Gia đình đổ nát, phận trẻ bơ vơ

Thứ Ba, 07/04/2015, 08:53
Báo cáo của Bộ Công an về nguyên nhân gia tăng tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội khẳng định: gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm đối tượng ở độ tuổi vị thành niên.

Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên, người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn.

Đa số các vụ con giết cha, anh em giết hại lẫn nhau là bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình hoặc một trong những người đó có lối sống thiếu lành mạnh.

Lặng lòng phía sau những vụ án

Phía sau sự tan vỡ của những mái ấm gia đình, đáng thương nhất là số phận của nhiều đứa trẻ. Trong phút chốc, chúng có cha thì không có mẹ, khi một người vĩnh viễn về với thế giới bên kia, người còn lại vào vòng lao lý. Không ít trong số đó do mặc cảm về hoàn cảnh gia đình rồi vì thiếu sự dạy bảo của cha mẹ dần trượt ngã trên con đường phạm tội.

Liên tiếp trong những tháng đầu năm 2015, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ án xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng. Ngoài nguyên nhân kinh tế, bạo lực gia đình, sự xuất hiện của người thứ ba chính là nguồn cơn gây sóng gió gia đình…

Đối tượng gây án không chỉ là các đấng nam nhi mà còn có cả phụ nữ, vốn được coi là người giữ lửa trong gia đình.

Mới đây, do không chịu nổi người chồng nát rượu thường xuyên đánh đập, ngày 27/2, Ngụy Thị Tở (42 tuổi, ngụ ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, huyện An Phú) đã dùng khăn tắm siết cổ chồng đến chết. Chồng chết, Tở vào vòng lao lý, 4 đứa con nheo nhóc chẳng biết nương tựa vào ai.

Trước đó, vào ngày 14/1, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Trinh (SN 1982, trú tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) về tội giết người.

Nạn nhân của Trinh trong vụ án này là người chồng từng đầu ấp, má kề Trương Văn Tâm. Nguyên nhân của vụ việc cũng xuất phát từ bạo lực gia đình…

Không dừng lại ở những mâu thuẫn bột phát trong lúc nóng giận tức thời, đau đớn thay một số đối tượng còn lên kế hoạch bài bản để tước đi mạng sống của người từng nhiều năm chăn gối.

Trường hợp của Vũ Văn Đường (SN 1959, trú tại tổ 15A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) là một ví dụ. Chỉ vì cho rằng vợ đã nói quá nhiều, Đường đã nung nấu ý định cướp đi mạng sống của người vợ đã gắn bó với ông ta suốt hơn 20 năm.

Vũ Văn Đường tại cơ quan điều tra.

Trong vụ án này, bà Phạm Thị Bút (vợ Đường) may mắn giữ lại được mạng sống, nhưng với bà có những thứ đã vĩnh viễn không tồn tại, đó là lòng tin và nghĩa tình vợ chồng…

Cả giận mất khôn

Thượng tá Đinh Văn Phúc, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Từ thực tế những vụ trọng án xảy ra trong thời gian qua, cho thấy nguyên nhân thường xuất phát từ các mâu thuẫn tồn tại dai dẳng, âm ỉ trong cuộc sống thường ngày.

Công tác nắm tình hình đặc biệt là đối với lực lượng Công an cơ sở, ở Công an quận là Cảnh sát khu vực; cấp huyện là lực lượng Công an phụ trách xã phối hợp với Công an xã có vai trò rất quan trọng.

Thông qua các tổ trưởng dân phố, các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ… lực lượng Công an phối hợp với chính quyền địa phương cần nắm bắt tình hình một cách kịp thời. Khi phát hiện mâu thuẫn, phải tổ chức hòa giải ngay từ đầu.

Trong những trường hợp này, vai trò của các cán bộ hòa giải rất quan trọng, đặc biệt là với vụ án mang tính chất bạo lực.

Bởi nhiều lý do, các nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình thường che giấu. Trong khi đó, các đoàn thể thì vì chưa nhận được thông tin cũng ngại ngần, không muốn tiếp xúc.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác truyền thông, nêu cao vai trò quan trọng của truyền thống gia đình và các giá trị đạo đức khác…

Trở lại trường hợp của Vũ Văn Đường ở Yên Bái, phạm tội giết người. Những mâu thuẫn trong gia đình Đường âm ỉ, tồn tại nhiều năm nay xuất phát từ thói trăng hoa của Đường.

Sự việc này, chính quyền địa phương có biết, các đoàn thể có lẽ do tâm lý “đèn nhà ai người ấy rạng” nên không can thiệp sâu…

Cùng với đó cũng cần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, tuyên truyền kỹ năng sống; phương pháp giải quyết các mâu thuẫn trong những tình huống cụ thể. Những tiểu phẩm hài hước, những câu chuyện nhẹ nhàng dí dỏm… thường dễ đi vào lòng người và có tác dụng cao trong việc tuyên truyền.

Xuân Mai
.
.
.