20 năm cõng chồng đi cắt tứ chi

Thứ Tư, 28/12/2016, 13:32
20 năm mắc căn bệnh viêm tắc động mạch đầu chi quái ác, 12 lần phải cắt từng đoạn chi, ông Ngô Văn Phúc (xã Tân Dân, Chí Linh, Hải Dương) đau đớn như chết đi sống lại. Thế nhưng người vất vả, đau đớn hơn lại là bà Trần Thị Mến (vợ ông Phúc).


Bao nhiêu lần ông đi bệnh viện để cắt bỏ cơ thể mình là bấy nhiêu lần bà Mến cõng ông đi. Câu chuyện người vợ 20 năm cõng chồng đi viện khiến không ít người cảm động.

1. Đang là người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột trong gia đình, ông Phúc bỗng dưng đổ bệnh. Ban đầu ông thấy trong người khó chịu, các đầu ngón chân, ngón tay hơi tê tê. Hiện tượng tê dại ngày càng nặng, đi khám bác sĩ thì ông được kết luận mình mắc bệnh viêm động mạnh đầu chi.

Đang tranh thủ làm vườn nghe tiếng ông Phúc gọi bà Mến lại chạy vào giúp chồng.

Các đầu ngón chân, ngón tay rồi thậm chí đến cả chân, tay dần bị hoại tử. Hơn 10 năm hai vợ chồng dìu dắt nhau đi khắp các bệnh viện, từ Đông y, Tây y thậm chí tìm đến cả thầy cúng nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm.

Ban đầu bị bệnh nhẹ ông Phúc còn nhúc nhắc đi lại được, nhưng sau bệnh nặng, mọi việc dù nhỏ nhất của ông đều được đặt lên lưng người vợ. Đau đớn nhất là thỉnh thoảng bà Mến phải cõng chồng đến các bệnh viện để cắt bỏ một phần cơ thể bị hoại tử.

Ông Phúc nhìn vào đôi chân bị cắt của mình rưng rưng kể: "Từ năm 1993 tôi đã bị bệnh này rồi, hôm đó vào buổi sáng tôi đang đi phụ hồ thì thấy các đầu ngón chân của mình tê và nhức. Nghĩ là do lao động nhiều nên đau nhức, tôi cũng không nói gì với vợ con. Được ít ngày thì đau không chịu nổi, đi khám thì bác sĩ nói bị viêm tắc động mạch các đầu chi. Thế là chân tay cứ bị hoại tử dần, đến nay đã hơn 10 lần phải đi cắt bỏ rồi".

Gia đình ông Phúc, bà Mến trước đây cũng chẳng khá giả gì nhưng cũng không đến mức khó khăn. Vốn là người đàn ông chịu thương chịu khó, hết lòng vì vợ con, việc gì ông cũng lao vào làm, miễn có tiền nuôi con ăn học. Từ ngày ông đổ bệnh gia đình lao đao, kiệt quệ, đến tiền để sửa cái nhà cũng chẳng có.

Ông Phúc mắt đỏ hoe: "Ngày đó cuộc sống không dư giả nhưng đầm ấm lắm. Hai mươi năm sống chung với bệnh tật, đã không làm được gì lại còn sống làm khổ bà ấy, đến việc đi lại vệ sinh cũng nhờ đến bà ấy. Nhiều lúc tôi muốn chết đi thôi, muốn giải thoát cho vợ con, giải thoát cho cả mình nữa. Có lẽ ông trời bắt tôi sống thêm để vợ và bản thân chịu đựng thêm đau đớn".

Câu chuyện ông Phúc phải đi cắt chân lan dần ra khắp trong thôn ngoài xóm, thiên hạ bắt đầu dị nghị, dèm pha. Họ cho rằng ông Phúc đã mắc bệnh phong (hủi), từ trẻ con đến người gia đều tỏ ra kỳ thị và xa lánh vợ chồng ông. Đau đớn về thể xác là thế, tinh thần ông cũng suy sụp trầm trọng.

Ông sẽ sống sao đây khi bị mọi người xa lánh? Khi mà chân tay của mình dần dần phải cắt bỏ? Ông Phúc như không còn nghị lực để tiếp tục sống, nửa đêm ông tự bò, lết ra mộ bố mà gào, mà khóc. Ông cầu khấn bố dưới suối vàng sớm mang mình đi.

