Sơn nữ Giẻ Triêng đốn củi “bắt chồng”

Thứ Ba, 19/01/2016, 13:45
Từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), chúng tôi tìm đến nơi người Giẻ Triêng sống cách gần 100km hướng về địa phận tỉnh Kon Tum. Sau chặng đường bầm dập trên cung đường Hồ Chí Minh nối giữa hai tỉnh Quảng Nam-Kom Tum, khi đi qua trụ sở Hạt Kiểm lâm Ngok Linh, chúng tôi đã chính thức đặt chân đến xã Đắk Choong - xứ sở người Giẻ Triêng với nhiều luật tục bí hiểm và kỳ lạ!


Chủ đích của chúng tôi khi đến vùng cư trú của người Giẻ Triêng là tìm hiểu về táng tục lạ kỳ treo quan tài trên cây của tộc người này. Theo truyền thuyết, thuở xưa hành trình về với Yang (thần linh) của người Giẻ Triêng không khác gì các tộc người anh em khác sống giữa núi rừng Tây Nguyên thâm u, chết là chôn chứ không đặt để trên cây đại thụ giữa rừng ma huyền hoặc như sau này.

Già làng A Rem nhà ở gần trụ sở Vườn Quốc gia Ngok Linh (Kon Tum) cho hay, táng tục chết treo cây bắt nguồn từ tấm lòng của dân làng thuở sơ khai dành cho một thủ lĩnh hết lòng trong việc bảo vệ người trong bộ tộc trước những bộ tộc xâm chiếm khác. Nên khi vị thủ lĩnh trút hơi thở cuối cùng, sợ rằng khi chôn thú dữ sẽ moi xác nên dân làng thương, mới gác quan tài lên cây. Cũng từ đó, người Giẻ Triêng có táng tục treo cây kỳ lạ!

Xã Đắk Choong, xứ sở của tộc người Giẻ Triêng chìm giữa núi non trùng điệp ngày đêm mờ sương, lạnh lẽo thâm u. Gặp nhau tại nhà riêng gần trụ sở Ủy ban xã, ông A Thương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk Choong, khi được hỏi thăm về tục táng treo cây, cho biết ngay đó là luật tục của một thời quá vãng. Rằng nhiều năm rồi, người Giẻ đã ý thức việc chôn cất như thế gây ảnh hưởng đến môi trường nên đã không còn treo quan tài được đẽo từ độc mộc (cây đại thụ nguyên khối) như trước.

Qua trò chuyện với ông A Thương, tôi mới phát hiện ra rằng, nếu như táng tục treo cây được người Giẻ Triêng khép lại thì tục “bắt chồng” của các sơn nữ người bản xứ với của hồi môn lạ kỳ, đến nay vẫn được tộc người này gìn giữ qua hàng trăm năm. Của hồi môn ấy là phẩm vật kết tinh từ sự chịu thương chịu khó của con gái Giẻ Triêng, là sính lễ lạ kỳ nhất thế giới có tác dụng giúp phía gia đình đàng trai xua tan cái lạnh khi rừng chuyển mùa với cái lạnh cắt da cắt thịt!

1. Đắk Choong nằm ở cửa ngõ dẫn vào xã vùng sâu Ngọc Linh (hay Ngok Linh) vốn nổi tiếng với loại sâm Ngọc Linh mà khi nhắc đến, người ta sẽ liên tưởng đến nhiều cái sự “nhất thế giới”. Nào là quý nhất thế giới, đắt nhất thế giới, lừa đảo có thể nói là… cũng nhất thế giới.

Cách đây không lâu, những cái sự “nhất thế giới” này đã được nhóm phóng viên Chuyên đề ANTG lột tả chi tiết qua bài viết “Trò lừa biến củ ráy có độc thành sâm Ngọc Linh”. Theo đó, sau khi mông má, luộc ngâm một loại củ rừng có chất độc gây suy gan phù thận bằng hóa chất và tân dược, vậy là người ta mặc sức thổi giá 1kg củ gáy giá chỉ 200.000 đồng lên hơn 30 triệu đồng, có khi đến cả trăm triệu tùy vào sự ngờ nghệch và túi tiền của những người… hám sung hám mạnh! 

Ông Y Thương.

Từ ngã ba Ngok Linh-Đắk Glei, trên con đường độc đạo dẫn vào Đắk Choong, chúng tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh các sơn nữ và phụ nữ người Giẻ Triêng tay chắp trước bụng, toàn thân dồn về phía trước để chống lại sức nặng của gùi củi nặng hơn 20kg đang “gánh” sau lưng. Trò chuyện, nếu như các bà các chị với tâm tình gùi củi về đốt lửa nấu cơm, sưởi ấm thì có mấy cô gái ỏn ẻn cười, bật mí điều lạ lùng: “Em gùi củi để dành lấy chồng”.

