Tưởng chừng vụn vặt

Thứ Tư, 27/07/2016, 11:56
Vụ án mà tôi mạn phép lạm bàn dưới đây đã tốn không biết bao nhiêu cảm xúc của người chứng kiến, cả những cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Đây là vụ án cũng tạo nên cuộc tranh luận dữ dội trên mạng xã hội.

Vụ án được đặt tên là, “Cướp bánh mì vì đói”.

1. Vụ án cướp bánh mì diễn ra ở quận Thủ Đức, TP HCM. Hai đối tượng của vụ án là Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, đều 18 tuổi, thời điểm gây án là 17 tuổi. Tân đang là học viên của một trường trung cấp nghề tại TP HCM, Tuấn nghỉ học từ năm lớp 5. Tân đầy đủ cha mẹ, còn Tuấn thì cha bỏ ngay lúc lọt lòng.

Hai bịch chuối sấy có giá trị 10 nghìn đồng, một ổ bánh mì có giá trị 10 nghìn đồng, ba bịch me trộn đường có giá trị 20 nghìn đồng, một bịch đậu phộng có giá trị 5 nghìn đồng. Tổng, 45 nghìn đồng. Đó là tất cả những gì được quy là tang vật vụ án do Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn gây ra.

Khi đọc thông tin này trên báo ban đầu, tôi hết sức ngạc nhiên và lờ mờ nghĩ đến vụ án giật nón ở Hải Phòng cách đây áng chừng hai năm. Mấy thanh thiếu niên rảnh việc nghĩ ra trò đùa giật nón của các bạn nữ sinh.

Giật theo kiểu ngồi trên xe gắn máy, rình bạn nữ đang đạp xe đạp thì đuổi theo giật nón rồi quay lại cười rộ. Không may, cuộc giỡn chơi thành ra nghiêm trọng. Chiếc nón được quy đổi giá trị 60 nghìn đồng, hành vi đùa nghịch bị quy đổi thành cướp giật. Năm ấy, tôi thật sự không hiểu được vì sao những cơ quan tố tụng ở Hải Phòng lại có thể cứng nhắc đến như vậy. 

Ban đầu, tòa kêu án tù, các thiếu niên cũng bị bắt tạm giam. Sau do phản ứng từ giới truyền thông lẫn dư luận, Tòa Tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ việc này. Án tù giam chuyển thành án treo cho hai cậu nhóc sau lúc đã chung mức án tù đủ thời hạn tạm giam chờ xét xử, một cậu còn lại vẫn chịu án tù.

Trước khi đi vào câu chuyện của hai cậu nhóc trong “vụ án bánh mì”, cũng cần phải minh định rõ ràng rằng, cướp giật là một hành vi nguy hiểm được luật quy định. Quan trọng hơn, đã là hành vi nguy hiểm thì không thể vì giá trị của tài sản do cướp giật mà có thể đưa ra quan điểm tranh luận là đáng hay không đáng? Vì tranh luận theo hướng này thì ngay từ ban đầu đã đặt ra một mệnh đề tranh luận rất sai.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì luật hiện hữu là nhằm điều chỉnh hành vi của cá nhân sao cho phù hợp nhất, sao cho bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. 

Trước pháp luật thì bất cứ cá nhân nào cũng được đối xử như nhau (Tất nhiên, là về mặt lý thuyết), nhưng pháp luật sẽ trở nên đáng sợ nếu người áp dụng luật nguyên tắc một cách quá đáng và cứng nhắc như một cỗ máy. Bởi không phải ngẫu nhiên mà có câu “Có lý phải có tình”. Một bản án chỉ đạt đến sự hoàn hảo khi cả hai phía bị hại và bị cáo tâm phục khẩu phục. 

Như vụ án cái nón ở Hải Phòng, bị hại khi ra tòa còn hốt hoảng thanh minh cho bị cáo. Bị hại liên tiếp thừa nhận, bị hại hiểu rõ bị cáo chỉ đùa nghịch chứ hoàn toàn không có ý cướp giật. Bị hại cũng đưa ra các biểu hiện cụ thể để minh chứng cho khẳng định này. Vậy mà, không hiểu sao tòa án đã không xét đến tình tiết ấy.

