Chuyện cảm động nơi “rốn” lũ Lùng Tám

Thứ Bảy, 18/08/2018, 10:17
Đêm 23-6-2018, mưa lũ tràn về khiến nhiều nơi ở huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), trong đó có xã Lùng Tám xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Nơi xã nghèo Lùng Tám trong thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết ấy, những câu chuyện cảm động một lần nữa được viết nên, thắp thêm ngọn lửa yêu thương thắm đượm tình người.

1- Con sông Miện chảy dọc tuyến đường QL4C dẫn lên huyện vùng cao Quản Bạ - tỉnh Hà Giang cuồn cuộn chảy. Nước dâng gấp 2-3 lần so với ngày thường. 

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ đêm 23-6, nhiều vị trí trên con đường dẫn từ thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) vào xã Lùng Tám bị xói lở. Đất đá cứ thế nối nhau dội thẳng xuống đường. Chốc chốc cung đường đất quanh co phía trước lại án ngữ bởi những tảng đá to bằng cái xe ôtô. 

“Nhất thủy, nhì hỏa” câu nói của người xưa thật đúng với những gì xảy ra tại Lùng Tám, khi đêm 23, rạng sáng 24-6 mưa lớn xuất hiện kéo theo lũ ống, lũ quét. 

Không còn những thửa ruộng bậc thang, không còn những nương ngô xanh mướt, thay vào đó là khung cảnh hoang tàn. Cả một khoảng không gian rộng lớn vốn là nơi cư ngụ của hơn chục hộ gia đình bà con người Mông của thôn Tùng Nùn (Lùng Tám) đã biến thành “cánh đồng” đá. 

Anh Lò Chính Cồ (40 tuổi) đôi mắt thẫn thờ, chậm rãi bước trên đống đổ nát, dò dẫm tìm những kỷ vật còn sót lại của gia đình. Trận lũ lịch sử rạng sáng 24-6 đã cướp đi người vợ và cô con gái mới 5 tuổi của anh. Lật tấm ván gỗ lẫn trong đống đất đá ngổn ngang, đôi mắt anh lưng tròng khi thấy hai bức ảnh lưu niệm của gia đình. 

Một tấm anh chụp cùng với vợ - chị Giàng Thị Lầu (42 tuổi), còn một tấm, chị Lầu chụp với hai người con của anh, chị - trong đó có cháu Lò Thị Và (5 tuổi). Anh Cồ không muốn tin những gì vừa ập đến với mình là sự thật. Người vợ, cô con gái cùng ngôi nhà đã bị chôn vùi trong đất đá. 

Anh Cồ chua xót kể lại, khoảng 10h ngày 24-6, trong lúc đang làm thuê bên kia biên giới, nhận được điện thoại của người thím họ báo: “Cái Lầu và Và mất rồi. Đất đá đè lên rồi… về ngay đi!”, anh rụng rời chân tay. Anh tức tốc trở về quê. 

Vừa bước chân tới đầu thôn, anh muốn ngã khụy khi cả một góc thôn trong đó có căn nhà vách của vợ chồng anh đã biến mất. Thi thể vợ và con anh nằm đó…

Chỉ vào cô bé kháu khỉnh đứng bên cạnh chị Lầu trong bức hình chụp kỷ niệm vào dịp Tết Bính Thân – năm 2016, anh Cồ bảo: “Cái Và nhà mình đấy! Và nó kháu lắm…”. 

Nhìn anh Cồ với dáng vẻ thất thần bên đống đổ nát, chúng tôi thấy thật thương xót. Cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn nay càng khó khăn bội phần. 

Anh Đào Bình Dình người cùng thôn, nhà cách gia đình anh Cồ khoảng 800m bước tới chia sẻ với chúng tôi, đêm 23-6, mưa rừng giăng mỗi lúc một lớn. Đến sáng 24-6, khoảng 7h20’, mưa ngớt. Từ phía quả đồi cuối thôn bỗng phát ra tiếng: “Ầm! Ầm!”. 

Anh vội kêu vợ con chạy nhanh ra ngoài. Chạy được một đoạn, anh ngoái nhìn thì thấy nhiều ngôi nhà phía gần chân đồi, trong đó có nhà anh Cồ, chị Lầu đã bị đất, đá cuốn phăng bay cả trăm mét…

Nhiều đoàn cứu trợ đến thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm tới bà con vùng lũ Lùng Tám.

2- Ngay sau khi nhận được tin báo về trận lũ quét tràn qua địa bàn xã Lùng Tám, lực lượng Công an, Quân đội đã xuống địa bàn cùng chính quyền địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Chúng tôi đến thôn Tùng Nùn cũng là thời điểm Tổ công tác của Công an huyện Quản Bạ đang tăng cường xuống địa bàn giúp dân gượng dậy sau cơn lũ dữ. 

Trung tá Viên Ngọc Xoan, Đội trưởng Đội Tổng hợp cùng Trung úy Nguyễn Quốc Trí, cán bộ Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự (ANTT) - Công an huyện Quản Bạ tất bật với công việc phụ giúp các hộ gia đình ở Tùng Nùn thu dọn đống đổ nát, di dời tài sản của các hộ gia đình có nhà đang tiềm ẩn sụt lún. 

