Cô dâu Việt tại Hàn dạy con về lịch sử, văn hóa Việt qua chuyến về thăm quê ngoại

Thứ Sáu, 25/08/2017, 16:12

Trong khoảng thời gian 9 ngày 8 đêm (từ 19 đến 27 tháng 8), 43 gia đình cô dâu Việt tại Hàn Quốc với 154 người được về thăm quê ngoại, tham quan thủ đô Hà Nội(17 gia đình, 58 người) và thành phố Hồ Chí Minh (26 gia đình, 96 người). 


43 gia đình cô dâu Việt tại Hàn Quốc với 154 người được về thăm quê ngoại

Đặc biệt, vào trưa 25-8, các gia đình này đã có một buổi gặp mặt chúc mừng tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quỹ phụ nữ Hàn Quốc Lee Hye Gyeong,  Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Huyk cùng đại diện của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam. Tiếp đó là “Chương trình Con cái - Cha mẹ” và “Chương trình gia đình” – khoảng thời gian để mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên thông hiểu và thắt chặt tình yêu thương hơn nữa.

Chủ tịch Quỹ phụ nữ Hàn Quốc Lee Hye Gyeong cho biết, các hoạt động trong sự kiện về thăm quê ngoại lần này của những gia đình cô dâu Việt nằm trong dự án trợ giúp trẻ thuộc gia đình đa văn hóa về thăm quê ngoại được Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đứng ra tổ chức và được Ủy ban cống hiến xã hội bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm nhân thọ Samsung, Hội quyên góp cộng đồng phúc lợi xã hội tài trợ.

Bà Lee Hye Gyeong nói: “Nhân vật chính trong sự kiện ngày hôm nay đó chính là các em nhỏ thuộc gia đình đa văn hóa Hàn-Việt. Tôi nghĩ rằng các em đã có cơ hội được nghe ngôn ngữ, được thưởng thức ẩm thực, văn hóa, sinh hoạt và cảm nhận, học hỏi, thấu hiểu được đất nước nơi mà mẹ các em sinh ra. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả mọi người có thể cùng tạo nên một thế giới hòa bình nơi mà có những thành viên khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo có thể chung sống và phát triển cùng nhau. Đó chính là lý do mà chương trình về thăm quê ngoại do Quỹ tổ chức vẫn tiếp tục được thực hiện”.

Gia đình các cô dâu Việt trong buổi gặp mặt trưa 25-8

Dự án này được bắt đầu từ năm 2007 với tên của dự án là dự án trợ giúp phụ nữ di trú kết hôn về thăm gia đình, cho đến năm 2013, dự án trên đổi thành dự án trợ giúp trẻ thuộc gia đình đa văn hóa về thăm quê ngoại nhằm giúp cho các em nhỏ thuộc gia đình đa văn hóa có thể trưởng thành trong tương lai. Năm nay là năm thực hiện dự án thứ 11 với tổng cộng 327 gia đình, 1.196 người được về thăm quê ngoại.

Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Huyk tại Việt Nam, chương trình về thăm quê ngoại không chỉ làm cho các thành viên trong gia đình đa văn hóa cũng như họ hàng người thân bên gia đình ngoại thêm gắn bó chia sẻ lòng thương yêu nhau mà còn làm tăng lòng tự tin và tự hào về văn hóa và truyền thống của hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam.

Đặc biệt, các em nhỏ là con trong gia đình cô dâu Việt, sau một chút lạ lẫm đã đón nhận tình yêu thương vô bờ bến từ gia đình ngoại mà bấy lây nay chưa thể chia sẻ hết và được trực tiếp học hỏi về lịch sử  và văn hóa Việt.

Cô dâu Trần Thị Huyền (SN 1982), quê ở Hải Dương, hiện đang sống ở Busan cho biết, đây là lần đầu tiên cô cùng chồng và con gái trở về quê ngoại sau 6 năm đi làm dâu xứ người. Huyền kể rằng, chuyến đi lần này, cả gia đình đều rất vui, chồng cô cười suốt còn con thì chỉ thích ở lại chơi với ông bà ngoại và các anh chị. 

Trần Thị Huyền và con gái 4 tuổi tại buổi gặp mặt trưa 25-8

Những ngày qua, gia đình Huyền đã được chương trình đưa đi thăm quan nhiều nơi, chồng và con cô được thăm Lăng Bác, nghe kể câu chuyện lịch sử về Hà Nội, thăm danh lam thắng cảnh ở Hà Nội và Quảng Ninh. Huyền nói: "Chồng em thích lắm, đi đâu cũng chụp rất nhiều ảnh để lưu giữ làm kỷ niệm. Anh ý bảo chỉ mong kỳ nghỉ như này kéo dài hơn và sẽ sớm được trở lại quê vợ".

Các thống kê từ Văn phòng Di trú Hàn Quốc cho biết, số cô dâu Việt chiếm tới 28% trong số các cặp hôn nhân giữa người Hàn Quốc với người nước ngoài và chỉ xếp sau mức 37% của các cặp hôn nhân giữa công dân Hàn Quốc với Trung Quốc. Hiện có khoảng 152.000 cặp vợ chồng Việt - Hàn.

Cuối tháng 6 vừa qua, trước khi có chương trình trở về quê ngoại của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc, tổ chức UCC Hàn Quốc tại Việt Nam (nhóm tư vấn chia sẻ lao động chung giữa các  doanh nghiệp có sự mở rộng văn hóa lao động sản xuất  Hàn Quốc toàn cầu tổ chức) cũng đã tổ chức một chương trình mang tên “Hội ngộ Việt Nam-Hàn Quốc” giúp 37 gia đình cô dâu Việt Nam nghèo ở Hàn Quốc được đoàn tụ với gia đình tại Việt Nam thông qua các phương tiện công nghệ. 

Khi đó, không chỉ là một cầu truyền hình thông thường, mỗi gia đình sẽ có một phòng giao lưu riêng với công nghệ giúp cho người ngồi tại đầu cầu truyền hình này xuất hiện cùng với người ngồi ở đầu cầu truyền hình bên kia chung trên một màn ảnh như đang ngồi cùng nhau. 

 

Huyền Chi
.
.
.