Dẫu vậy, xem xét toàn bộ các chi tiết trong vụ án “giật bánh mì” này, tôi lại nảy sinh nhiều lấn cấn.

2. Gia đình của cậu nhóc tên Tân, là một gia đình căn bản. Nghĩa là có vất vả mưu sinh nhưng vẫn dành đủ thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái. Tân từng đoạt huy chương trong cuộc thi võ thuật toàn thành, được nhìn nhận là ngoan ngoãn. Bình thường, ba mẹ quản lý Tân rất nghiêm.

Tuấn, dĩ nhiên trong tình cảnh cha bỏ rơi lúc ấu thơ thì rất khó để có nhiều cơ hội cho Tuấn. Ngoại thương Tuấn mang Tuấn về nuôi từ tấm bé, mẹ Tuấn lập gia đình mới. Tuấn nghỉ học từ sớm, lêu bêu chơi bời.

Chơi bời gì, cũng chẳng là gì quá nghiêm trọng kiểu xăm mình, tụ tập băng nhóm làm dân xã hội, hút cỏ hay chém nhau. Nhưng Tuấn nghiện game. Nghiện game đừng đùa, dân nghiện game cũng dặt dẹo không kém.

Ảnh: Tuổi trẻ.

Lâu lâu trước, tôi có làm loạt phóng sự dài kỳ in trên ANTG Tuần về các ông thần nghiện game online. Ông nào cũng dở ngây dở ngô, không muốn tiếp xúc với người thân, chỉ muốn đắm chìm trong thế giới ảo, rút dây mạng một phát là bất tỉnh nhân sự luôn. Hồi đấy có trung tâm cai nghiện internet, đa phần là cai nghiện game, đủ cả thành phần, từ học sinh cho đến sinh viên, từ đã đi làm cho đến đang là du học sinh được phụ huynh điệu về nước cai nghiện. 

Có trường hợp hai vợ chồng đều làm bác sĩ, con vẫn nghiện game đến không buồn cất lời chào khi thấy cha mẹ, không buồn há miệng ăn cơm, ngồi trước màn hình máy vi tính thì hoạt bát linh động, tắt màn hình là người thơ thẩn như mất hồn.

Tuấn nghiện game thì Tân cũng nghiện game, đồng bệnh tương lân đồng khí tương cầu. Điểm khác biệt duy nhất là Tân còn nhận được sự quan tâm của bố mẹ, trong lúc Tuấn thì không ai quản lý. Mặc cho trước đó bà ngoại khuyên Tuấn hết lời không được, đã mang Tuấn “trả” lại cho mẹ Tuấn.

Trong thế giới của thanh thiếu niên thì không có chỗ cho người lớn, tôi nói thật. Nếu như người lớn không đủ bình tĩnh để rón rén thâm nhập vào thế giới của con từ lúc còn ấu thơ với tư cách bạn bè thân thiết.

Mấy tháng trước, Tuấn mua được cái xe gắn máy cũ không giấy tờ với giá 1,5 triệu đồng. Cũng trước đó, Tuấn mắc phải hành vi trộm cắp tài sản xe máy và xe đạp điện mà nguyên nhân có thể do cơn nghiện game thúc ép nên bị cơ quan công an huyện Củ Chi truy tố, nhưng cho tại ngoại để điều tra. Trong lúc tại ngoại, trên chiếc xe gắn máy đểu, Tuấn lang thang khắp nơi, chính vì điều này cơ quan công an huyện này đã ra quyết định truy nã Tuấn.

Tuấn quen Tân được vài tháng nay, chắc là quen qua không gian ảo của game online. Một ngày trung tuần tháng 10-2015, bố mẹ Tân đi đám cưới nên vắng nhà, ngay lập tức Tân trở thành người tự do tuyệt đối.

Tân rủ Tuấn đến tiệm internet tại phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 để chơi game online. Hai ông chơi từ 22 giờ đêm hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau thì hết tiền. Thật ra, nói hết tiền  nhưng vẫn còn đủ tiền uống nước mía.

