Cổ tích 0 + 0 = có

Chủ Nhật, 12/02/2017, 14:40
Hai con người cùng khuyết tật và mang nhiều nỗi bất hạnh, thậm chí hơn nửa đời người mới có giấy tùy thân, nhưng với tình yêu thanh cao của mình, họ đã đến với nhau như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Và, dù hành trình phía trước còn lắm gian nan, nhưng họ vẫn lạc quan để bước tiếp.

Dù bất hạnh vẫn khao khát yêu thương

Trong căn nhà trọ chật chội ở khu vực 5 (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), vợ chồng anh Huỳnh Trọng Quý (53 tuổi) và chị Nguyễn Thị Yến Nhi (34 tuổi) bắt đầu hồi tưởng lại cuộc đời của mình, cũng như mối lương duyên đưa hai con người tật nguyền này đến với nhau.

Hoàn cảnh của anh Quý vô cùng bất hạnh. Cuộc đời anh như một cuốn phim buồn mà xót xa thay, anh lại không biết giờ nào bấm máy. Trong ký ức của anh không có lấy hình ảnh nào về nơi chôn nhau cắt rốn, anh không biết mình được sinh ra vào lúc nào, cha mẹ là ai. Ký ức tuổi thơ của anh chỉ là những tháng ngày được lớn lên trong cô nhi viện Từ Tâm (TP Quy Nhơn). Cái tên Huỳnh Trọng Quý là mọi người đặt cho anh, ngày 1-2-1964 trên giấy khai sinh cũng chỉ là ngày tượng trưng.

Cuộc sống giản đơn của hai mảnh đời từng mang nhiều bất hạnh.

Theo lời anh Quý, những năm 1970, cô nhi viện Từ Tâm giải tán, anh được đưa về Ty Thương binh xã hội tỉnh Bình Định. Hy vọng lớn lên được tìm lại gốc gác của anh bị dập tắt hoàn toàn khi nhận ra mình mắc căn bệnh bại liệt, hai chân dần dần teo lại, đến nay chỉ như chân đứa trẻ lên 5. Trong nỗi bất hạnh tột cùng, anh trân trọng niềm vui nhỏ bé là đôi tay lành lặn. Năm lên 10 tuổi, anh không muốn mình trở thành gánh nặng cho mọi người nên đã xin ra ngoài mưu sinh bằng đủ thứ nghề.

Để sống qua ngày, người đàn ông bại liệt này phải rửa bát cho quán ăn, làm bánh bao, bán vé số dạo, đan lát hay bất cứ nghề gì ai thuê ai mướn mà với khả năng mình làm được. Sau vài năm bươn chải, anh dành dụm được 2 chỉ vàng để đi học nghề cơ điện. Năm 2003, anh về làm chung với một người bạn ở xưởng làm xe máy gắn hộp số lùi cho người khuyết tật (bây giờ là tiệm Hai Long ở số 352 Tây Sơn, TP Quy Nhơn).

“Tôi may mắn được người chủ ở đây nhận vào làm việc. Lúc đầu công việc cũng khó khăn với người bại liệt như tôi, nhưng rồi mọi việc cũng quen. Tôi thủng thẳng làm công việc của mình một cách chậm rãi, miễn sao hoàn thành là được. Cuộc sống từ đó cũng đỡ vất vả, dù không có của dư của để nhưng cũng không phải thiếu ăn”, anh Quý tâm sự.

Cũng trong thời gian này, anh Quý tham gia các hoạt động xã hội trong Chi hội khuyết tật Sức Sống Quy Nhơn (thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định). Nhờ bạn bè mai mối, anh và một cô gái khuyết tật quen biết và yêu nhau. Những tưởng anh sẽ được hạnh phúc, nào ngờ chuyện đời lại lắm éo le, không như những gì anh mơ ước.

“Chúng tôi yêu nhau hơn một năm, đến khi tính chuyện lập gia đình, cô ấy biết tôi không có giấy tờ tùy thân, không thể làm giấy hôn thú nên không chấp nhận. Dù vậy, tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi cho số phận, chứ không dám trách gì cô ấy. Đúng là tất cả cũng vì số phận éo le của mình mà ra”, anh Quý ngậm ngùi.

Một thời gian tham gia Chi hội khuyết tật, nhiều người thấy anh Quý năng nổ nên bầu anh làm Chi hội phó và cử anh đi dự hội nghị ở các nơi. Năm 2007, anh ra Hà Nội tham gia hội nghị người khuyết tật và ngã ngửa vì suốt mấy chục năm qua đến một cái giấy tùy thân mình cũng không có. Sau lần đó, anh về Quy Nhơn xin làm chứng minh nhân dân. Một gia đình khuyết tật ở cùng chi hội đã tạo điều kiện cho anh nhập khẩu để làm giấy chứng minh. Thế là mãi đến năm 43 tuổi anh Quý mới thật sự trở thành một công dân, tự tin hòa nhập xã hội.