Trung tá Xoan tâm sự, chiều 23-6, trên địa bàn huyện xuất hiện mưa lớn. Nhận được thông tin ở Lùng Tám xuất hiện lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, một Tổ công tác do anh làm Tổ trưởng được lệnh xuống địa bàn phối hợp cùng lực lượng Quân đội, chính quyền địa phương cứu hộ cứu nạn, giúp bà con vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Mưa lũ qua đi, tan hoang để lại. Nhiều gia đình sau một đêm đã phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Anh Đào Bình Ba (35 tuổi) kéo chiếc áo lên. Vết xước dài trên lưng anh vẫn còn tấy. Anh Ba kể, sáng hôm ấy (24-6) khi đang lúi húi nhóm bếp ngoài hiên nhà. Tiếng động lớn cứ thế dội về phía anh. 

Chưa kịp định thần, từ phía sau, nước và bùn đất cuốn anh ra con đường liên thôn phía trước. Ngẩng đầu dậy, nhìn về phía xa, anh thấy vợ và hai người con mắc vào khóm cây và khe tường gần đó. Ngôi nhà thì chỉ còn trơ nền xi măng. 

Trước hoàn cảnh gia đình anh Ba đang gặp phải, lực lượng Công an, Quân đội và chính quyền địa phương đã tổ chức đưa anh cùng người thân lên điểm trường Tùng Nùn -Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Lùng Tám ở tạm, tránh lũ dữ lại xuất hiện. 

“Cảm ơn cán bộ, cảm ơn chính quyền. Nhờ cán bộ, nhờ chính quyền, mình mới có chỗ ở tạm, không sợ đêm lũ lại về nữa!”, anh Ba nói trong xúc động.

Trong những ngày mưa lũ tràn về địa bàn, trên dọc tuyến đường từ QL4C dẫn vào Lùng Tám cùng các xã lân cận, đâu đâu cũng thấy hình ảnh các cán bộ chiến sĩ CSGT, Công an “cắm bản” làm nhiệm vụ phân luồng, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá xảy ra. 

Đại tá Trần Đức Cường – Trưởng Công an huyện Quản Bạ cho biết, ngay sau khi mưa lũ xuất hiện trên địa bàn, ngoài những chốt đảm bảo TTATGT trong mùa mưa lũ, đơn vị đã huy động gần 150 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn các xã bị thiệt hại bởi mưa lũ, trong đó có xã Lùng Tám để triển khai các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra cũng như rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét sau mưa để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các hộ dân chủ động di dời khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã xây dựng. Nhờ vậy, đã giảm thiểu được những thiệt hại về người và của.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quản Bạ giúp bà con khắc phục hậu quả do mưa lũ.

3- Lùng Tám là một trong những xã sau khi lũ tràn về bị thiệt hại nặng cả về người và tài sản. Toàn xã có 7 thôn, với 859 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu. Dân tộc Mông chiếm hơn 90%. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, làm nương ngô…). 

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió lốc, lũ quét gây sạt lở đất ở một số vị trí khiến 2 người chết và 11 căn nhà ở thôn Tùng Nùn, hàng trăm ha diện tích ngô - lúa bị cuốn trôi hoàn toàn. 

Ông Lý Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám bàng hoàng trước trận lũ lịch sử ập tới địa bàn. Theo ông Sơn, nước lũ rút, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn khi nguồn nước, lương thực bị thiếu. 

Nhờ có sự chung tay của các ngành các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ của các đơn vị, nhà hảo tâm gần xa, bà con đã có thêm mỳ, thêm gạo, thêm nước uống để gượng dậy sau cơn lũ dữ. 

Thống kê cho thấy, đã có hơn 20 đoàn cứu trợ đã trực tiếp đến Lùng Tám thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ bà con nhu yếu phẩm. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời trên, cuộc sống của bà con đã vơi bớt sự cơ cực, dần ổn định lại cuộc sống.

Có mặt tại điểm trường Tùng Nùn – Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) vào trưa 27-6, nơi có nhiều hộ gia đình bị cuốn trôi nhà đang ở tạm, chúng tôi thấy có 2-3 đoàn cứu trợ đến thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm tới bà con. 

Do nhiều đoạn đường từ trung tâm xã dẫn vào thôn Tùng Nùn bị sạt lở, nên hàng trăm thùng mỳ tôm, quần áo, gạo, nước uống… đã được nhóm cứu trợ đến từ TP Hà Nội do anh Bùi Đức Tùng làm Trưởng nhóm được “tăng bo” trên những chiếc xe máy của đoàn viên thanh niên Công an huyện. 

Trung úy Mai Minh Đức, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Quản Bạ cho biết, nhận được tin lũ tràn về, nhóm bạn của anh Tùng đã liên hệ và phối hợp cùng tuổi trẻ Công an huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà bà con với mong muốn bà con vùng lũ không bị đói, bị rét. Toàn bộ số nhu yếu phẩm gồm 1.800 thùng mỳ tôm, gạo, áo, bánh mỳ, vật dụng sinh hoạt… do các thành viên đóng góp chuyển tận tay tới các hộ gia đình ở xã Lùng Tám và một số xã lân cận.

Nhìn hình ảnh anh Đào Bình Lương, ở thôn Tùng Nùn nhận những vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm từ các đoàn cứu trợ ủng hộ, nở nụ cười, dùng chiếc dây thừng buộc chặt những thùng mỳ tôm phía sau xe máy, rồi về nhà, chúng tôi thấy thật ấm lòng. Câu nói “trong cơn hoạn nạn tận hiểu lòng nhau” thật nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Hưng – Trần Huy
.
.
.