Tấm lòng bao la của người mẹ chưa một lần sinh nở

Chủ Nhật, 22/07/2018, 09:54
Phát hiện người nhà chôn sống đứa trẻ cùng người chết, Y Byen nhảy xuống huyệt mộ đưa tay bế cháu bé ra, lấy chiếc áo của mình quấn cháu bé rồi ẵm chặt vào lòng. Đứa trẻ đỏ hỏn cứ cầm chặt lấy ngón tay Y Byen suốt chặng đường về nhà như cảm nhận được hơi ấm từ trái tim của cô gái trẻ đang là vị cứu tinh cuộc đời của nó…

Vượt lên hủ tục

Một ngày giữa tháng 7-2018, trong tiết trời mưa rả rích của Tây Nguyên, chúng tôi đến thăm mái ấm của chị Y Byen (28 tuổi, trú tại làng Piơn, thị trấn Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Ngôi nhà nhỏ bé đã ngả màu sơn của Y Byen chìm trong màn mưa giăng kín. Nghe thấy tiếng người lạ hỏi thăm, Y Byen ra mở cửa rồi đón khách vào nhà. 

Cô gái trẻ với khuôn mặt phúc hậu nhanh tay rót nước mời khách. Nhìn Byen chẳng ai nghĩ rằng cô gái trẻ ấy đã làm “mẹ” của hai đứa con. Khó tưởng tượng hơn nữa là chuyện chị dám “chống lại” Yang (thần linh) để cứu mạng hai đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện cứu đứa bé từ huyệt mộ, Y Byen nhớ lại, trước đây, vẫn có tập tục cho rằng đứa trẻ nào chẳng may mẹ bị qua đời mà vẫn còn bú thì sẽ bị xử tội chết, bằng cách mang đi chôn cùng với người mẹ. 

Người Bana quan niệm, nếu không để cháu bé chết theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát. Hồn ma ấy sẽ về quấy phá dân làng. Những đứa trẻ bất hạnh ấy nếu còn sống sẽ mang vận xui đến cho người sống, Yang sẽ phạt tội dân làng. Vì vậy đứa trẻ phải chết càng sớm càng tốt. Y Byen đã nhiều lần phải chứng kiến những đám tang kép, những đứa bé kháu khỉnh phải vĩnh biệt cuộc đời để đi theo mẹ như thế.

Niềm vui của Y Byen bên 2 đứa con được chính mình cứu sống từ hủ tục của buôn làng.

Rồi trong một ngày của gần 14 năm về trước, Y Byen cùng mẹ đang đi bán quần áo cũ tại một làng thuộc xã Đê Ar. “Hôm đó, khoảng 5h sáng, hai mẹ con tôi đặt chân đến làng Tơ Nian (xã Đe Ar, bây giờ là huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai - PV). Lúc này, nghe dân làng kháo nhau có một phụ nữ sau khi vượt cạn tại nhà đã qua đời. Sau khi nghe tin, mẹ con tôi cũng tìm đến  gia đình để chia buồn”, Y Byen nhớ lại.

Dừng lại một lát để trấn tĩnh, Y Byen kể tiếp: “Lúc đó, bên cạnh thi thể người mẹ quá cố là một bé trai kháu khỉnh, đỏ hỏn còn nguyên dây rốn. Tôi lặng người vì đoán biết những điều tiếp theo sẽ đến”, Y Byen buồn bã nói.

Cũng theo lời Y Byen, chứng kiến cảnh người cha đứa bé đã ba lần cố sát hại đứa bé sơ sinh. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, đứa bé vẫn không tắt thở. “Chứng kiến cảnh tượng ấy, mình đã không cầm được lòng nên khóc thét lên và quay sang nói trong nước mắt với mẹ mình xin người ta đừng giết đứa bé tội nghiệp... họ không nuôi được mình xin đem về mình nuôi”, Y Byen nói.

Thấy Y Byen nói vậy, mẹ chị cũng chạnh lòng. Sau một thời gian khá lâu nghe hai mẹ con chị thuyết phục, người làng đồng ý cho Y Byen nhận đứa trẻ. Y Byen nhảy xuống huyệt mộ đưa tay bế cháu bé ra, lấy chiếc áo của mình quấn lại ẵm vào lòng. Đứa trẻ đỏ hỏn cứ cầm chặt lấy ngón tay Y Byen suốt chặng đường về nhà mà không hề quấy khóc.

