Đằng sau “cơn sốt” dự án điện mặt trời ở Tây Nguyên

Thứ Hai, 16/11/2020, 08:06
Vài năm trở lại đây, số lượng đầu tư, phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã bùng phát với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh những kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thì nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời để trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng…

Kỳ 1: Buôn làng rôm rả chuyện dự án…

Xã Ea Pô, huyện Cư Jút bấy lâu nay được biết đến là mảnh đất màu mỡ, là vùng chuyên canh các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như lúa, ngô, đậu… trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Nhưng hơn một năm qua, vùng quê này bỗng “nóng” bởi các dự án điện năng lượng mặt trời (NLMT).

Đầu tháng 3/2019, Công ty Solar Tây Nguyên là đơn vị đầu tiên đến thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút để tìm đất thực hiện dự án NLMT. Và chỉ sau 3 tháng, đơn vị này đã hoàn thành quá trình đầu tư, đấu nối và bán điện cho ngành điện. 

Anh Hoàng Anh Tuấn, một người dân ở thôn Nam Tiến cho biết, chẳng bao lâu sau đó thôn trở nên sôi động, thêm hàng chục doanh nghiệp đến mua đất, đầu tư dự án phát triển điện NLMT. “Tới nay, cả thôn đã có 6 công trình điện NLMT nằm liền kề nhau. Toàn xã Ea Pô đang có 8 công trình điện mặt trời với tổng chi phí đầu từ hơn 100 tỷ đồng”, anh Tuấn cho biết. 

Sau bước khởi đầu của doanh nghiệp vừa kể, nhiều địa phương khác của Đắk Nông cũng bùng lên “cơn sốt”. Hiện nay, 8 huyện, thành phố của tỉnh có hàng trăm dự án xây dựng điện NLMT.

Chỉ vài năm trở lại đây, hàng nghìn dự án điện năng lượng mặt trời được mọc lên khắp vùng quê hẻo lánh của các tỉnh Tây Nguyên.

Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, trước tháng 7/2019, trên toàn tỉnh chỉ có 14 dự án điện NLMT nhưng đến cuối tháng 9/2020, con số đã lên đến 195 dự án điện NLMT và điện mặt trời mái nhà, đăng ký bán điện cho ngành điện với tổng công suất 46,37 MWp. Bên cạnh các dự án đã bán điện, tỉnh này cũng đang có 642 dự án khác với tổng công suất 197,75 MWp. Ngoài ra, có 58 dự án điện mặt trời mái nhà khác đã được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia nhưng chưa đóng điện…

Gia Lai cũng đang “nóng” về việc phát triển điện NLMT. Theo UBND tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh này có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh. Ngoài ra, 10 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 632 MWp cũng đang tiến hành những thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Những dự án này tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Huyện Phú Thiện, huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa. 

Ông Phùng Văn Phước, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai nhẩm tính: “Từ đầu 2020 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới hơn 200 và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tăng đột biến – hơn 500 doanh nghiệp. Có lúc chỉ trong vòng một tháng, tỉnh có trên 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất trên 300 MWp”.

Tại Đắk Lắk, chỉ trong 2 năm qua đã có tới 2.000 công trình điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất hơn 120.000 kWp được đấu nối. Điện mặt trời “bùng nổ” khiến lưới điện nhiều vùng ở tỉnh Đắk Lắk đã đầy và quá tải. 

Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk cho biết, đầu 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 1.500 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 100.000 kWp hòa lưới điện, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Điện mặt trời áp mái “bùng nổ” khiến lưới điện một số vùng thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mga đầy tải, Công ty điện lực Đắk Lắk đang chủ động lập kế hoạch để đầu tư nâng cấp lưới điện địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân. Để hạn chế việc phát triển quá “nóng” như hiện nay, Điện lực Đắk Nông đã thống nhất dừng đấu nối các dự án điện NLMT dưới 1MWp tại một số địa phương.

Có một thực tế đang tồn tại là có rất nhiều dự án điện NLMT tự phát để nhằm “trục lợi” từ chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển điện NLMT của Chính phủ. 

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hầu hết các dự án điện NLMT ở Tây Nguyên đều do các cá nhân, doanh nghiệp tự tạo hoặc ngụy tạo mái nhà, kho xưởng để lắp đặt các tấm pin năng lượng và hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức này đều đã được đấu nối, bán điện với giá cao. Cách làm này là hình thức “biến tướng” với chủ trương, chính sách và quy định phát triển điện mặt trời. Điển hình như công trình điện mặt trời của Công ty Solar Tây Nguyên. 

