Ấm lòng gia đình người "trở về sau 27 năm là liệt sĩ”

Thứ Năm, 28/07/2011, 14:05
Ngay sau khi đọc bài “Trở về sau 27 năm là liệt sĩ” trên Báo CAND phát hành sáng 27/7, nhiều độc giả đã bày tỏ sự xúc động và đặc biệt là muốn tìm hiểu thêm để chia sẻ trước hoàn cảnh của gia đình “liệt sĩ” này.

14h30 chiều cùng ngày, đại diện Báo CAND tại ĐBSCL cùng một độc giả, cũng là Mạnh Thường Quân quen thuộc, đồng hành cùng Báo CAND - Chuyên đề ANTG trong nhiều chương trình XHTT quay lại ngôi nhà nhỏ, chật hẹp tại địa chỉ 158/55B, Phan Đình Phùng, phường An lạc, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) của vợ chồng “liệt sĩ” Lê Khắc Hơng - bà Lâm Thị Hiền.

Món quà mà Báo CAND và Mạnh Thường Quân dành cho gia đình ông Hơng - bà Hiền ngay đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã thể hiện tấm lòng tri ân của xã hội hôm nay đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống hoặc không tiếc máu xương để đổi lấy cuộc sống hòa bình, ấm no của dân tộc…

Đại diện Báo CAND cùng Mạnh Thường Quân và UBND phường An lạc thăm hỏi, tặng quà cho vợ chồng ông Hơng - bà Hiền chiều 27/7.

Hoàn cảnh thương tâm

Gặp lại tôi, vợ chồng ông Hơng, bà Hiền mừng lắm. Ông Hơng vẫn còn sốt nhưng đã cảm thấy khỏe hơn nhờ mấy mũi thuốc chích của ông Năm Lùng ở hẻm cạnh bên. Nghe chúng tôi đến thăm hỏi, tặng quà, bà con lối sớm cũng kéo đến, chứng kiến và chia vui cùng gia đình “liệt sĩ”.

Anh Châu Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc - kể, nhà anh cũng cùng Khu vực 3 với nhà của vợ chồng ông Hơng nhưng khi mãi tới gần đây mới biết câu chuyện này. Trước đó, anh chỉ biết đấy là gia đình nghèo, bà Hiền là phụ nữ chịu thương, chịu khó, hằng ngày tần tảo, đội xàng bánh bông lang đi bán dạo, nuôi chồng, nuôi con. Cả nhà nghèo khó quá nên chẳng ai được học hành (kể cả bà Hiền). Nhờ mấy lớp học xóa mù ban đêm, có người trong nhà này học hết lớp… một, tự viết được tên mình, biết vài ba con số, phép tính đơn giản.

Bà Hiền chậm nước mắt, không giấu câu chuyện bất hạnh, nghèo khó của gia đình. Bà kể, chồng trước của bà sớm khuất núi, để lại cho bà 2 đứa con là Nhân (SN 1979) và Nghĩa (SN 1980). Cho tới khi gặp ông Hơng, hai người có thêm 3 mặt con nữa là Đức (SN 1984), Hường (SN 1992) và Hoàng (SN 1994).

Nhà có 7 miệng ăn, bám víu vào xàng bánh bông lang bán dạo. Thế là các con của bà phải ra đường tìm việc làm thuê. Cháu Nhân bị lãng tai, nói chuyện không rành nhưng cũng siêng năng học được cái nghề đấm bóp, giác hơi dạo. Cháu nó vào nghề sớm quá với công việc đặc thù nên cổ tay thành như bị tật, lặt lìa, yếu ớt. Thời gian ở nhà, Nghĩa cùng với em Nghĩa quay lại nghề truyền thống mà ông ngoại truyền lại, đó là nghề làm đầu lân, đầu ông địa… để bán cho trẻ con vào dịp cận Tết.

“Mấy chị em nó mỗi khi làm xong, đem ra lề đường Châu Văn Liêm chất đống để bán. Người ta có xe đẩy dọc đường, còn tụi nó đứng như cầu may… Công an phường thấy tụi nó nheo nhóc, nên chỉ nhắc nhở sắp xếp gọn, chừa lối đi cho người đi bộ chứ chẳng phạt vạ gì” – bà Hiền cho biết. 

Kể thêm về con cái mình trong những ngày gian khó nhất, mắt bà Hiền vẫn đỏ hoe, nước mắt rơm rớm: “Thằng Đức thì chết cách nay 4 năm, khi mới 23 tuổi chỉ vì sau một cơn sốt. Hoàng – con trai út, bị bị tâm thần nhẹ, đi làm công việc đánh bóng đồ gỗ thuê cho người ta được một thời gian, không xong giờ quay về nhà giúp chị làm đầu lân, đầu địa. Cháu Hường giờ thì đang đi học nghề uống tóc”. Bà Hiền kể thêm, ông Hơng do bị vết thương ở đầu nên nhiều khi đau nhức khiến ông không chịu nỗi. Hơn chục năm rồi, ông rất ít lần ra ngoài đường. Đau yếu, bệnh tật triền miên nhưng mỗi khi thấy người khỏe khỏe là ông cầm dao, phụ chẻ, vuốt tre giúp con làm đầu lân, đầu địa.