“Khi ấy, mình chưa đủ tuổi để nhận con nuôi nên mọi thủ tục đều do cha mẹ làm. Nhà mình lúc đó rất nghèo, nhiều lúc phải uống nước cơm để đỡ đói. Người làng biết chuyện lâu lâu lại mang cho cháu vài ba hộp sữa. Có người trong làng mới sinh con cũng bế cháu sang bú nhờ. May sao trời thương, con vẫn mạnh khỏe và lớn lên từng ngày. Mình đặt tên cháu là Y Song (tiếng Bana có nghĩa là trời cho - PV”, Y Byen kể lại.

Mẹ Y Byen đơn thân

Câu chuyện Y Byen cứu đứa bé trong quan tài rồi nhận làm con nuôi cứ như tiếng chiêng lan từ làng này sang làng khác. Khắp làng Piơn không ai là không kể chuyện Y Byen nhân hậu. Y Song cứ thế lớn dần trong sự yêu thương đùm bọc của mẹ Y Byen.

Thế rồi cũng đến lúc Y Song phải đi học. Một ngày nọ, trong lớp mẫu giáo, khi mà những đứa trẻ cùng làng cứ chỉ trỏ vào Y Song rồi trêu đùa: “Mày không phải là con của mẹ Y Byen đó, mày không phải sinh ra ở cái làng này đâu”. Lúc ấy, Y Song giận lắm nên chạy một mạch về nhà kéo mẹ Byen ra hỏi. Người mẹ Bana khi nghe đứa con trai hỏi thì chỉ biết ôm chặt đứa con vào lòng mà khóc: “Y Song ơi, con là con của mẹ. Mẹ nuôi con lớn chừng này thì tại sao lại không phải là con của mẹ chứ?”.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, Y Byen tốt nghiệp THPT rồi thi vào trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật tỉnh Gia Lai và trở thành ca sỹ. Năm 2011, Y Byen thi tuyển viên chức vào Nhà hát Đam San, tỉnh Gia Lai. Y Byen còn xin nhận đi hát đám cưới, hát ở hội nghị kiếm tiền trang trải nuôi con. 11 năm sau khi nhận nuôi Y Song, một mối duyên mẫu tử lại đến với cô ca sĩ này.

Y Byen nhớ như in cái ngày 10-8-2015 định mệnh đó. Trong chuyến đi biểu diễn ở huyện Ia Grai (Gia Lai), Y Byen nghe tin một người quen vừa nhặt được một bé sơ sinh thiếu tháng tại nhà ma (nghĩa địa). Lúc này trong lòng Y Byen tình thương trỗi dậy muốn chạy thật nhanh đến để đưa ngay đứa bé về nhà. Nhưng có phần hơi lo lắng vì lúc đó hoàn cảnh gia đình cũng đang rất khó khăn. 

“Sau đó, mình có gọi điện về hỏi mẹ và cha là có nuôi con người không, có một đứa trẻ nữa bị người ta bỏ ngoài nhà ma, mình không nhận nuôi thì nó chết mất. Rất may là cả cha và mẹ mình đều gật đầu đồng ý”, Y Byen nhớ lại.

Khi nhận nuôi bé thứ hai, cuộc sống gia đình chị càng trở nên chật vật, khó khăn hơn. Hằng ngày, Y Byen phải làm đủ mọi việc để kiếm sống. Có bao nhiêu tiền, chị đều dành dụm mua sữa cho hai đứa con. Cuộc sống cứ thế trôi đi, giờ đây người con lớn của Y Byen đã học lớp 7, con nhỏ đã được 3 tuổi. Y Byen đã có việc làm, kinh tế gia đình giờ đã tạm ổn.

Cho đến bây giờ, khi đã quá gắn bó với hai đứa con, Y Byen vẫn không hiểu điều gì đã giúp cô mạnh mẽ, can đảm và dũng cảm như vậy. Cô đã đặt tên người con trai thứ là Y Sơn, nghĩa là mạnh mẽ, cao lớn như một ngọn núi. Quên đi những cuộc vui của những người trẻ, cứ sau giờ làm, cô “ca sĩ” lại tức tốc trở về nhà để chăm bẵm những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện lập gia đình, Y Byen cười nói: “Có một mái ấm gia đình, có một người chồng yêu thương mình  là điều mà bất kỳ một người con gái nào cũng mong muốn. Đã có nhiều người lui tới nhưng chưa tìm được người nào rộng lượng, thật lòng thương hai đứa nhỏ nên mình chưa tính đến chuyện lập gia đình”, Y Byen tươi cười nói.

Nói về việc làm của Y Byen, trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Giang Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: “Trước hành động thiết thực, ý nghĩa của Y Byen, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã đến tận nhà trao tặng bằng khen, động viên khích lệ tinh thần. Ngoài ra, Y Byen còn là tấm gương tiêu biểu được Tỉnh đoàn bầu chọn tham gia "Đại hội Thanh niên làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 5" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh  nhân dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhật Đăng
.
.
.