Đầu năm 2019, Công ty cho người đến thôn Nam Tiến mua đất với mục đích làm dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi mua được đất, đơn vị này đã xây đế, dựng khung sắt, lợp mái nilon. Phía trên mái nilon, chủ đầu tư cho lắp đặt các tấm pin. Ngày 21/6/2019, công ty đấu nối với lưới điện và bán điện cho ngành điện. Sau khi đạt được mục đích… bán điện, hơn 1 năm qua, phía dưới mái nhà của công ty không có bất kỳ hoạt động gì để gọi là làm nông nghiệp. Trong khuôn viên công ty, chỉ có 1 ngôi nhà và 2 công nhân sống có mặt ở đây. Khu đất rộng khoảng 1ha, chủ đầu tư chỉ thả được vài chục con gà, trồng được vài cây mít… lấy lệ.

Cách đó không xa là dự án của Công Ty TNHH Phú Mạnh cũng đã bán điện giữa 2019. Công ty này cũng đăng ký thực hiện các dự án… nông nghiệp nhưng thực tế thời gian qua chỉ  bán điện. Phía dưới mái nhà chỉ có vài hàng nấm lèo tèo, một số ít giống cây đinh lăng chưa được trồng. Phần lớn diện tích đất phía dưới mái nhà của công ty giờ đây cỏ dại mọc um tùm…

Trên địa bàn thôn 16, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, còn có hẳn một cụm công trình điện NLMT với công suất gần 8MWp nằm san sát nhau. Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, cụm công trình này là của 8 doanh nghiệp. UBND xã Nam Dong lại nắm được, các công trình là của 2 người (một ở Đắk Nông sở hữu 3 công trình, người còn lại ở Hà Nội sở hữu 5 công trình). Việc cụm 8 công trình này được đấu nối bán điện cũng… có vấn đề. 

Theo ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Công ty điện lực tỉnh Đắk Nông, về nguyên tắc, nếu cụm 8 công trình này được xác định là điện mặt trời nối lưới thì từ khi triển khai xây dựng dự án đến khi hòa lưới điện, các chủ đầu tư phải được cấp thẩm quyền quy hoạch phát triển dự án. Thực tế, Bộ Công Thương chưa hề có quy hoạch này. Còn nếu được xác định đây là dự án điện mặt trời mái nhà cũng không ổn, bởi thực tế chủ đầu tư mua đất rồi tự tạo ra mái công trình, làm nông nghiệp theo kiểu đối phó để hợp thức hóa quy định, hưởng lợi với giá bán cao. Sau nhiều tháng triển khai đưa vào hoạt động, cụm 8 công trình này chưa có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nào.

“Các địa phương cần sớm rà soát những dự án quy mô nhỏ trên địa bàn, kiểm soát giấy phép, nghiệm thu công trình, để tránh tình trạng núp bóng trục lợi. Ngoài ra, nếu xét điện mặt trời mái nhà thì chỉ nên đưa ra mức cao nhất là 200 KW, tương ứng với khoảng 2.000m2 diện tích lắp đặt. Thực tế, không nhiều hộ gia đình, tòa nhà công sở có diện tích lớn hơn mức này. Nếu không khống chế, để dự án nhỏ tự phát tràn lan, không những ảnh hưởng lưới điện, mà còn gây bất bình đẳng với những chủ đầu tư dự án lớn, vốn đầu tư bài bản, chi phí cao nhưng chỉ được hưởng giá điện thấp”, ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam nói như thế trước thực trạng ngày càng có nhiều nhà đầu tư đi thuê đất nông nghiệp, đất bỏ hoang để đầu tư dự án điện mặt trời dưới 1 MW nhưng hưởng quyền lợi của điện mặt trời áp mái.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến điện NLMT phát triển ồ ạt trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thời gian vừa qua là do Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.164 đồng/1 kWh) có hiệu lực từ 1/6/2017 đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn năng lượng này. 

Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2019. Tức là, sau thời điểm đó, giá cho điện mặt trời sẽ giảm dần cùng với sự yêu cầu về cập nhật công nghệ cao hơn. Do đó, một cuộc đua rầm rộ đầu tư cho điện mặt trời, các doanh nghiệp thi nhau công bố dự án để kịp hưởng chính sách ưu đãi giá điện cao. 

V.Thành - P.Tuấn
.
.
.