Y Loan, 17 tuổi, là một sơn nữ người Giẻ Triêng gùi củi “để dành lấy chồng” như thế. Y Loan đi cùng mẹ, bà Y Lan, 47 tuổi, sau lưng cũng trĩu nặng gùi củi mà khúc nào khúc nấy cao hơn cả con gái mình. Bên con suối Đắk Kreo hoang dã tuôn mạch nguồn trắng xóa nhìn từ xa trông như áng tóc mây thiên thần của tiên nữ hạ phàm du sơn, bà Y Lan nói rằng người Giẻ Triêng theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đóng vai trò làm chủ gia đình, nên có tục sơn nữ “bắt chồng”.

Hiểu theo bà Y Lan là nếu muốn “bắt” được người chồng tốt, ngoài những tiêu chuẩn dạng như công-dung-ngôn-hạnh của người dưới xuôi, sơn nữ Y Loan còn phải có củi hồi môn là 100 bó củi trở lên để làm sính lễ cho phía gia đình chồng muốn cưới!

Y Lan bảo, ngày trước, để “bắt” được chồng, bà phải kiếm hơn 300 bó. Củi đó tặng cho gia đình chồng. Bên nhà trai yêu cầu bao nhiêu, thì mình phải có đủ mới được làm đám cưới!

2. Đi sâu vào thế giới hôn nhân của trai gái Giẻ Triêng, mới biết như sơn nữ người Châu Mạ, người Chơro sống ở vùng rừng chiến khu Mã Đà thuộc tỉnh Đồng Nai, từ nhỏ, các cô bé người Giẻ Triêng đã được mẹ, bà rèn giũa cho sự đảm đang, tháo vát.

Bà Y Lan kể rằng con gái ở làng ngoài sức khỏe, sắc đẹp, nết na, chịu thương chịu khó, sạch sẽ như vậy vẫn chưa đủ chuẩn. Còn phải biết ủ rượu ngon, nấu ăn ngon, dệt khố váy tinh xảo. Một người con gái như vậy mới có được cơ hội “bắt” được người chồng tốt.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi được hỏi thăm, cụ bà Hồng Thị Lịch (gần 80 tuổi, người Chơro, ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) giải thích, người chồng chuẩn phải là người gan dạ, có sức khỏe, săn bắn giỏi bởi chỉ có như thế anh ta mới có thể bảo vệ được gia đình của mình trước thú dữ, kẻ thù cũng như săn được nhiều con thịt (thú) để nuôi sống gia đình.

Không riêng gì người Giẻ Triêng, người Ê-đê ở Đắk Lắk, người Cil ở Lâm Đồng cũng theo chế độ mẫu hệ, chế độ gắn với tập tục con gái “bắt chồng”. Tháng 5-2015, người viết có dịp đến thăm buôn làng của người Ê-đê (thôn 1, xã Ea Trang, huyện M’drắk, Đắk Lắk) sống ở đỉnh đèo Phượng Hoàng - địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk và có dịp tiếp xúc với nhiều sơn nữ để cưới được chồng đã phải làm lụng vất vả trong nhiều năm, chắt chiu dành dụm tiền mặt, rồi lại tốn trâu bò, gà vịt những mong “bắt” được tấm chồng ưng ý.

Trụ sở xã Đắk Choong.

Có cô sơn nữ xinh như mộng như  H'mila phải tốn 2 con bò, 4 con heo, 10 con gà và 15 triệu đồng để có được chồng. Nếu ở chốn thị thành thì trai tráng phải nói là theo H’mila xếp lớp nhưng ở đây, muốn hay không, cô sơn nữ sắc nước hương trời này phải chi hàng chục triệu đồng để được làm vợ. Khi được hỏi thăm điều này, ông ông Y Den, Trưởng ban Mặt trận buôn Eth, tươi cười nói nửa đùa nửa thật rằng: “Đàn ông con trai ở đây rất có giá”.

Theo chế độ mẫu hệ nên các sơn nữ người Giẻ Triêng cũng “bắt chồng”. Và cũng như tộc người Ê-đê, con gái Giẻ Triêng muốn có được tấm chồng ưng ý cũng phải chủ động của hồi môn để làm vui lòng phía gia đình đàng trai. Có điều, như đã nói, “của cải” đó không phải là trâu bò, chiêng ché hay gà vịt mà là…. củi.

Vì sao lại là củi mà không là thứ gì khác? Khi gặp ông A Thương, hỏi ông đâu là nguồn cội của sính lễ đó, sau khi cho biết củi mà các cô gái người Giẻ Triêng chặt làm của hồi môn phải là cây giẻ hoặc xà nu (gỗ thông) hoai mục, ông A Thương tiết lộ: “Ông bà tổ tiên quy định con gái muốn lấy chồng phải chặt củi có nhiều ý nghĩa. Ông cha bà mẹ ngày xưa xem củi nhiều, thì đó là cô gái có sức khỏe, đảm đang, chịu thương chịu khó, như vậy mới chăm lo chu đáo cho chồng con”.

