15 năm làm từ thiện bằng lương hưu

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:49
Về thăm xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam), hỏi “ông Khương liệt sĩ”, “ông Khương từ thiện”, bà con ở đây ai cũng biết. Đó là biệt danh người ta đặt cho cựu binh Nguyễn Văn Khương, do bởi ông có bằng công nhận liệt sĩ khi đang còn sống và 15 năm qua đã tự nguyện “xẻ lương” để làm công tác xã hội - từ thiện…
Ông Khương là thương binh hạng ¾. Năm nay đã bước sang tuổi 69, nhưng ông còn khoẻ mạnh và rất minh mẫn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở xóm Bùng, nhấp chén trà nóng, ông Khương kể, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha hoạt động du kích bí mật, mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cha mẹ ông có 7 người con thì cả 7 người đầu cầm súng đi kháng chiến…

Năm 16 tuổi, ông tham gia du kích liên lạc ở địa phương. Nhờ sự lanh lẹ, bản tính gan dạ, nên chẳng bao lâu ông được cấp trên giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng trinh sát của Huyện đội Điện Bàn. Chính trong thời gian này, bằng mưu trí cao, ông đã cùng đồng đội chiến đấu phá ấp chiến lược, đập tan âm mưu dồn dân của địch.

“Trong một lần, 7 cán bộ trong Ban Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn đang chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Bọn địch nghe tin liền tổ chức ruồng bố. Lúc đó, biết các cán bộ cách mạng đang ẩn nấp không thể ra ngoài, tình thế cấp bách buộc tôi phải giải cứu. Trong đầu tôi không nghĩ nhiều, chỉ biết là mình phải tạo sự hỗn loạn để các cán bộ di tản ra khỏi vòng vây. Tôi cởi hết quần áo, lấy than trấu bôi đen khắp người, đầu tóc bù xù; lấy kiến cho cắn vào “chỗ hiểm” rồi xông vào giữa đám quân lính la hét, cười nói như bị điên.

Bọn lính quát: “Mày là thằng nào, mày cứu bọn cách mạng đúng không?”. Tôi giả vờ ú ớ tỏ vẻ không biết gì. Một tên lính giương thẳng khẩu súng vào mặt tôi, rồi đuổi đi. Lợi dụng thời cơ tôi làm cho đám lính hỗn loạn,  các cán bộ ẩn nấp trong nhà đã kịp thời di tản đến nơi ẩn náu an toàn”.

Ông Khương trầm ngâm nói tiếp: “Sau lần đó, bọn giặc điều tra biết được tôi giả điên để tạo hỗn loạn giải thoát cho các cán bộ cách mạng, chúng liền bắt mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Thâm-NV) để “làm mồi” buộc tôi phải ra mặt; vì xóm, làng ai cũng biết tôi rất có hiếu với mẹ mình. Buộc lòng, các đồng chí lãnh đạo Huyện đội Điện Bàn họp và đề ra phương án làm giả giấy báo tử, xác định tôi đã chết trong chiến đấu để giải nguy cho mẹ tôi.

Ông Nguyễn Văn Khương.
Giấy báo tử do đồng chí Phan Minh Tựu, lúc đó là cán bộ Huyện đội Điện Bàn ký ghi rõ: Đồng chí Nguyễn Văn Khương đã anh dũng hy sinh ngày 3/2/1965 trên chiến trường. Lúc giấy báo tử gửi về, mẹ tôi khóc ngất lên, ngất xuống, hàng xóm đến chia buồn, tổ chức tang lễ cho tôi. Biết làm vậy, mẹ tôi sẽ đau buồn tột cùng, nhưng các đồng chí trong Huyện đội không thể tiết lộ là tôi còn sống, vì sợ bọn giặc bắt mẹ tôi tra tấn, tù đày… Đó chỉ là “hạ sách”, nhưng cứu được mẹ tôi và cả cho tôi trong tình thế nước sôi lửa bỏng”…

