưng nếu đưa bệnh nhân về thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất cao. Vì thế, chúng tôi muốn anh Thức ở lại viện để cố gắng rút được ống mở khí quản, cho anh tập ăn, tập uống, nâng cao thể trạng… Dù khả năng phục hồi không thể nhanh chóng, nhưng chỉ cần một hai tuần là có thể cải thiện được tình hình rất nhiều. Trước mắt, chúng tôi đã liên hệ cung cấp suất ăn miễn phí cho anh Thức, hướng dẫn vợ anh làm đơn xin giảm viện phí, rồi kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ…”.

Đúng là như vậy, khi tôi tìm bác sỹ Bế Hồng Thu vào cuối giờ chiều 15/12 cũng là lúc chị đang ôm máy điện thoại, gọi điện đi khắp nơi, từ bạn bè, người thân để vận động, kêu gọi từ thiện cho anh Thức. Đây không phải lần đầu tôi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp này của các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Từ nhiều năm nay, phóng viên Báo CAND đã quen thuộc với những cuộc điện thoại gọi giúp đỡ bệnh nhân của các bác sỹ ở đây như thế.

Nói về bệnh nhân Thức, bác sỹ Thu tâm sự: “Gia đình họ nghèo quá, đã chi trả gần 100 triệu đồng viện phí ở Bệnh viện Thái Nguyên. Chúng tôi phải vận động em rể bệnh nhân (là người lo chi phí cho gia đình anh Thức) cố gắng cho anh Thức ở lại viện thêm một thời gian”.

Còn vợ anh Thức thì nghẹn ngào: “Mỗi ngày chồng tôi nằm ở đây tốn khoảng 5.000.000 đồng, biết lấy đâu tiền trả. Nhà chỉ có một sào ruộng, hết trồng lúa rồi trồng rau. Thằng con lớn học xong lớp 9 phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiến, tôi còn thằng nhỏ học lớp 1 cũng phải cố gắng cho đi học. Trước đây anh Thức vốn bị mờ mắt, sức khỏe yếu nên làm nghề cắt tóc, chủ yếu một mình tôi làm việc nuôi cả 4 người. Năm vừa qua nhà tôi bị rút khỏi danh sách hộ nghèo nên cũng không có bảo hiểm hộ nghèo để đỡ tiền chữa bệnh”.

Trước mắt, vợ chồng anh Thức, chị Thái còn quá nhiều khó khăn cần vượt qua cả về tinh thần, sức khỏe và vật chất. Rất may, họ đã được các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để tiếp tục chữa bệnh, cứu người. Nhưng, họ vẫn rất cần có thêm sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm để cùng vượt qua cơn hoạn nạn này. Hãy để những tấm lòng, sự nỗ lực, lời kêu gọi của các bác sỹ ở đây không trở thành vô nghĩa.

Mọi giúp đỡ, ủng hộ cho bệnh nhân Lê Việt Thức xin gửi về địa chỉ: Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; tài khoản Báo CAND: 102010000010535 Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Việt Hà
.
.
.