Lại nói hồi xưa ở rừng lạnh lắm, khi con trai được con dâu “bắt” đi, trong nhà mất đi người trụ cột có sức khỏe, nên người xưa quy định con gái “bắt chồng” phải tặng củi cho cha mẹ chồng, để cha mẹ chồng có củi sưởi ấm lúc trời lạnh. Chứ con trai bị “bắt” về ở phía vợ nó rồi, cha mẹ thì già yếu không đủ sức vào rừng tìm củi, chết lạnh thì sao?!

3. Đã gần 70 tuổi nhưng ông A Thương tráng kiện, tay chân rắn chắc, từ dáng đi, giọng nói của ông tràn đầy khí lực. Không riêng gì ông A Thương, nhiều người già ở vùng sơn lâm này ai nấy đều như nhau, tuổi ngoài 70 nhưng vẫn ngày ngày phải vào nương rẫy, bước chân thoăn thoắt trên những con đường đất đỏ trơn trượt ngả nghiêng với chiếc gùi có khi nặng hơn 30kg.

Hỏi bí quyết, ông A Thương cười dí dỏm bảo có lẽ nhờ sống “sạch”,  ăn sạch, nghĩ sạch, chẳng ai nghĩ đến chuyện so đo, tranh đoạt, mưu hại lẫn nhau, ai cũng như ai… nên Yang thương, về già khỏe mạnh như thanh niên, sống trường thọ, khi chết chẳng ốm đau bệnh tật gì, chết theo kiểu đèn hết dầu thì tắt?

Nói chuyện sống khỏe sống thọ, chuyện săn mãnh thú thuở rừng hoang đã đời rồi, khi tình cảm đã mùi, tôi hỏi ông A Thương ngày trước, gia đình ông nhận được bao nhiêu bó củi hồi môn từ phía vợ, ông ôm bụng cười khùng khục. Ông bảo: “Hồi lúc lấy mình, bà vợ chặt 150 bó củi đó. Như vậy là ít hơn nhiều người. Nhưng lúc đó, đang cao điểm chiến tranh, chỉ chặt tượng trưng như vậy thôi”.

Số củi mà Y Loan dày công tích lũy để làm củi hồi môn cho nhà chồng.

Tôi hỏi trường hợp cô gái lấy chồng chặt nhiều bó củi nhất mà chú biết là bao nhiêu? Ông A Thương bảo  rằng thường thì nhà trai quy định 300-400 bó. Nhưng có người phải chặt đến 500 bó. Chặt nhiều như vậy do anh em, họ hàng phía nhà trai đông. Chặt nhiều cực lắm, nhưng thương con thương em, vậy là các anh chị em, bà con họ hàng phía đàng gái mỗi người phụ một tay. Chứ nhiều củi như vậy, một mình đứa con gái sao chặt đủ được!

Tôi hỏi ông A Thương, có khi nào, vì số bó củi mà nhà trai đưa ra quá nhiều khiến phía đàng gái không đáp ứng nổi, vậy là đôi uyên ương tương lai phải đường ai nấy bước? Ông lại ôm bụng cười rồi bảo: “Cũng có chuyện đàng trai yêu cầu quá cao, nhưng không có chuyện vì không đủ củi mà cô gái không bắt được chồng. Căng quá thì người lớn hai bên gia đình bàn bạc làm sao tốt cho tất cả. Không thỏa thuận được thì mời người già. Nếu xét thấy phía đàng gái neo người, thì người già, người trong làng sẽ nói chuyện với phía nhà trai, đều ổn cả thôi!”.

Bây giờ, đã hàng trăm mùa lá rụng trôi qua, nhưng thời điểm này, tục lệ vào rừng chặt củi hứa hôn của các sơn nữ người Giẻ Triêng vẫn còn đó. Nhưng theo tâm tình của ông A Thương và các cán bộ xã Đắk Choong, luật tục đó không còn nặng nề như ngày trước. Với nhiều gia đình, lệ con dâu tương lai chặt củi làm sính lễ gửi nhà chồng giờ đây chỉ mang tính chất tượng trưng, có gia đình giảm số lượng bó củi xuống còn 100 bó, có gia đình thì chỉ vài chục bó mà thôi.

“Các ông cha bà mẹ, người già bây giờ rất hiểu cho con trẻ, không buộc phải chặt quá nhiều củi, như vậy làm khổ con cháu, mà cũng làm khổ rừng” – ông A Thương khép lại câu chuyện sơn nữ Giẻ Triêng vào rừng chặt củi kiếm chồng bằng tâm tình như vậy!

N.Thành Dũng
.
.
.