Chuyện tình của người đàn bà bại liệt 'khát con'

Thứ Hai, 16/11/2015, 15:11
Chị đến với anh chỉ mong xin một đứa con, nhưng ông trời không cho cái thiên chức ấy. Anh dẫn chị đến bệnh viện, lân la nhiều ngày để xin tư vấn, vẫn khát khao tìm con. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng hãy vui tươi mà sống, vì tiền bán vé số của họ tích góp cả đời cũng không đủ cho một ca thụ tinh nhân tạo.
Bước đi trên đôi chân bại liệt

Anh Trần Kim Phước, (SN 1972) lết từng bước nặng nhọc ra đón chúng tôi trong cơn nắng khốc liệt giữa trưa. Bước theo dáng đi cụt cỡn, lệch hẳn sang một bên của anh, tôi cứ lo rằng anh sẽ đổ xuống đất. Chị Phạm Thị Dung, (SN.1971) ngồi ở cửa đón chúng tôi bằng một nụ cười không thể tươi hơn. Căn phòng trọ của anh chị nhỏ đến mức chẳng còn chỗ để treo một tấm hình cưới. Chiều rộng được hơn một mét, chiều dài hơn hai mét, vừa đủ chỗ nằm cho hai con người.

Chị hơn anh một tuổi, nhưng nom chị trẻ và tươi hơn anh rất nhiều. Chị là con gái cưng của một gia đình đông anh em trai tại Quy Nhơn (Bình Định). Năm 3 tuổi, chị bị sốt rồi bại liệt luôn. Ba mẹ chị sinh tổng cộng 10 người con, chỉ có một mình chị bị tàn tật nên chị được nhận yêu thương, chăm sóc của tất cả mọi người. Chị hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên băng qua quãng đời tuổi thơ mà không phải lo toan, vướng bận chuyện đời.

Ba mẹ nghĩ con gái teo tóp thế kia chắc không làm được gì cho tương lai nên không cho chị đi học. Tuổi dậy thì, cơ thể chị phát triển phổng phao, trổ dáng thành thiếu nữ với làn da trắng hồng, khuôn mặt tròn đầy. Có một anh chàng xóm bên trẻ khỏe, đẹp trai lại lành lặn đã đem lòng thương chị. Nhiều lần anh tới ngỏ lời muốn cưới chị làm vợ. Chị mặc cảm nên tìm cách trốn tránh. Ba mẹ cũng không tự tin gả con gái cho nhà người ta. Chuyện tình yêu đầu đời của chị kết thúc mờ nhạt, chóng vánh.

Không có con, anh chị vẫn ríu rít như đôi chim khuyên mỗi ngày.

Bạn bè cùng trang lứa với chị lũ lượt lên xe hoa, ai chưa chồng cũng tha phương bạt xứ. Chị khao khát bước ra đời, mơ mộng được là chính mình, vượt qua trở ngại khắc nghiệt của cơ thể. 26 tuổi, chị quyết định trốn gia đình theo một chuyến xe dù vào TP Hồ Chí Minh. Một cô gái bại liệt và mù chữ, chị chênh vênh giữa phố thị xô bồ, nhốn nháo kẻ tốt người xấu. Cầm mảnh giấy nhàu nhĩ trên tay, chị lần mò tới xóm lao động của dân Bình Định tìm những người quen. Người quê giang tay cưu mang chị, cho chị ở cùng và hướng dẫn chị đi bán vé số. Với cơ thể tàn tật, thì bán vé số là thế mạnh và là nghề duy nhất chị có thể làm được.

Những ngày đầu đi bán vé số, đôi chân chị lết ngoài đường tóe máu, sưng vù. Đêm về máu tụ tím bầm, nhức nhối. Mất vài tháng trời chị mới thạo đường và đôi chân cũng chai đi nên ít chảy máu. Chị đã khóc hết nước mắt bởi cuộc sống khổ cực nơi đất khách quê người, bởi những đồng tiền dính cả máu của chị chỉ đủ trang trải nhà trọ, sinh hoạt. Bọn lưu manh, nghiện ngập nhè lúc đêm vắng lao vào cướp vé số, cướp tiền của chị. Chị không thể phản kháng, tiếng kêu cứu của chị không át được tiếng nẹt pô, rồ ga của kẻ cướp.

