Hành trình phục thiện của cặp vợ chồng sa ngã

Thứ Tư, 17/08/2016, 10:22
Từng được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của trường cấp 2, thế nhưng một phút yếu lòng, không cưỡng lại được trước ma lực của "nàng tiên nâu", người chồng mẫu mực đã "dọn đường" để cả hai vợ chồng cùng vướng lao lý. 

Sau 10 năm rời khỏi cánh cửa trại giam, với quyết tâm phục thiện, làm lại cuộc đời, hai vợ chồng đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Về xóm Đông Hà, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An), hỏi chuyện vợ chồng anh Phạm Đức Chung (47 tuổi) và chị Kiềm Thị Huệ (44 tuổi), nhiều người biết đến và khâm phục nghị lực phi thường của hai vợ chồng. 

Anh Chung khi trở về cuộc sống đời thường.

Từ chỗ sa ngã, dấn thân vào vũng bùn đen tội lỗi, hai người đã vươn lên, đứng dậy sau vấp ngã và trở thành những công dân tiêu biểu, được bà con tin yêu, mến phục và các cấp chính quyền ghi nhận.

Cặp vợ chồng trẻ và ngã rẽ số phận

Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi của mình ở miền Tây xứ Nghệ, anh Phạm Đức Chung đã trải lòng với chúng tôi về chặng đường sa ngã và hành trình phục thiện của bản thân. Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ chỉ quanh quẩn phụ gia đình chăm sóc vườn cây cao su nhận thầu khoán từ nông trường. 19 tuổi, anh vào quân đội, phục vụ tại Sư đoàn 324, đóng quân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). 

Năm 1991, anh Phạm Đức Chung ra quân, rời quê hương để lên vùng Phủ Quỳ lập nghiệp.Vùng đất mà Chung chọn để mưu sinh là xã Tân Hợp, huyện Quỳ Hợp (nay thuộc địa phận huyện Tân Kỳ, Nghệ An).

Thời điểm này, ở huyện Quỳ Châu lân cận cũng đang rộ lên vấn nạn đá đỏ, đã đôi lần anh định dấn thân, nhưng trước những cái chết đau lòng ở vùng đất này, anh đã chùn bước. Quyết định mà mãi đến bây giờ, mỗi lần nghĩ lại, Chung vẫn thấy là sự lựa chọn sáng suốt.

Tại vùng đất mới, Chung đã tìm được một nửa cuộc đời mình. Chị là Kiềm Thị Huệ, một cô gái bản xinh đẹp, nết na. Người mà theo anh Chung là đã làm thay đổi cuộc đời anh, kể cả khi sa vào vòng lao lý, chính Huệ là động lực để anh phấn đấu, cải tạo tốt để trở về với gia đình, xã hội sớm hơn so với bản án.

Trở lại với những ngày tháng đầu tiên mới lập nghiệp của đôi vợ chồng trẻ, nhờ bản tính cần cù, siêng năng, vợ chồng Chung - Huệ đã nhanh chóng tạo dựng được cho mình cơ ngơi khang trang. Những đứa con lần lượt chào đời càng làm cho mái ấm gia đình thêm phần hạnh phúc.

Lúc bấy giờ, với những kinh nghiệm có được từ nhỏ và trong thời gian rèn luyện tại quân ngũ, Chung thường xuyên truyền dạy kỹ thuật làm nông nghiệp cho bà con. Nhờ đó, hai vợ chồng anh được bà con yêu mến và ngày càng có uy tín hơn, anh Chung được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Hội trưởng Hội phụ huynh của trường THCS Tân Hợp, nơi con gái anh đang theo học.

Tuy nhiên, vết trượt của Chung cũng bắt đầu từ việc anh là "cán bộ", dù chỉ là chức Trưởng thôn nhưng thời điểm lúc bấy giờ, vùng Phủ Quỳ lại rộ lên tình trạng đào đãi vàng, khai thác đá đỏ rầm rộ. Hàng chục chủ mỏ, bưởng vàng từ khắp nơi đổ về. Với vị trí và uy tín của mình, Chung nhanh chóng trở thành kẻ có "số má" với cánh chủ mỏ và cả đám đàn anh, đàn chị trong vùng.

Lâu dần, từ một nông dân thuần phác, Chung bị đồng hóa bởi các mánh khóe giang hồ từ các đại ca vùng bãi, rồi chẳng biết lúc nào, anh "nhập hội" vào thế giới ngầm vùng bãi mỏ và kết huynh đệ với đám giang hồ nơi đây. "Sau nhiều lần được cánh đại ca rủ rê, tôi đã đồng ý tham gia vào đường dây vận chuyển "hàng trắng".

Từ thân phận một kẻ xách thuê, với bản tính và vị thế của mình, tôi nhanh chóng đổi ngôi, trở thành "ông trùm" ma túy của cả địa bàn rộng lớn này. Lóa mắt vì tiền, tôi đã mù quáng lôi kéo cả vợ tham gia đường dây để trở thành mắt xích chủ chốt trong mối liên kết do chính tôi tạo nên", anh Chung kể lại.

Ngoài việc tạo thương hiệu thịt lợn sạch, chị Huệ còn chăn nuôi gà, vịt để nâng cao thu nhập.