Cũng sau lần dở dang chuyện tình cảm chỉ vì chưa có giấy chứng minh nhân dân, anh Quý gặp được người con gái khác nhưng rồi cũng không chấp nhận cùng anh đi đến hết đoạn đường đời. Một phần vì bản thân anh tật nguyền, phần nữa anh lại chẳng có ai là họ hàng, người thân nên người này tỏ vẻ ái ngại.

Vợ chồng anh Quý trong ngày cưới (ảnh nhân vật cung cấp).

“Tôi thua thiệt nhưng luôn nỗ lực, nghĩ chừng nào còn sống, trái tim còn đập thì còn yêu và tìm kiếm tình yêu trong cuộc đời. Trong đầu tôi luôn nghĩ sẽ cố gắng để có một mái nhà như bao người, có ai đó để bầu bạn lúc sớm hôm nên lúc nào cũng phấn đấu cả trong công việc cũng như cách giao tiếp xã hội”, anh Quý bộc bạch.

Quả nhiên trời không phụ lòng người, năm 2009, trong một lần đi dự hội thảo người khuyết tật ở Hà Nội, anh Quý được người quen giới thiệu chị Nguyễn Thị Yến Nhi (quê ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) qua số điện thoại. Chị Nhi vốn bị khuyết tật chân từ nhỏ, đi lại vô cùng khó khăn. Đã tật nguyền, cô bé Nhi lại sớm mồ côi mẹ, sau này cha cũng mất sớm. Nhà có 2 anh trai thì một người mất sớm, một người thất lạc đến nay chưa rõ tung tích. Nhi chỉ được học đếm lớp 9 rồi phải tự bươn chải kiếm sống, sau này làm tạp vụ ở một bệnh viện tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Chị Nhi nhớ lại: “Chúng tôi cùng khuyết tật nên hay than thở hoàn cảnh cho nhau nghe. Tôi bảo bản thân mồ côi mẹ từ nhỏ, lớn lên cha cũng mất, phải tự bươn chải kiếm sống, thì được anh an ủi: “Dù sao em cũng còn được gọi tiếng mẹ, tiếng cha, còn anh tới giờ vẫn không biết mặt cha mẹ mình”. Từ ngày đó tôi cảm nhận được rằng mình đã thương anh, tình cảm lớn lên theo từng lần gọi điện, từng cái tin nhắn hỏi thăm...”.

0 + 0 = có

Từ ngày quen chị Nhi, cuộc sống anh Quý như đổi khác hoàn toàn. Với anh, sự khát khao được yêu thương sau bao năm giờ lại bùng cháy mãnh liệt. Nhiều lúc anh thấy mình như một chàng trai trẻ, ngày ngày háo hức chờ đợi phút giây được gặp mặt người con gái mình thầm thương trộm nhớ. Thế rồi đến đầu năm 2014, chị Nhi đón xe xuống Quy Nhơn thăm anh. Hai phận đời chung nỗi bất hạnh lần đầu gặp nhau, nghẹn ngào chẳng nói nên lời.

Chị Nhi đến thăm anh ít hôm rồi lại về Đà Lạt, để lại những tiếc nuối và yêu thương chưa nói thành lời. Khi về đến Đà Lạt, người con gái mới gạt bỏ mặc cảm, nói lời thương yêu tới anh. Khi đó hai người giãi bày tình cảm mà bấy lâu ấp ủ trong lòng qua điện thoại. “Chúng tôi nói lời yêu được vài hôm thì cô ấy nói nhớ tôi quá, ước ao một ngày được người yêu đến thăm. Tôi nghe vậy chỉ lựa lời động viên, khuyên nhủ nhưng trong lòng thì thầm nghĩ sẽ làm điều bất ngờ gì đó cho cô ấy”, anh Quý kể.

Để chứng minh tình cảm của mình, anh Quý quyết định âm thầm đi xe máy lên Đà Lạt thăm người thương. Và cũng chính sức mạnh tình yêu giúp cho người đàn ông bại liệt một thân một mình kiên trì vượt qua quãng đường dài hơn 400km với bao gian nan, bất trắc. Buổi chiều gặp anh Quý giữa Đà Lạt, chị Nhi không kìm được xúc động, rơi nước mắt hạnh phúc vì nhận ra được tình cảm người yêu dành cho mình nhiều đến nhường nào.

