Bác sĩ của những người nghèo

Chủ Nhật, 23/01/2005, 16:18

Hơn 70 tuổi, nhưng hàng ngày bà vẫn lặn lội đi khắp thành phố để khám chữa bệnh miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho người neo đơn không nơi nương tựa. Nơi nào có người ốm đau, hoạn nạn là ở đó có bàn tay trợ giúp của bà. Bà là Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội từ thiện thành phố Đà Nẵng.

Trong căn phòng nhỏ ở 253 Đống Đa, Tp. Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Loan kể cho tôi nghe về những kỷ niệm hoạt động cách mạng từ khi tuổi trăng tròn. Sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước ở Cẩm Phô, thị xã Hội An (nay thuộc tỉnh Quảng Nam), bà sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1945, là nữ sinh của trường Đồng Khánh - Huế, bà đã đứng trong hàng ngũ đấu tranh của học sinh, sinh viên, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành tỉnh đoàn, Cán sự nữ dân quân tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong những chuyến công tác, bà đã gặp và lập gia đình với ông Nguyễn Đức Danh, hiện là Đại tá quân đội nghỉ hưu. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì nổ ra cuộc đấu tranh đòi thi hành hiệp định Geneve 1954 và thực hiện Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ông được cấp trên điều ra Bắc, còn bà ở lại hoạt động trong lòng địch và bị địch bắt tại đập Vĩnh Trinh trong lúc bụng mang dạ chửa.

Cu Dũng ra đời trong xà lim. Sau đó, bà được cơ sở của ta tổ chức cho vượt ngục thành công. Bà nhớ nhất là chuyến công tác đặc biệt mà cấp trên giao nhiệm vụ đưa anh hùng Trần Thị Lý từ miền Nam ra Bắc cuối năm 1958.

Nhiệm vụ nặng nề, đưa một người bị trọng thương ra Bắc không phải dễ, từ Sài Gòn lên Tây Ninh phải trải qua bao nhiêu đồn bốt. Họ hòa vào dòng người Việt từ Tây Ninh qua biên giới Campuchia, lên tận Phnom Penh rồi xuống Xa Văn Na Khẹt (Lào), cuộc hành trình tiếp tục cho đến khi hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Bước xuống cầu thang máy bay, bà mừng rỡ nhận ra đồng chí Ngô Đức Đệ, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Khu ủy 5 mà bà đã biết từ những năm kháng chiến chống Pháp...

Năm 1960, bà được đi học Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1971 đến 1988, bà là chuyên viên y tế, phụ trách Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em của 20 tỉnh phía Nam, sau đó là chuyên gia giảng dạy y khoa tại Brazaville Congo (châu Phi). Năm 1989, bà nghỉ hưu về địa phương tham gia công tác Mặt trận, Hội chữ thập đỏ, Hội từ thiện phường Thạch Thang và hiện nay là Phó Chủ tịch Hội từ thiện thành phố Đà Nẵng phụ trách y tế kiêm Phó Giám đốc Mái ấm tình thương Bắc Mỹ An.

Chồng bà sau khi nghỉ hưu cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông hiện là Chủ tịch Hội khuyến học của phường Thạch Thang kiêm Chủ tịch Hội cựu chiến binh và báo cáo viên của thành phố. Gần 80 tuổi, đã có hơn 50 năm tuổi Đảng, nhưng ông vẫn hăng say với công việc, lấy công việc làm nguồn vui.

Trong lúc trò chuyện, tôi nhận thấy trên gương mặt hồn hậu của bà một nét buồn ẩn sâu. Bà kể, người con trai duy nhất Nguyễn Việt Dũng được sinh ra trong nhà tù năm ấy tham gia bộ đội Trường Sơn, bị sức ép bom đạn làm anh mất trí nhớ, nay là bệnh binh 2/3. Đứa cháu đích tôn lại bị di chứng chất độc da cam nằm liệt giường. Dù mất mát, buồn thương là thế nhưng bà bảo, bà nguyện đem hết sức mình cống hiến cho đất nước

N.Phương
.
.
.