Cám cảnh gia đình mẹ mù và 4 người con câm điếc

Thứ Năm, 07/05/2015, 08:42
Cánh tay làm việc thay đôi mắt, cụ Hoàng Thị Xuyến (83 tuổi), ngụ thôn Mỹ Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) lần mò mở cánh cửa mời chúng tôi vào nhà. Trong căn nhà rộng khoảng 20m2, tài sản không có gì đáng kể. Có lẽ trị giá nhất là hai con chó gầy gò mà tôi có thể đếm được từng đốt xương.

Gia đình cụ Xuyến có 5 mẹ con thì cả 5 đều bị dị tật nặng. Sống gần trọn một đời nhưng cụ Xuyến vẫn không sao hiểu nổi vì sao cả 4 người con của cụ khi sinh ra đều mang những dị tật bất thường, kẻ câm, người điếc, người mắc chứng bệnh thần kinh. Riêng cụ Xuyến, năm 1979 mới bị mù sau một trận ốm nặng. Suốt hàng chục năm qua, gia đình bất hạnh ấy sống lay lắt bằng nghề nhặt ve chai tại các bãi rác trong thị trấn nuôi nhau cơm cháo qua ngày.

Vì nghèo khó, không thể trụ được ở Hà Nội, năm 1981, gia đình cụ chuyển vào huyện Lâm Hà sinh sống theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Thời điểm này, vợ chồng cụ đã có 4 người con khuyết tật bẩm sinh. Vào vùng đất mới được một thời gian ngắn, người chồng đột ngột qua đời vì bạo bệnh do làm việc quá sức.

Người con đầu của cụ Xuyến là bà Nguyễn Thị Bần (57 tuổi) và con thứ 3, ông Nguyễn Văn Hai (51 tuổi), bị câm, điếc bẩm sinh, ông Nguyễn Văn Tán (53 tuổi) bị chứng bệnh thần kinh. Nhẹ nhất là cô gái út Nguyễn Thị Xuyên (38 tuổi), bị dị tật nhẹ, tai bị điếc nghe câu được câu không nên ai nói gì cũng gật đầu, cười trừ.

Trước đây, khi các con của cụ Xuyến còn trẻ, còn sức khỏe vẫn có người thuê làm việc này, việc nọ, vì vậy miếng cơm, manh áo vẫn có thể xoay xở được. Những năm gần đây, các con cụ Xuyến tuổi đã cao, thường xuyên đau ốm nên không ai thuê họ làm việc nữa. Để có cái ăn, hằng ngày từ sáng sớm, các con của cụ phải tỏa đi nhiều nơi trong thị trấn Đinh Văn và các xã lân cận tìm đến từng bãi rác, nhặt nhạnh bất cứ cái gì có thể bán được để mua đủ một vài lon gạo. Một ngày ốm đau nằm ở nhà là ngày đó gia đình lâm vào cảnh đói.

Mẹ con cụ Xuyến người câm điếc, người thần kinh.

Hằng ngày khi các con cụ đi kiếm sống, làm bạn với cụ Xuyến là hai con chó gầy. Cụ thường nói chuyện với nó như nói với các con và xem chúng là những thành viên của gia đình. Ấy vậy mà khi sắp dứt câu chuyện, cụ nói nhỏ và có phần tủi: Thương nó lắm. Đã có lần mấy đứa đòi bán lấy tiền đong gạo nhưng tui ngăn chúng. Đến ngày mà đói quá thì cũng phải bán nó thôi!.. Rồi nó sẽ phải chết để cứu chủ!..”.

Đỡ mẹ ngồi xuống nền nhà, bà Nguyễn Thị Bần ra hiệu bằng tay cho chúng tôi biết, hằng năm khổ nhất là vào mùa mưa, để có tiền đong gạo, bà và các em cứ phải dầm mưa suốt ngày trong lạnh giá đến từng đống rác nhặt ve chai. Những ngày đó, chị em bà chỉ mong kiếm được đủ tiền để mua vài lon gạo về cơm cháo cho qua ngày không ai dám nghĩ tới điều gì khác.

Chị Nguyễn Thị Hân, một hàng xóm của cụ Xuyến cho biết, hằng ngày các con của cụ Xuyến đều phải dậy từ rất sớm, lang thang kiếm sống. “Có ngày không nhặt được gì, chắc là đói quá, bà Bần, ông Hai nhặt luôn mấy cái chai nhựa mà người ta dồn lại để bán thì bị chủ phát hiện, la mắng, hai người bỏ chạy như bị ma đuổi. Đến là tội!...” - chị Hân kể lại.

Hôm nay, cụ Hoàng Thị Xuyến, thức dậy sớm hơn bình thường, cụ nói rằng cả đêm hôm trước cụ cứ bồn chồn không ngủ được, chỉ mong cho trời nhanh sáng để đi nhận quà của nhà từ thiện tại một tịnh thất cách nhà chừng 4km. Đối với cụ, 10kg gạo, 1 thùng mỳ gói và 20.000 đồng là những thứ vật chất thực dụng và có phần xa xỉ vào những năm cuối đời.

Trong đợt này, 3 trong số 4 người con ruột của cụ là Nguyễn Thị Bần, Nguyễn Văn Hai và chị Nguyễn Thị Xuyên cũng được nhận những món quà tương tự. Riêng anh Nguyễn Văn Tán vì ở xa nên đợt này không nằm trong diện được hỗ trợ.

Khi quà đã cầm chắc trên tay, cụ Xuyến rưng rưng xúc động, tiếp chuyện chúng tôi mà như muốn khóc. Cụ cho biết, với số gạo, mì gói này, trong những ngày tới, mẹ con cụ sẽ không còn lo đói, chí ít các con của cụ cũng được vài ngày nghỉ ngơi, không nhất thiết phải dãi nắng dầm mưa, thang lang khắp nơi bới rác nhặt ve chai kiếm từng đồng mua gạo nữa.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cụ Hoàng Thị Xuyến, thôn Mỹ Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng,
Kim Ngân
.
.
.