Uống nước mía xong thì điều khiển xe Honda chở nhau sang quận Thủ Đức, khai là kiếm việc làm. Chẳng biết kiếm việc làm gì nữa, chỉ biết là đang đi thì thấy đói. Đói nhưng hết tiền bèn rủ nhau cướp mấy thứ lặt vặt mà tôi đã kể trên.

Tân ngồi ngoài xe gắn máy để chờ sẵn, Tuấn bước vào tiệm tạp hóa để mua chuối sấy, bánh mì… Khi chủ tiệm bỏ hết những thứ ấy vào bịch nylon để đưa cho Tuấn thì Tuấn chụp lấy rồi bỏ chạy. Chủ tiệm tri hô, hai thanh niên đang lưu thông trên đường nghe được và bắt giữ Tân, Tuấn.

Ra tòa, chính chủ tiệm (tức người bị hại) cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Tân và Tuấn.

3. Gần cuối tháng 7-2016, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân về hành vi “Cướp tài sản”. 

Sau quá trình xét hỏi, tranh luận, Hội đồng Xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo cấu thành tội Cướp tài sản, trong đó Tân là người khởi xướng và Tuấn trực tiếp phạm tội. Tân bị tuyên phạt mức án 8 tháng 20 ngày tù giam, đúng bằng thời hạn tạm giam nên được trả tự do tại tòa. Tuấn bị tuyên mức án 10 tháng tù giam, nghĩa là nếu chấp hành tốt thời hạn giam giữ, còn hơn tháng nữa Tuấn sẽ được trả tự do. 

Được trả tự do xong có phải chịu mức án nào từ hành vi mà Tuấn đã gây ra tại huyện Củ Chi hay không thì tôi không rõ, mà chắc là không tránh được. Mặc dù Tuấn có khai, khi được Công an huyện Củ Chi cho tại ngoại, Tuấn muốn sang quận 9 để tìm việc làm nên rời khỏi địa phương, hoàn toàn không biết bản thân mình bị phát lệnh truy nã.

Tại buổi xét xử, cả Tân và Tuấn đều đã nhận rõ hành vi của mình là sai lầm, Tuấn có khóc. Đau đớn nhất chính là ba của Tân và mẹ của Tuấn, người đàn ông ngoài ngũ tuần này nói, “Tôi xin lỗi bị hại vì hành vi sai trái của Tân đã gây ra, và cũng cảm ơn bị hại vì đã làm đơn bãi nại cho con tôi”.

“Dù tài sản lớn hay nhỏ thì cũng đều được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi chiếm đoạt tài sản trái phép của người khác đều là vi phạm pháp luật. Do đói hay khát thì 2 bị cáo cũng chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình mà xâm hại đến tài sản của người khác, nghĩa là đã phạm tội”, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân trong phiên tòa hôm đó phản bác luật sư bào chữa như vậy, khi luật sư cho rằng, “Ý chí chủ quan của bị cáo lúc đó chỉ cướp để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người là ăn. Bị cáo không lường được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người khác, cho xã hội và cho bản thân các bị cáo”.

Chuyện của Tân và Tuấn lại khiến tôi nhớ đến một câu chuyện cũ. Năm xưa, ở quê tôi có cậu nhóc hiền khô. Không hiểu lân la thế nào lại chơi với một ông nhóc khác. Ông nhóc này có thời gian lang bạt giật đồ gì đó ở TP.HCM rồi về lại quê. Ông nhóc giật đồ rủ ông nhóc ở quê làm một vụ, ông nhóc ở quê ngồi sau xe. Ngay vụ đầu tiên bị cảnh sát hình sự tóm gọn.

Ông nhóc ở quê chịu án 4 năm. Hôm về quê gặp, thấy ông nhóc đang hết sức cố gắng để trở thành người lương thiện.

Thực tế, bất cứ vụ việc nào mà đã phải viện dẫn đến luật, đa phần chỉ thấy nỗi buồn thôi. Thế nên, nếu được thì hãy nghĩ về điều này trước khi thực hiện hành động nào đó.

Kinh Hữu
.
.
.