Căn nhà trọ của vợ chồng anh Quý.

Anh Quý kể, sau chuyến đi để đời ấy một thời gian, anh lại tiếp tục khiến chị Nhi bất ngờ khi lặn lội lên Đà Lạt lần thứ hai. Lần này anh cũng một thân một mình với chiếc xe ba bánh do chính mình độ chế. Nghe đến đây, tôi ra vẻ thán phục, anh chỉ cười: “Người ta bảo yêu nhau mấy núi cũng trèo mà. Hơn nữa, tôi cũng đã chuẩn bị một ít tiền trong túi, nếu lỡ giữa đường xe cộ có gì thì mình cũng bắt xe lên gặp được cô ấy”.

Kể về đám cưới của mình, chị Nhi tâm sự: “Chúng tôi quen biết và thầm thương trộm nhớ gần 5 năm nhưng quyết định tổ chức đám cưới thì chỉ trong vòng 1 ngày. Ngày hôm trước tôi xuống thăm anh thì hôm sau làm đám cưới. Ban đầu tôi bảo đừng cưới hỏi chi tốn kém nhưng anh em, bạn bè của anh cứ động viên nên làm một bữa tiệc nhỏ để vừa ra mắt mọi người, vừa là dịp cảm ơn tôi vì đã dành tình cảm cho anh mà bỏ hết mọi thứ ở Đà Lạt xuống đây làm vợ anh”.

Đầu tháng 11-2014, đám cưới hai người diễn ra trong một ngày cơn bão số 4 đổ bộ vào Quy Nhơn. Đám cưới không có rạp, cổng hoa, chỉ có sự trợ giúp của bạn bè và những nhà hảo tâm, người góp cái bánh kem, người cho thuê áo cưới giá 200.000 đồng, người làm MC không công, người lo phần nhạc... Chỉ vỏn vẹn 4 bàn tiệc mà đám cưới rôm rả, rộn ràng nụ cười và nước mắt.

“Có một người chị khi tặng phong bì đã ghi bên ngoài là chúc mừng hạnh phúc 0+0=CÓ! Đó là một phép tính ngắn gọn nhất về hoàn cảnh và chuyện tình của chúng tôi. Tôi không cha mẹ, không giấy tờ tùy thân, không nhà cửa, cô ấy cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng nhưng giờ đây, chúng tôi có một gia đình”, anh Quý tâm sự.

Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh Quý thuê một phòng trọ ở đường Tây Sơn, gần nơi anh làm việc để sinh sống. Còn chị Nhi xin vào một công ty may cách nơi ở hơn 5km để vừa học vừa làm. Sáng sớm, anh Quý dậy chở vợ đến công ty may rồi mới ngược đường trở về đi làm.

“Cách đây một năm, lúc hai vợ chồng đi làm thì căn phòng trọ bị cháy. Những người ở trọ gần bên đã cố gắng phá cửa xông vào và dập lửa nhưng hầu như mọi thứ bên trong đã bị thiêu rụi. Vật dụng gia đình cũng khá đơn giản nhưng nó rất quý giá với vợ chồng tôi, bởi được sắm từ những đồng tiền chắt bóp, dành dụm từng ngày. Sau lần ấy, nhiều người thương tình cho được mấy triệu để sắm sửa vật dụng gia đình và thuê căn nhà trọ này để ở”, chị Nhi tâm sự.

Hiện tại, mỗi tháng anh Quý sửa xe thu nhập được gần 2 triệu đồng, còn chị Nhi vừa học vừa làm ở công ty may được hơn 1 triệu, số tiền nhỏ bé nhưng cũng giúp vợ chồng anh xây đắp cuộc sống gia đình.

Dù mang đôi chân tật nguyền nhưng anh Quý vẫn cố gắng sử dụng xe máy để làm phương tiện đi lại.
Mỗi sáng, anh Quý dậy sớm chở vợ đi làm rồi mới đến nơi làm việc.

“Trước mắt lo cái ăn cái mặc đã, khi nào công việc hai vợ chồng đều ổn định và nhắm có khả năng lo cho con thì mới nghĩ đến việc sinh đẻ. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị Nhi bộc bạch.

Nghe vợ nói vậy, ánh mắt anh Quý tươi vui lạ thường, bởi phải đến tuổi đầu hai thứ tóc anh mới có một mái ấm đúng nghĩa để trở về. Với anh, hạnh phúc đơn giản là vậy!

Phan Nhuận Phin
.
.
.