85 tuổi vẫn tích cực làm từ thiện

Thứ Tư, 21/10/2015, 08:20
Đó là cụ Tăng Bồn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam). Khi chúng tôi đến Hội Chữ thập đỏ xã Đại Hồng, cụ Bồn cùng các cộng sự của mình đang tổng kết lại chương trình hiến máu tình nguyện của Hội diễn ra ngày 17/10 vừa qua. Cụ Bồn chia sẻ, sau khi nghỉ hưu, cụ tham gia công tác từ thiện của địa phương đã được 25 năm nay.

Nhiều mô hình hay, nhiều việc làm thiết thực của cụ cùng các cộng sự đã giúp đỡ rất nhiều cho người nghèo khó khăn, gia đình chất độc da cam... tại miền quê ven sông Vu Gia này. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã kêu gọi các thanh niên, phụ nữ, nông dân trong xã hiến được 80 đơn vị máu, trong khi chỉ tiêu của huyện giao về chỉ 56 đơn vị máu. Ngoài ra, chúng tôi luôn có “ngân hàng máu sống” để những bệnh nhân cần hiến máu gấp có thể sử dụng nhằm cứu lấy tính mạng cho họ”, cụ Bồn phấn khởi “khoe” thành tích.

Ngoài việc thực hiện tốt chương trình hiến máu nhân đạo, hàng chục năm qua cụ Bồn còn tổ chức chương trình “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo ở xã Đại Hồng. Mỗi hộ trong xã tham gia đóng góp gạo và tiền cho “Hũ gạo tình thương” tương đương 32.000 đồng/hộ/năm. Hiểu được chương trình ý nghĩa này nên các hộ dân trong xã ai cũng hưởng ứng. Theo cụ Bồn, hiện tổng số tiền “Hũ gạo tình thương” còn dư đã lên đến hơn 140 triệu đồng.

Lãnh đạo xã Đại Hồng cho biết, thời gian qua, nhờ sự kêu gọi của cụ Bồn mà nhiều cá nhân, tập thể có tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học, hộ nghèo neo đơn, không nơi nương tựa của địa phương. Hằng năm, cụ Bồn cùng các “Mạnh Thường Quân” chọn ra 25 học sinh nghèo hiếu học trong xã để trao học bổng tiếp sức đến trường. Không chỉ vậy, 60 gia đình đặc biệt khó khăn của xã còn được hỗ trợ hằng tháng 10kg gạo.

Cụ Bồn tâm sự: “Làm công việc thiện nguyện như thế này chỉ có cái tâm thôi, chứ không có tâm là không thể làm được đâu. Như Hội của chúng tôi, dù kinh phí không có, chủ yếu từ các nguồn hỗ trợ nhưng cũng nhận nuôi dưỡng suốt đời cháu Nguyễn Võ Tuy Na (2 t, trú thôn Dục Tịnh, Đại Hồng) bị chất độc da cam”.

Dù làm được rất nhiều điều có ý nghĩa, nhưng cụ Bồn rất khiêm nhường khi nói về bản thân mình: “Tôi chỉ mong người dân ngày càng đỡ khổ là mình thấy vui rồi. Và tôi sẽ còn làm việc thiện cho đến khi tôi không còn đủ sức khỏe nữa”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, cho biết thêm, trên địa bàn xã hiện còn 94 hộ nghèo, 670 người cao tuổi, tàn tật, chất độc da cam khó khăn...

Cụ Tăng Bồn (bìa phải) thăm một nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở xã Đại Hồng.

Hàng chục năm qua, nhờ sự đóng góp của cụ Bồn mà công tác an sinh xã hội địa phương được thực hiện tốt. Do đó, Hội Chữ thập đỏ xã Đại Hồng do cụ Bồn làm Chủ tịch Hội đã nhiều lần được huyện, tỉnh tặng bằng khen. Năm vừa qua, Hội Chữ thập đỏ xã Đại Hồng được công nhận là xuất sắc nhất trong 18 Hội Chữ thập đỏ trên toàn huyện Đại Lộc và vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Chia tay chúng tôi, cụ Bồn ra nhà xe dắt chiếc xe đạp để xuống nhà thăm hỏi người già neo đơn tại thôn Ngọc Kinh Đông. Ông Ngô Đình Khối, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Đại Hồng, tự hào nói: “Hàng chục năm nay cụ Bồn đều dùng chiếc xe đạp đó để đi làm cũng như xuống cơ sở. Nhờ có người “nhạc trưởng” tốt như vậy nên Hội của chúng tôi rất mạnh và luôn được người dân yêu mến”.

Thái Ngọc
.
.
.