Theo lời ông Khương, cùng lúc giấy báo tử gửi về nhà, ông cũng được cấp trên cho rời khỏi chiến trường Quảng Nam, vào học tại Trường Quân báo Quân khu 5 ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi học xong, ông tham gia nhiều trận đánh trên khắp chiến trường khu V, với nhiều chiến công lẫy lừng. Ông kinh qua các chức vụ Đại uý, Đại đội trưởng, Đại đội phó… đơn vị trinh sát Quân báo M53 thuộc Tỉnh đội Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng). Sau này, ông về công tác tại Tổng cục II – Bộ Quốc phòng. Hoà bình lập lại ông được đi học chuyên ngành Quản lý kinh tế; rồi chuyển công tác sang ngành Thể dục – Thể thao cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu…

Trở lại câu chuyện, ông Khương cho biết, sau khi có giấy báo tử, ông còn được cấp Bằng Tổ quốc ghi công và gửi về nhà. Vì thế, đất nước thống nhất, ông trở về, mẹ ông đã khóc, vui mừng như con mình được sinh ra lần thứ hai. Rồi ngày mẹ ông qua đời, ông đã tự tay mình đốt tấm bằng liệt sĩ đó theo bà. “Tôi đốt tấm bằng liệt sĩ lúc đó như là mình theo mẹ vậy. Bởi bà đã nâng niu nó vì tưởng rằng tôi đã hy sinh. Câu chuyện về tấm bằng liệt sĩ của tôi giờ mọi người đã hiểu nó có như thế nào rồi. Giờ nhiều bằng khen, huân chương chiến công của tôi được phong tặng cũng ghi là “Liệt sĩ Nguyễn Văn Khương” dù tôi vẫn còn sống”, ông Khương chia sẻ. Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Khương chỉ khắp các bức tường treo đầy bằng khen, huân chương chiến công được trao tặng. Đúng như lời ông Khương nói, nhiều bằng khen ghi là “Liệt sĩ Nguyễn Văn Khương" khiến chúng tôi bất ngờ xen lẫn sự thú vị...

Trong nhiều bằng khen được ông Khương trịnh trọng treo trên tường, chúng tôi đặc biệt chú ý khi có những tấm bằng khen công nhận trong công tác từ thiện mà chính quyền địa phương trao tặng. Hỏi chuyện, ông Khương khiêm tốn: “Về hưu tôi trích ít tiền lương thương binh giúp đỡ cho các cháu, các cụ già khó khăn trong làng, trong xã. Cốt ở cái tâm chứ không có gì nhiều nhặn cả”.

Thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, trong suốt 15 năm qua, ông Khương đã trích phần lớn tiền lương hưu của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở xã Điện Hòa. Thấy trường mẫu giáo ở thôn Bích Bắc không có giếng nước để con trẻ tắm rửa, ông bàn với vợ bán 2 chỉ vàng dành dụm, kêu thợ về đóng 2 giếng bơm và tặng thêm 10 cây bàng trồng lấy bóng mát sân trường cho các cháu vui chơi. Ngoài ra, ông còn giúp những người già yếu, không nơi nương tựa có được cái ăn, cái mặc…

Số tiền ông làm từ thiện cũng đến hàng trăm triệu đồng. “Người ta bảo tôi ở nhà có mấy chỉ vàng phòng thân cũng đem bán hết rồi, lương cũng xẻ cho luôn thì lúc ốm đau tiền bạc kiếm đâu ra mà lo. Tôi bảo, là người lính từng xông pha trên chiến trường được nhân dân cưu mang miếng cơm, manh áo, giờ về hưu rồi mình phải trả ơn lại chứ. Tiền bạc thì có làm tích lũy lại nhưng để nhân dân yêu thương mình thì khó lắm, không phải dễ…”, ông Khương cười hiền chia sẻ.

Văn Luận
.
.
.