Ám ảnh lời nói của cậu bé 12 tuổi trong phiên tòa xét xử mẹ tật nguyền tạt axit khiến bố tàn phế

Thứ Tư, 20/06/2018, 07:37

Trong lúc ghen tuông mù quáng, người phụ nữ liệt cả hai chân đã tạt axit khiến chồng bị mù cả hai mắt, dị dạng khuôn mặt với hy vọng anh tàn tật, xấu đi và quay lại với chị nhưng cuối cùng kết cục lại khác. Ngày ra toà, chị xin được nuôi con nhưng đau đớn thay, đứa con trai không muốn ở với mẹ. Trả lời trước toà, em nói rất thương mẹ nhưng bây giờ em là chỗ dựa duy nhất của ba.


Năm 2005, tôi đến nhận công tác tại Báo CAND. Được một thời gian “theo” mảng kinh tế, Trưởng Cơ quan đại diện tại TP HCM gọi tôi vào phòng và gợi ý tôi nên “bám” vào mảng toà án viết bài bởi toà soạn đang thiếu tuyến bài ở lĩnh vực này trong khi đây là vấn đề luôn được độc giả quan tâm.

Những ngày đầu đi toà và nhiều ngày sau ấy, tôi vẫn chưa viết được tin nào... bởi cứ ám ảnh những phận người khi vướng phải vòng lao lý. Dần dà khi quen dần với công việc cũng là lúc tôi cảm thấy day dứt, trăn trở về thân phận của những người liên quan trong các vụ án, nỗi đau vì mất mát của gia đình bị hại, sự ăn năn hối hận muộn màng của nhiều bị cáo... vào những bài ký sự pháp đình đăng trên báo.

Đến hôm nay, tôi đã có gần 13 năm gắn với mảng toà án - mảng bài mà những người đồng nghiệp chúng tôi thường gọi vui là “mảng đen tối nhất của xã hội”. Thật vậy, như ông bà ta có câu “vô phúc đáo tụng đình”, hầu hết những người gặp chuyện bất trắc mới đến toà và không ai vui. Suốt những năm tác nghiệp, tôi chứng kiến nhiều chuyện buồn, đến giờ khi nhớ lại vẫn còn tự hỏi cuộc sống của những con người mà mình gặp một lần ở nơi “không ai muốn đến” giờ ra sao...

1. Năm 2008, tôi ngồi nghe vụ ly hôn mà người đứng đơn xin ly hôn là người chồng. Anh bị bỏng toàn thân, khuôn mặt dị dạng và mù cả hai mắt, không thể tự đi lại. Bị đơn là vợ anh cũng bị liệt hai chân, đang thụ án tù ở trại giam. Đang là bị án nên ngày ra toà, chị có Cảnh sát dẫn giải đi theo. Ban đầu tôi cứ tưởng đây chỉ là vụ án ly hôn bình thường nhưng ngồi nghe mới biết chị từng là bị cáo trong vụ án “giết người” mà anh là nạn nhân...

Tại toà, chị không đồng ý ly hôn với lý do vẫn còn thương anh và mong muốn sau khi thụ án về được chăm sóc chồng nhưng  anh thì vẫn cương quyết đòi ly hôn... Lý do anh đưa ra là đã hết tình cảm với chị kể từ khi chị ra tay tàn độc với anh. Vừa khóc vừa trình bày, chị kể từng là cô gái tàn tật đầy mặc cảm nhưng vẫn được anh để ý thương yêu. Họ cưới nhau rồi có con nhưng chị không ngờ sau 10 năm chung sống, anh thay lòng đổi dạ có quan hệ với người phụ nữ khác... 

Trong lúc ghen tuông mù quáng, chị đã tạt axit anh với hy vọng anh tàn tật, xấu đi và quay lại với chị nhưng cuối cùng kết cục lại khác, chị đi tù, anh tàn phế, đứa con trai chị dứt ruột đẻ ra về sống bên gia đình nội... Ngày ra toà, chị thụ án đã 4 năm, đứa trẻ ngày nào nay cũng đã 12 tuổi, chị khóc ngất ôm con sau bao năm xa cách. Phiên toà hôm ấy, cuối cùng chị cũng chấp nhận ly hôn nhưng xin được nuôi con nhưng đau đớn thay, đứa con trai không muốn ở với mẹ...

Trả lời trước toà, em nói rất thương mẹ nhưng bây giờ em là chỗ dựa duy nhất của ba. Bây giờ khi viết lại những dòng tâm sự này, trong tôi vẫn vẹn nguyên sự xúc động như tại phiên toà hôm ấy. Tôi đã khóc khi nghe tâm tư của em. Một đứa trẻ vừa ra đời đã chịu nhiều mất mát nhưng vẫn biết nghĩ suy chín chắn. “Tan đàn xẻ nghé” là tựa bài báo tôi viết về gia đình của em đăng trên Báo CAND ngày ấy. Hơn 10 năm đã qua nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ về em, dù chưa gặp lại em lần nào sau phiên toà hôm ấy, nhưng tôi tin đứa trẻ ngày nào giờ đã là một thanh niên trưởng thành sống đầy trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội...

Các phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên toà.

2. Suốt những năm đi toà, có lẽ điều ám ảnh nhất đối với cánh phóng viên mảng tòa chúng tôi đó là gương mặt thơ dại của những đứa con trong những vụ án mà cha hay mẹ chúng là bị cáo, bị hại. Theo quy định của toà án, trẻ dưới 16 tuổi không được vào toà án nhưng một vài vụ án, HĐXX cũng đặc cách cho trẻ được tham gia.