Nhớ lại lần sang Bến Tre vào 18/7 rồi để tìm lại đồng đội, thủ trưởng cũ của chồng, nhờ làm giúp các thủ tục để bổ túc hồ sơ xin được công nhận thương binh, bà Hiền nghẹn ngào: “Biết hai vợ chồng tôi chẳng có tiền bạc để đi đứng, má tôi năm nay 80 tuổi, sáng đó cầm 500 ngàn đồng là tiền bán vé số mà bà dành dụm được đưa. Sang Bến Tre, gặp anh Năm Bằng (tức Đại tá Nguyễn Tấn Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, Phó Ban liên lạc Tiểu đoàn 263, người mà giai đoạn 1968 – 1976, từng giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 263 (nơi ông Hơng từng làm Trung đội trưởng Bộ binh giao đoạn 1968 – 1975), ảnh không chỉ nhiệt tình làm văn bản xác nhận rồi gởi cho nhiều cơ quan, đơn vị chức năng… mà còn hỗ trợ cho 1 triệu đồng nữa…”.

Ông Hơng cùng bà Hiền cảm thấy ấm lòng do được sự quan tâm của Báo CAND, Mạnh Thường Quân và chính quyền địa phương.

Trở lại với câu chuyện thực tại, bà Hiền cho biết, căn nhà nhỏ từ cách nay 5 – 6 năm do quá túng tiền bà đã thế chấp (bên ngoài) để vay tiền. Đến nay, cả vốn, lẫn lãi đã lên tới 60 triệu đồng. Mỗi tháng, cùng với khoản trả lãi, vốn gốc khoản vay ưu đãi (7 triệu đồng) bên Hội phụ nữ phường, bà phải trả tổng cộng 1.300.000 đồng, tức là mỗi ngoài, ngoài chi phí ăn uống, chi phí khác… cả nhà phải để dành hơn 40 ngàn đồng để trả khoản nợ này. Chỉ chiếc xe đẩy bán bánh mà bà mới sắm cách nay chưa lâu dựng gần đầu hẻm, bà Hiền cho biết, không có tiền lo thuốc thang cho chồng, bà cũng đã “thế chấp” để có được 500 ngàn đồng…

Sẽ vơi đi gian khó

“Việc một “liệt sĩ” còn sống sót trở về từng xảy ra nhiều địa phương. Với những vết thương như đơn vị cũ của ông Hơng đã xác nhận, chắc chắc ông sẽ được quan tâm, xem xét và được công nhận là thương binh. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian…” - lãnh đạo UBND phường An Lạc đồng cảm với chúng tôi, nhận định.

Sau khi chứng kiến đại diện Báo CAND cùng chị Lô Thị Trà My - Công ty TNHH Lô Tuyên (Cần Thơ) trao quà (gồm số tiền 1 triệu đồng, 10 kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1 kg bột ngọt và 1 thùng mì tôm), Lãnh đạo UBND phường bày tỏ xúc động: “Có Báo CAND và những Mạnh Thường Quân như chị My, và đặc biệt là sự quan tâm của ngành chức năng liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách cho trường hợp “liệt sĩ trở về”, chắc chắn gia đình ông Hơng sẽ không còn đơn độc, gian khó…”.

Trước đó, trò chuyện với PV Báo CAND, Chủ tịch UBND phường An Lạc - ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, địa phương cũng vừa biết câu chuyện cảm động này thông qua báo chí. “Chúng tôi sẽ đặc biệt lưu tâm đến hoàn cảnh này; trước mắt là tạo điều kiện để ông Hơng có tên trong hộ khẩu cùng vợ và các con; tạo điều kiện tốt nhất để một số thành viên trong gia đình có công ăn, chuyện làm, có thu nhập, dần trang trải nợ nần, vươn lên nghèo khó…” - ông Tuấn nói.

Như Báo CAND đã phản ánh, ông Lê Khắc Hơng (SN 1951, nguyên quán xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên). Giai đoạn 1968 - 1975, ông là Trung đội trưởng Bộ binh (Thượng sĩ), Tiểu đoàn 263 – QK 8 (nay là QK9). Ông Hơng bị thương 2 lần. Lần thứ nhất trong trận đánh diệt Đại đội công binh làm Lộ số 5 tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) năm 1972. Lần thứ hai bị thương gảy chân, ngực và vùng đầu (ảnh hưởng thần kinh) đêm 29 rạng 30/4/1975 đánh đồn Lương Quới, huyện Giồng Trôm. Ông Hơng được chuyển về bệnh viện quân y tỉnh Bến Tre, sau đó lần lượt chuyển đến Quân y viện 120 (Tiền Giang), rồi 121 (Cần Thơ).

Nghĩ rằng ông đã hy sinh sau trận chiến đấu ngoan cường ấy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre bấy giờ đã có văn bản báo tử đối với ông gởi ra tỉnh Thái Nguyên - quê ông. Thế là chẳng bao lâu, gia đình ông nhận được bằng Tổ quốc ghi công ghi tên ông… Năm tháng qua đi, vết thương trên đầu dần hồi phục. Năm 2002, ông mới tìm về quê. Và mãi tận tháng 5/2011, ông mới đủ điều kiện sức khỏe để đi làm thủ tục xin nhập hộ khẩu với vợ, con tại Cần Thơ, công nhận thương binh cho… chính mình.

Thái Bình
.
.
.