Ấm tình người nơi đất Mũi

Thứ Hai, 20/06/2011, 10:12
Sau hơn 6 tháng trời được ngư dân Việt Nam cứu vớt, chăm sóc rồi lo lắng tận tình, chiều 15/6 vừa qua, Zar Yar Tun được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau tận tay bàn giao cho đại diện Lãnh sự quán Myanmar tại TP HCM. Trước lúc chia tay về đoàn tụ cùng gia đình và người thân, Tun nghẹn ngào xúc động.

Thay cho lời nói là những cái ôm hôn, tay nắm tay, vòng tay siết chặt vòng tay giữa người đi, người ở lại... Giây phút quyến luyến ấy tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng khiến không ít người tham dự buổi lễ phải ngỡ ngàng...

Ngay từ những ngày đầu, khi Zar Yar Tun cùng 3 ngư phủ quốc tịch Campuchia còn nương nhờ tại Đồn Biên phòng (ĐBP) 692 Sông Đốc (Bộ đội Biên phòng Cà Mau), tôi đã có dịp gặp gỡ họ. Qua thông dịch viên, tôi biết cả 4 người là ngư phủ. Tuy không cùng quốc tịch nhưng cảnh ngộ 4 người gần giống nhau: Làm công cho 4 tàu cá Thái Lan, gặp nạn trên biển rồi được tàu cá Cà Mau cứu vớt đưa vào đất liền, nhờ cán bộ, chiến sĩ ĐBP Sông Đốc chăm sóc nhân đạo.

Khác với 3 ngư phủ người Campuchia, Yar Tun (22 tuổi) trầm ngâm, ít nói. Có lẽ vì Tun không giao tiếp được tiếng Việt (trừ thông dịch viên). Tun cho biết: “Tôi làm công cho tàu cá Thái Lan, đang hoạt động khai thác cá vào ban đêm thì không may trượt chân rơi xuống biển. Thuyền viên trên tàu không ai hay biết nên bỏ mặc tôi. Trong lúc sức cùng lực kiệt, tưởng chừng sẽ chết giữa đại dương thì tôi được tàu câu mực do anh Trịnh Văn Hiền (ngụ thị trấn Sông Đốc) điều khiển phát hiện, cứu vớt rồi đưa vào đất liền, bàn giao cho ĐBP Sông Đốc vào ngày 29-12-2010”.

Zar Yar Tun (đầu tiên từ phải sang trái) tại lễ bàn giao về nước.

Ba ngư phủ quốc tịch Campuchia (tên là ChSôiSàRum, Hua Pho Ly và Sim Cal) không được may mắn như Tun. Vì cuộc sống mưu sinh, cả ba phải lưu lạc xứ người, tưởng rằng đã bỏ mạng giữa biển khơi. Như trường hợp của Hua Pho Ly. Pho Ly (26 tuổi), sinh thành và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Tha Bôn Kha, tỉnh Côm Puôn Chăm. Gia đình nghèo, đông anh chị em nên Pho Ly sớm nghỉ học làm thuê kiếm sống. Nghe lời bạn bè chỉ dẫn, Pho Ly vượt sông sang đất Thái, hy vọng tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Hy vọng đó đã tan theo bọt biển kể từ ngày Pho Ly theo làm công cho một tàu cá của Thái.

Pho Ly kể: “Đi theo tàu suốt từ tháng 7/2009 cho đến ngày nhảy xuống biển, tôi làm lụng rất vất vả nhưng không được trả lương. Vậy mà còn bị thuyền trưởng thường xuyên chửi bới, đánh đập dã man. Nhiều anh em làm chung với tôi còn bị thuyền trưởng dùng báng súng đập vào đầu, đẩy xuống biển. Không cam chịu cảnh bức ép đó, khuya ngày 1/10/2010, tôi liều mạng ôm 4 cái can nhựa nhảy xuống biển, phó mặc tính mạng cho trời, chỉ mong thoát kiếp nô lệ trên con tàu tàn độc đó. Sau 5 ngày lênh đênh giữa đại dương mênh mông, tôi lả đi vì đói, vì khát, vì lạnh, hy vọng sống sót rất mong manh. Giữa lúc ấy, tàu cá của chú Diệp Văn Đen ở Sông Đốc kip thời phát hiện và cứu vớt tôi”.