Hoạt động ngầm được một thời gian, đường dây ma túy do vợ chồng Phạm Đức Chung đã bị triệt xóa. Đó là thời điểm khoảng cuối tháng 11-2005, trong một lần đang vận chuyển "hàng" đi tiêu thụ, hai vợ chồng đã bị bắt quả tang. Sau đó không lâu, cả hai đã bị tòa tuyên án, trong đó Chung lĩnh mức án 7 năm tù còn chị Huệ 4 năm tù. Vướng lao lý, hai vợ chồng bỏ lại hai đứa con nhỏ bơ vơ, nheo nhóc không ai chăm sóc.

Khát vọng vươn lên

Thời gian đầu ở Trại giam số 6 (Bộ Công an), Phạm Đức Chung tỏ ra bất cần, nhưng sau nhận thức được việc làm sai trái của mình, cộng với việc luôn nghĩ về hai đứa con nho, nên Chung đã tu tâm cải tạo thật tốt để sớm được tự do, đặng trở về làm lại cuộc đời.

Nhờ thành tích cải tạo tốt, năm nào Chung cũng được giảm án và đến tháng 11-2012, Chung được giảm án ra tù trước thời hạn. Trước đó, cũng với khát vọng hoàn lương mạnh mẽ, chị Huệ đã chăm chỉ cải tạo và được giảm án xuống còn 27 tháng tù.

"Ngày trở về, điều mà cả hai vợ chồng tôi xót xa và day dứt nhất là cả hai đứa con đều phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh", chị Huệ chia sẻ. Hai vợ chồng đã chọn mảnh đất tại xóm Đông Hà, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hoà (Nghệ An), vốn là quê cũ của anh Chung để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.

Lúc bấy giờ, tài sản duy nhất của cả gia đình là chiếc xe đạp cà tàng bà nội nhường, cộng với số tiền 500 ngàn đồng làm vốn. Nhờ có họ hàng giúp đỡ, hàng ngày chị Huệ dậy sớm đạp xe đi lấy thịt ở lò mổ về bán lưu động ở các xóm trong xã.

"Ngày đấy khổ đến cùng cực, vừa mới ở trại về, không nghề nghiệp, đất đai cũng chẳng có. Thậm chí, nhiều người còn kì thị, xa lánh. Thương các con, nghĩ về chồng mà tôi bỏ qua những đàm tiếu để cặm cụi mưu sinh. Từ số tiền 500 nghìn đồng mẹ chồng cho, tôi đạp xe đi khắp các chợ để buôn bán nhưng cũng bữa đực bữa cái", chị Huệ nhớ lại.

Rồi những tháng ngày gian khó cũng dần qua đi, nhiều người dần hiểu ra và chia sẻ, thông cảm, bắt đầu đón nhận và ủng hộ chị bằng những mớ rau, cân thịt. Ngày tháng trôi đi, cuộc sống của ba mẹ con cũng dần khấm khá hơn. 

Chăn nuôi bò đang mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Chung hiện nay.

Cuộc sống đỡ vất vả hơn khi một người chú giúp đỡ bằng cách cho vay tiền mua xe máy làm phương tiện mưu sinh. Đến năm 2012, sau những tháng ngày làm ăn tích góp, chị Huệ tích cóp được số tiền hơn 200 triệu đồng, vay mượn thêm 100 triệu  đồng nữa, chị đã xây được một ngôi nhà khang trang.

Cuối năm đó, anh Phạm Đức Chung mãn hạn tù trở về, cũng là thời điểm đứa con gái của anh chị lên xe hoa về nhà chồng. Với sự đồng hành của người vợ bên cạnh, anh Chung đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti và cả những cám dỗ của những người trước kia đã lôi kéo anh vào con đường sa ngã.

Với sự động viên kịp thời và thường xuyên của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, anh Chung quyết định hoàn lương bằng việc kinh doanh nghề nuôi và bán sản phẩm thịt lợn sạch để phục vụ nhu cầu của bà con trên địa bàn.

Công việc hàng ngày của cả hai vợ chồng là chăn nuôi lợn, gà sạch và dậy từ sáng sớm mổ lợn rồi đem ra chợ bán. Cũng vì có uy tín nên công việc bán buôn diễn ra rất suôn sẻ. Hiện, hai vợ chồng đang tích cóp tiền bạc để mở rộng trang trại, tiến tới xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch tự cấp tại gia đình.

Nói về chuyện tương lai, vợ chồng anh Chung, chị Huệ chia sẻ: "Hiện tại, với những gì đang có là sự tin tưởng của khách hàng về mặt hàng thịt lợn sạch, cả hai vợ chồng sẽ quyết tâm xây dựng thương hiệu thịt sạch với các mặt hàng chính là lợn thịt, cung cấp thêm gà đồi".

"Từ ngày ra tù về địa phương, biết vợ chồng anh Phạm Đức Chung - Kiềm Thị Huệ quyết tâm phục thiện để làm lại cuộc đời, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để anh được làm ăn buôn bán ở chợ cũng như vay vốn phát triển kinh tế. Không những làm kinh tế giỏi với thương hiệu thực phâm sạch Chung - Huệ, vợ chồng anh còn tham gia các hoạt động xã hội của xóm, của xã.

Ngoài ra, với ước mơ xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch Chung - Huệ, chúng tôi cũng đã đưa vợ chồng anh Chung vào mô hình "Xoá bỏ mặc cảm - giúp người lầm lỗi" trở thành tấm gương điển hình về việc hoàn lương và phát triển kinh tế", ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Công an xã Đông Hiếu cho biết.

Thủy Lợi - Thiên Thảo
.
.
.