Từng gặp gỡ nhiều đứa trẻ tại toà, mỗi đứa là một thân phận éo le, như đứa bé gái tôi tình cờ gặp khi tham dự phiên toà xét xử cha em. Như những đứa trẻ trong câu chuyện "Những cánh hoa lạc loài", của tác giả Danielle Steel, câu chuyện về hai chị em em cũng có hoàn cảnh giống như thế: mẹ chết, cha đi tù, hai con trẻ bơ vơ… Đó cũng là tựa tôi viết về số phận của hai em đằng sau vụ án mạng thương tâm “chồng giết vợ” sau khi đòi ly hôn. Bản án sơ thẩm của toà án tỉnh Bình Phước tuyên cha em tù chung thân. Ngày ra toà lần này, bị cáo L., và các con xin giảm án...

Ngày đó, tâm sự với chúng tôi, con gái L., nói trong nước mắt: “Ban đầu con giận cha lắm nhưng giờ hết rồi, con chỉ muốn ba về để chăm sóc chúng con. Chị em con giờ không được ở chung nữa, em ở với bà ngoại, con nhớ em lắm, giờ con nhớ em chỉ biết gọi điện cho em". Được biết, sau khi vụ án xảy ra, con gái L., về sống với cô ruột ở Lâm Đồng, còn đứa con trai nhỏ về sống bên gia đình ngoại... Phiên toà hôm ấy bác kháng cáo của L., có nghĩa mong ước sớm được đoàn tụ của cha con họ vẫn còn xa lắm...

3.Cùng với bao nỗi niềm, nỗi trăn trở, ám ảnh về những phận người không may mắn gặp tại toà, suốt những năm tháng ròng rã đeo bám mảng toà, tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã theo đuổi đến cùng nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai giúp gia đình họ tìm được ánh sáng công lý, đưa nhiều bị cáo lỡ một lần phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời...

Năm 2008, tôi gặp bà N.T.N., người mẹ viết đơn và gõ cửa nhiều nơi, kêu oan cho con gái của mình ròng rã suốt bốn năm tại phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo H., (con gái bà). H., bị bắt từ lời khai của người hàng xóm, gia đình có 5 người bị bắt về hành vi “mua bán trái phép chất ma tuý” trong cùng vụ án. Kể với chúng tôi, bà nói có niềm tin mãnh liệt con mình không phạm tội vì những chứng cứ mâu thuẫn trong vụ án cùng lời tâm sự của con khi đi thăm con tại trại tạm giam: “Má ơi, con bị người ta vu oan”. Với động lưucj cứu con, bà bắt đầu nghiên cứu luật để có cơ sở đi kêu oan cho con gái. Hai lần xét xử sơ thẩm, H., đều bị TAND quận 1 kết án 10 năm tù dù bản án phúc thẩm trước đó huỷ án và chỉ ra nhiều vi phạm tố tụng và mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Tại phiên toà phúc thẩm lần này, sau nhiều lần hoãn phiên toà để xem xét lại vụ án, cuối cùng TAND TP HCM lại huỷ án để điều tra lại. Cùng đồng nghiệp viết bài đưa tin về vụ án, đồng thời chỉ ra những mâu thuẫn mà quá trình điều tra các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua... Đầu năm 2009, H., được tại ngoại, sau đó được CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án do không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của H., trong niềm vui khôn xiết của mẹ H., và chúng tôi. Gần 1 năm sau đó, H., được TAND quận 1 tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú và bồi thường 140 triệu đồng.

Còn Th., bị toà tuyên án 1 năm tù giam về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” khi đang là sinh viên năm thứ nhất đại học. Tôi gặp Th., mẹ em cùng luật sư Nguyễn Văn Ngoan, nhận bào chữa miễn phí cho Th., tại phiên toà phúc thẩm. Tại toà, Th., nhận tội nhưng xin được hưởng án treo để không dang dở việc học hành. Th., khai hôm đó vì vội chở em đi học, Th., lấn tuyến và thiếu quan sát đụng vào nạn nhân đang đi bộ băng qua đường dẫn đến tử vong. Vụ án xảy ra, nạn nhân cũng có một phần lỗi vì băng qua đường không đúng nơi quy định. Phiên toà phúc thẩm hôm ấy dừng lại giữa chừng để xem xét lại chứng cứ vụ án... Tôi chấp bút viết bài “Cơ hội nào cho em...?” với mong ước góp một tiếng nói để toà án xem xét lại... Hơn một tháng sau, phiên toà phúc thẩm mở lại và trong niềm vui khôn xiết của Th., và gia đình, Th., được toà án chấp nhận kháng cáo, cho em được hưởng án treo...

Trăn trở, đồng cảm với bao số phận nghiệt ngã và người thân của những bị cáo, bị hại và đương sự liên quan trong vụ án nhưng không ít lần chúng tôi cũng bị họ vu khống, xúc phạm trong quá trình tác nghiệp nhưng cũng phải bỏ qua vì nghĩ đến những bức xúc, nỗi đau gia đình họ đang gánh chịu... Có nhiều phiên toà, đương sự quá hung hăng, bao vây đòi “xử” cả phóng viên khiến chúng tôi phải nhờ Cảnh sát bảo vệ giải vây và nhờ Cảnh sát giao thông “hộ tống” đưa về toà soạn.

Đến nay, sau gần 20 năm cầm bút với bao thăng trầm, chứng kiến những vướng mắc của người dân nhiều năm chưa được giải quyết, áp lực bài vở và hoàn cảnh gia đình, có đôi lúc tôi đã định nghỉ ngang nhưng rồi đam mê nghề nghiệp, ý định đó lại nhanh chóng tan biến...
Hoài Hương
.
.
.