Đến với anh chỉ để xin…con

Anh là người đàn ông già trước tuổi, vì bệnh tật và vì nghèo khổ. Bất hạnh hơn chị, anh bị sốt bại liệt khi mới được 3 tháng tuổi. Gia đình thương nên cho anh đi học. Anh tự hào là người học cao nhất nhà, khi vươn lên được tới lớp 6. Cha mẹ gặp bạo bệnh qua đời sớm, anh phải nghỉ học. 15 tuổi, anh theo người lớn đi bào sắn thuê khắp các tỉnh miền Trung. Vì anh què quặt nên người ta giao khoán cho anh làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu.

Hết mùa sắn, anh ra Quảng Ngãi tìm việc rồi lại ngược vào Nha Trang phơi cá thuê. Tại đây, anh "bị" một cô gái làng chài để ý và đem lòng yêu. Anh hạnh phúc lắm, cũng yêu lại cô ấy say đắm. Tình yêu khiến anh hăng say lao động, miệt mài kiếm tiền để khẳng định mình "tàn nhưng không phế". Anh đã nghĩ đến việc sẽ cưới vợ và có một gia đình đầm ấm ở làng chài của thành phố biển xinh đẹp, cùng những đứa con xinh đẹp ra đời.

Đùng một cái, gia đình người yêu không đồng ý cuộc tình này. Họ cho đó là sự khập khiễng. Anh hụt hẫng, không thể làm được việc gì, anh căm thù bản thân mình. Anh bỏ vào TP Hồ Chí Minh, lang bạt vài năm rồi quyết định bám nghề vé số.

Một chiều thành phố mưa dai dẳng, chị đứng run rẩy nép mình dưới hiên một nhà thờ lớn ở quận 10. Chị gặp anh ở đó, anh ngồi như một gốc cây mục ướt nhèm, co ro ôm túi vé số. Chị buông lời trước, hỏi anh bán hết vé chưa? Nghe giọng của chị, anh nhận ra ngay đồng hương Bình Định. Mưa tạnh, anh tình nguyện đưa chị về tận nhà. Hai chiếc xe lăn lặng lẽ song hành trong đêm, cảm giác của những người cùng quê hương gặp nhau kéo hai con người mạnh dạn xích lại gần hơn.

Tấm hình cưới anh chị mới đi chụp sau 10 năm sống chung.

Từ ngày gặp anh, chiều nào chị cũng đứng dưới hàng me già trong sân nhà thờ, chị chờ đợi, hy vọng anh sẽ tới. Mỗi lần gặp nhau, chị hỏi anh bán được bao nhiêu tờ vé số? Anh hỏi chị có bị lạc đường không? Có lẽ, đó chỉ là cái cớ để họ được gặp nhau, được nhìn thấy nhau. Chị về nhà, trong đầu ngổn ngang suy nghĩ, chị muốn có một đứa con cho riêng mình. Vậy là chị quyết định tấn công anh, mặc dù đã thông thạo đường sá nhưng chị nói với anh là chưa, để mỗi đêm, anh dẫn chị về nhà.

6 tháng quen anh, chị chủ động ngỏ lời muốn được về sống cùng anh. Anh còn phân vân, vì tại thời điểm đó anh đang quen một cô gái khác. Người yêu anh là dân thành phố, lành lặn. Giữa cô ấy và chị, anh phải cân nhắc thật kỹ. Chọn ai để vừa hạnh phúc vừa môn đăng hộ đối. Cuối cùng, anh chọn chị, người con gái bại liệt giống anh. Còn cô kia, anh nói rằng mình không xứng.

Anh chị dẫn nhau về Bình Định ra mắt họ hàng hai bên. Nhà anh không còn ai nên anh phải sang nhà chị ở rể. Tình yêu của họ không gặp bất cứ cản trở nào. Sau 10 năm bôn ba ở thành phố, nay trở về chị đã có chồng, niềm vui lấp lánh trên mắt cả dòng họ chị. Làm mâm cơm đơn giản, ra xã đăng ký kết hôn xong anh chị lại tất tả vào thành phố. Lần ra đi này, họ mang theo ước mơ và khát vọng cháy bỏng về một đứa con. Những xấp vé số mỗi ngày dày hơn, nếu như trước kia chị đi bán đến chiều là về nghỉ thì bây giờ chị bán đến 12h đêm. Có hôm anh về trước, cơm nước xong xuôi mà chị vẫn chưa về, đồng hồ đã điểm quá 12h đêm. Anh lao xe ra đường tìm chị. Tìm mãi không thấy chị đâu, điện thoại có một cái thì anh giữ.

