Trường Trung cấp CS VI và nghĩa tình vùng quê

Thứ Năm, 17/08/2017, 05:35
Một ngày nắng đẹp của tháng Tám lịch sử, chúng tôi trở về xã Long Tân, miền quê Đất Đỏ anh hùng, vào thăm gia đình anh Lê Văn Cường. Anh Cường là con liệt sĩ. Đón chúng tôi trong niềm vui nhà mới, anh Cường chia sẻ, anh cùng gia đình vui mừng, hồi hộp lắm vì có căn nhà mới, ấm cúng.

Chia sẻ về cuộc đời, về tuổi thơ đầy vất vả, lam lũ của mình, anh Cường không giấu xúc động rằng khi anh còn ấu thơ, ba đi kháng chiến và hy sinh để lại cho mẹ anh một mình bươn chải nuôi các con thơ bé.

Tuổi thơ đầy cơ cực ấy đã theo anh đến tận bây giờ. Với công việc thợ hồ bấp bênh, không ổn định, vợ anh làm công nhân với đồng lương ít ỏi nên gia đình anh không biết đến bao giờ mới có thể dành dụm được để mua đất xây nhà.

Thế nên dù đã lập gia đình mười mấy năm nay nhưng cả gia đình anh vẫn cứ phải cư ngụ tạm bợ tại nhà mẹ ruột, nhưng ngặt nỗi là nhà mẹ cũng rất đông người. Và rồi Trường Trung cấp CSND VI đã mang niềm vui đến với gia đình anh khi trường hỗ trợ cho gia đình một ngôi nhà trị giá 70 triệu đồng và xã Long Tân đã cấp một miếng đất để xây nhà.

Công tác dân vận của trường Trung cấp CSND VI.

Không chỉ xây nhà tình nghĩa, Trường Trung cấp CSND VI phối hợp cùng Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND xã Long Tân còn bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp Tân Hòa. Chị Nguyễn Thị Thanh, người dân xã Long Tân cho biết, người dân rất phấn khởi vì có đường đẹp, quan trọng hơn là không còn nỗi ám ảnh “nắng bụi, mưa sình”.

Hôm chúng tôi đến Trường Trung cấp CSND 6 cũng là lúc các học viên của trường vừa kết thúc chuyến trao quà cho người dân nghèo ở xã Kư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắk Lắk. Xuân Huy, một học viên tham gia chuyến đi cho biết lần đầu tiên đến với bà con ở xã miền núi nghèo nhất của Đắk Lắk, tận mắt chứng kiến cuộc sống lam lũ và thiếu thốn, nhất là đối với các em học sinh đã làm cho Huy cảm thấy bản thân cần phải cố gắng hơn nữa để trở thành chiến sĩ Công an hết lòng phục vụ nhân dân. Võ Khoa Nguyên thì chia sẻ dù rất mệt vì đường xa nhưng bạn cảm thấy đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời sinh viên của mình.

Nguyên tự nhủ sau này dù công tác ở đơn vị nào cũng sẽ cố gắng để tham gia vào các hoạt động dân vận, chung tay chăm lo cho đồng bào nghèo. “Những tình cảm mà bà con rồi các em dành cho mọi người em không sao quên được”, Nguyên xúc động nói.

Trung tá Trần Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường cho biết, bắt đầu từ năm học 2015 – 2016, cơ sở 2 tổ chức hoạt động thực tế cho học viên đến nay được 6 đợt với sự tham gia của 1.100 học viên.

Trong quá trình tổ chức hoạt động thực tế cho học viên, giáo viên đã kết hợp với chính quyền, Đoàn thanh niên xã... tổ chức cho học viên thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo khó. Những hoạt động thực tiễn đó đã giúp mỗi giáo viên, nhất là những giáo viên còn trẻ tích lũy được những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn phục vụ cho quá trình giảng dạy.

Đối với học viên, trong thời gian thực tế, tất cả đã thực hiện mọi sinh hoạt như một thành viên trong gia đình, từ nấu ăn, quét nhà, giặt giũ, đến các hoạt động lao động giúp đỡ nhân dân tại địa phương, qua đó, đã xây dựng được mối quan hệ gần gũi, mật thiết với người dân địa phương; nâng cao hình ảnh của học viên, cán bộ chiến sỹ CAND.

Hải Âu
.
.
.