Tình cảnh của ChSôiSàRum (21 tuổi) cũng bi đát không kém. Rum cũng xuất thân trong gia đình nghèo, sớm lao vào cuộc mưu sinh, sau đó làm công cho tàu Thái Lan, bị ngược đãi, lén nhảy xuống biển thoát thân rồi được tàu cá ở Cà Mau cứu vớt đưa vào đất liền vào ngày 7/9/2010. Rum tâm sự: “Sau hàng trăm ngày sống kiếp “nô lệ” trên tàu cá, chúng tôi mới tìm thấy được tình người. Ở ĐBP, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ ở đây đối đãi như anh em, người thân trong gia đình”.

Trong số 4 ngư phủ nước ngoài nương nhờ ở ĐBP Sông Đốc, chỉ Zar Yar Tun là không giao tiếp được với 3 ngư phủ quốc tịch Campuchia. Vậy nhưng, Tun không hề đơn độc. Thay vì phải ở cùng phòng như 3 người bạn ngư phủ cùng cảnh, Tun được cán bộ Đồn dành riêng một phòng để nghỉ ngơi, có tivi, radio và rất nhiều vật dụng thiết yếu khác. Tại đây, Tun và 3 ngư phủ còn lại đều được đối xử công bằng, từ việc ăn, ngủ, nghỉ ngơi đến vui chơi, giải trí.

Thiếu úy Thạch Sóc Kha, người dân tộc Khmer-cán bộ Đội vận động quần chúng của ĐBP Sông Đốc, cho biết: "Trong lúc chờ hoàn chỉnh các bước thủ tục để bàn giao các bạn về nước, các bạn được anh em trong đơn vị tận tình chăm sóc. Từ việc cắt tỉa đầu tóc, đến miếng ăn, giấc ngủ, cái quần, cái áo… chúng tôi đều san sẻ cho các bạn. Lúc rảnh chúng tôi còn chỉ các bạn nói tiếng Việt.

Đến ngày bàn giao 3 ngư phủ quốc tịch Campuchia về nước (cuối tháng 1/2011), các bạn đã nói được những từ giao tiếp thông dụng hàng ngày như chào hỏi, cảm ơn, khen chê…Thời gian rảnh, các bạn còn tham gia văn nghệ, chơi thể thao cùng với anh em trong đơn vị. Các bạn rất vui vẻ, hòa đồng… nên anh em trong đơn vị ai cũng mến”.

Trung tá Lê Thanh Ngoan, Chính trị viên ĐBP Sông Đốc, cho biết: “Ngoài vấn đề thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, chúng tôi luôn dành những tình cảm đặc biệt với ngư phủ nước ngoài gặp nạn. Bởi đơn thuần, chúng tôi xem những ngư phủ đó là bạn. Giả dụ ngư dân ta gặp nạn bên ấy, tôi nghĩ nhân dân các bạn cũng đối đãi như vậy".

Xúc động tại buổi lễ tiếp nhận công dân Zar Yar Tun về nước, ông Đàm Trần Ngọc, Ban đại diện công dân Lãnh sự quán Myanmar tại TP HCM bày tỏ: “Ngư dân và bộ đội Việt Nam thật tử tế, tốt bụng… Chúng tôi chân thành cảm ơn những tình cảm quý báu mà các bạn đã ưu ái dành ngư dân đất nước chúng tôi. Chúng tôi mong muốn tình cảm ấy sẽ được duy trì và bền chặt hơn trong thời gian tới. Chúng tôi hứa sẽ nỗ lực hết mình để cứu giúp ngư dân Việt Nam nếu không may gặp nạn như những gì Việt Nam đã ưu ái cho ngư dân đất nước chúng tôi…”

Công Minh
.
.
.