Mọi lần, có việc gì chị đều mượn điện thoại của ai đó nhắn cho anh một cái tin, để anh yên tâm. Hôm nay chị không nhắn, cũng chẳng gọi làm anh lo phát khóc. Không tìm thấy chị, anh buồn quá, không thiết về nhà nữa, anh tạt vào mái hiên nhà thờ, nơi in dấu bao nhiêu kỷ niệm của anh chị thủa hẹn hò. Hóa ra chị đang ngồi khóc một mình ở đây. Nhìn thấy anh, chị mếu máo: "Em bị giật hết vé số và tiền rồi. Em không về nhà nữa đâu". Anh vừa giận vừa thương, an ủi: "Coi như cái hạn của mình, của đi thay người. Giờ ngồi đây cũng không lấy lại được tiền". Anh dìu chị về trong màn đêm lạnh lẽo, vắng vẻ. Hai cái bóng lầm lũi lăn dài dưới hàng đèn đường, lần đó về đến nhà đã gần 2 giờ sáng.

"Cuộc tìm kiếm này không kham nổi đâu"

Sống với nhau được gần một năm mà chị vẫn chưa có rục rịch chuyện con cái. Anh dẫn chị đi Bệnh viện Từ Dũ khám. Bác sĩ bảo chị bị lạnh trứng, khó có con. Chị buồn lắm, giờ không biết phải làm sao. Chị cố gắng tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, lúc nào cũng hy vọng, mong mỏi. Tốn bao nhiêu tiền chị cũng chấp nhận, miễn sao có con. Nhưng chữa mãi chị vẫn không có gì, mong bao nhiêu thì lại càng thất vọng.

Chị giục anh đi khám. Anh đi, cầm tờ kết quả "yếu sinh lý" trên tay, chị như chết điếng. Vậy là xong, không còn gì để mong mỏi nữa. Bác sĩ động viên cố gắng chữa trị biết đâu có kết quả. Tiền bán vé số tích cóp bao nhiêu năm ngốn hết vào việc đi chữa đẻ. Nản quá, anh chị bảo nhau: "Thôi kệ, con cái là của trời. Trời cho thì được, trời không cho phải chịu".

Chị đã an phận, sống vui tươi mỗi ngày.

Chỉ còn một phương án cuối cùng trên hành trình tìm con của anh chị là thụ tinh trong ống nghiệm. Chấp nhận theo đuổi phương pháp này anh chị sẽ phải bán nhà, bán đất. Chị nhìn bác sĩ nước mắt ngắn dài: "Hai vợ chồng em không có nhà, không có đất, có mỗi nghề bán vé số thôi". Bác sĩ lắc đầu khuyên: "Thôi, hãy về sống với nhau thật hạnh phúc. Cuộc tìm kiếm này vợ chồng không kham nổi đâu".

Hết hy vọng về con, chị tha thẩn, buồn khổ mất vài năm. Còn anh vào chùa xin quy y, gửi tâm nơi cửa Phật để lòng được thanh thản. Ngày xưa, chị đến với anh vì mục đích "kiếm" một thiên thần. Bây giờ mục đích đã thất bại, nhưng chị cảm thấy thương và yêu anh nhiều hơn, chị nguyện sẽ gắn bó với anh suốt đời. Hai năm nay, những đồng tiền kiếm được từ nghề bán vé số của anh chị không phải "ném" vào việc tìm con nữa, chị đã sắm được chiếc điện thoại "cùi bắp" giắt túi. Còn anh có thời gian đi tập luyện môn bóng ném trong đội tuyển người khuyết tật thành phố. Và cũng từ đây, niềm hy vọng của họ không còn mòn mỏi sớm hôm nước mắt đong đầy nữa.

Ngọc Thiện
.
.
.