Bố đi đánh giầy nuôi gia đình có hai con bại não

Thứ Hai, 04/11/2013, 10:00
Ngày ngày, người bố xách túi đồ nghề lang thang khắp thành phố Điện Biên đánh giầy kiếm cơm. Ở quê nhà cách đây khoảng hơn 300 cây số - thôn Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội - vợ anh “đánh vật” với hai đứa con bại não, ngóng trông chồng trở về cùng với những đồng bạc mua sữa, mua thuốc nuôi con. Cuộc sống của gia đình bất hạnh phụ thuộc chính vào nguồn thu nhập từ những buổi đánh giầy của người đàn ông trụ cột.

Người bố bất hạnh

Căn nhà của bà cụ Nguyễn Thị Thức và vợ chồng người con trai nằm giữa thôn Áng Phao tuy cũ kỹ, sơ sài nhưng rất sạch sẽ. Người mẹ trẻ ôm đứa con gái 2 tuổi trên tay, nét mặt rầu rĩ. Nhìn thấy khách, bà cụ rưng rưng, dẫn tôi vào nhà rồi bật khóc: “Cả đời tôi chăm con trai sống đi chết lại bao lần, giờ lại nhìn thấy các cháu như thế này đây...”. Trên manh chiếu trải dưới nền nhà, hai đứa con quặt quẹo của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh, 28 tuổi, anh Quách Văn Chung, 40 tuổi, cứ vật vã, chồm lên chồm xuống. Cánh tay già yếu của bà nội không giữ nổi đứa lớn, hai dòng nước mắt mặn mòi chảy ra từ khóe mắt, thấm vào làn da khô cằn của người đàn bà đã ở tuổi gần đất xa trời. Cuộc đời bà đã dành quá nhiều nước mắt cho con, cho cháu. Câu chuyện về quá khứ bất hạnh và hiện thực chưa lối thoát của một gia đình nông dân nghèo khổ được tái hiện qua lời kể của hai người đàn bà, giữa những trận “đánh vật” với hai đứa trẻ tật nguyền.

Bà Thức có 3 người con gái và một cậu con trai là Chung. 3 cô con gái thì đã yên bề gia thất. Riêng cậu con trai và những đứa cháu bất hạnh thì vẫn đang làm bà đau đáu trong lòng. Bà kể, khi anh Chung đang học lớp 3, một chiếc máy cày đã chèn lên người khiến anh bị thương nặng, phải chữa lâu mới hồi phục. Lớn lên, lúc 20 tuổi, bất ngờ anh lại bị cả một công nông lúa đổ lên người. Cả cơ thể bị lúa dìm xuống bùn. Dân làng cấp tập bốc lúa cứu anh ra thì toàn thân đã bị tím ngắt, tưởng không cứu được. May mắn, tử thần chưa mang Chung đi, nhưng từ đó anh cũng không được nhanh nhẹn, tháo vát. Qua mai mối, anh lấy được Ánh ở Điện Biên, là con nhà nghèo, chuyên đi làm mướn.

Làm ruộng với mẹ được một thời gian, anh Chung lên Điện Biên đánh giầy. Thông thường người ta tìm đến nơi đô hội để kiếm sống, nhất là cái nghề đánh giầy. Trong khi đó, nhà chỉ cách nội thành Hà Nội chừng 3 chục cây số. Nhưng vì không biết tính toán, lại chẳng nhanh nhẹn nên anh theo người quen lên Điện Biên đánh giầy. Mỗi tháng, qua một số người “đi hàng” ở trong làng, anh gửi về nhà được vài trăm để nuôi mẹ, vợ và những đứa con kém may mắn.

Những đứa con đáng thương

Cuộc sống vất vả, tương lai mờ mịt in dấu trên nét mặt người phụ nữ chưa đến 30 tuổi. Chị Ánh kể, may mắn đứa con gái đầu của vợ chồng chị sinh năm 2008 lớn lên và đi học được bình thường. Nhưng đến đứa thứ hai sinh năm 2010 là Quách Thị Quyên ra đời, cuộc sống của gia đình đã đảo lộn. Bà Thức sụt sùi kể lại: “Con bé được 6 tháng tuổi, tôi thấy cháu cứ nhìn ngược, mặt ngửa ra phía sau, tôi mắng mẹ nó, bảo không chịu để đèn phía trước cho nó nhìn xuôi. Nhưng mãi sau nó cũng không sửa được, mang đi bệnh viện khám, bác sỹ bảo nó bị bại não. Hình như cháu đau hay sao ấy mà cứ khóc suốt. Trái gió trở trời cháu càng khóc nhiều hơn. Xót ruột, tôi giục con dâu cho cháu đi tiêm, nhưng nó bảo biết tiêm gì bây giờ?...”.

Năm 2012, bé Quách Thị Kim Oanh ra đời. Thêm một lần gia đình khốn khó ấy lại nhận thêm sự bất hạnh. Bé Oanh bị teo não, hở hàm ếch, thức ăn trào ngược lên mũi. Hai đứa trẻ chỉ biết trân trân nhìn, rồi khóc, la và uống sữa. Bé Quyên vật vã, kêu la một lúc là mệt, người rũ xuống như tàu lá héo, dãi chảy ròng ròng. Cả hai chị em đều phải đóng bỉm hàng ngày.

Hai người phụ nữ vất vả trông 2 đứa trẻ bại não.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng thôn Áng Phao cho tôi biết: “Bà cụ Thức sức khỏe yếu rồi, lại mắc bệnh tim nên chỉ đỡ đần mẹ cháu được chút thôi. Hàng xóm cứ nhìn thấy mẹ cháu địu đứa trước đứa sau tranh thủ làm việc nhà, thấy thương lắm. Họ hàng, làng xóm mỗi người góp một chút cho các cháu. Chính quyền địa phương cũng quan tâm nhưng chỉ được phần nào. Hiện nay mới có một cháu được hưởng trợ cấp tật nguyền 350.000đồng/tháng. Còn một cháu hiện mới đang làm thủ tục xin trợ cấp”.

Ông Minh cũng là người chứng kiến từng cơn bĩ cực của gia đình bà cụ Thức nên rất hiểu nỗi khó khăn, khổ cực mà các thành viên của gia đình này phải gánh chịu. Ông tâm sự: “Bố mẹ cháu không nhanh nhẹn như người bình thường. Cả gia đình chỉ có 2 sào ruộng, còn lại trông chờ cả vào nguồn thu từ đánh giầy của anh Chung. Đây là gia đình nghèo khổ nhất trong xã, xin các nhà hảo tâm giúp đỡ”.

Đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi, mong được bạn đọc chia sẻ vất vả với anh Chung, chị Ánh. Mọi giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Quỹ XHTT, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, điện thoại: 04.39420595, hoặc chị Nguyễn Thị Ánh, thôn Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nôi, điện thoại 01689821901

Việt Hà
.
.
.