"Chứng kiến cảnh ấy tôi như đứt từng khúc ruột. Chỉ biết ở bên cạnh ông ấy mà động viên, an ủi là nhiều người muốn sống còn không được, ông phải là chỗ dựa tinh thần cho con cái" bà Mến tâm sự.

Chồng đổ bệnh, một mình bà Mến phải cáng đáng tất cả mọi chuyện, từ chăm sóc ông cho đến kiếm tiền để thuốc thang. Sức người có hạn, người phụ nữ ấy dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể kiếm đủ tiền nuôi con, chữa bệnh cho chồng. Mọi thứ từ quý giá cho đến những thứ tầm thường nhất bà cũng phải bán.

Đưa chúng tôi về ngôi nhà cũ của hai vợ chồng, bà Mến khóc nức nở: "Đây là ngôi nhà của hai vợ chồng tôi, giờ nó cũng sắp sập rồi. Vì không có tiền sửa sang nên cả nhà phải chuyển sang ở nhà người em ruột (người em sinh sống ở nước ngoài)".

Hơn 20 năm qua, mọi sinh hoạt của ông Phúc đều dựa vào lưng vợ.

Không tốn kém sao được khi mà mỗi năm hai vợ chồng bà Mến phải "làm bạn" với bệnh viện đến 3-4 tháng. Ông bà đi viện nhiều đến nỗi cả ông bảo vệ cũng nhớ mặt, nhớ tên. Mà đâu chỉ có một bệnh viện, nào Bạch Mai, Việt Nhật, Y học cổ truyền Trung ương, viện nào cũng từng tới.

Ông Phúc kể: "Đi viện hay không đi thì tôi vẫn đau lắm, ngày nào cũng đau đớn như muốn cắn đứt lưỡi. Nhìn cảnh vợ mình đêm phải uống cà phê, trà đặc để thức xoa bóp cho tôi, sao mà khổ quá".

2. Việc phải vào viện cắt thịt của ông Phúc như thể quả bom nổ chậm. Vợ chồng ông lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng đi viện, có năm ông phải cắt bỏ phần thịt hoại tử tới 2 lần, có năm chỉ 1 lần, may mắn hơn nữa thì 2 năm phải một lần.

"Đi viện nhiều, chi phí cũng tốn kém. Mỗi lần phẫu thuật cắt bỏ cũng tốn cả chục triệu. Ban đầu còn có thứ để bán, sau này được mọi người giúp đỡ, hàng xóm giúp đỡ, người cho vài chục, người cho vài trăm. Nhiều lúc hai vợ chồng nghĩ mà rớt nước mắt" bà Mến bùi ngùi.

Nhiều đêm ông Phúc trộm nhìn, chợt nhận ra vì mình mà vợ đã hốc hác, gầy rộc đi trông thấy. Lúc đó ông chỉ biết nằm khóc một mình vì thương vợ, lấy ông mà chẳng có một ngày hạnh phúc.

Ý nghĩ tự giải thoát lại xuất hiện trong đầu, ông bò lết khắp nhà tìm kiếm dây điện để tự tử. Hàng chục lần như vậy thì đều bị bà Mến phát hiện và kịp can ngăn.

"Tôi cứ phải theo dõi ông ấy như trông trẻ lên ba vậy. Chỉ sợ ông ấy nghĩ quẩn rồi lại làm liều. Bao nhiêu lần tôi kịp can ngăn, nếu không chắc ông ấy cũng chết rồi. Sau quá nhiều đau đớn, quá nhiều lần như vậy vợ chồng tôi giờ cũng chỉ biết sống tốt, động viên nhau vượt qua số phận thôi" bà Mến nhớ lại.

Hình ảnh bà Mến cõng chồng, tay xách nách mang ra bến xe lên Hà Nội chẳng còn xa lạ. Mỗi lần như vậy, người ta lại buông những lời như xát muối vào lòng vợ chồng bà: Lại đưa chồng đi "cắt thịt" à? Cắt thế thì có mà hết à? Bà Mến còn nhớ như in cái ngày đầu tiên đưa chồng đi cắt một phần cơ thể.

Cho dù trong đầu hai vợ chồng nghĩ đó là lần cắt duy nhất nhưng cũng đủ để bà Mến khóc đến mềm cả người. Đến bà cũng chẳng thể nghĩ mình lại kiên cường chứng kiến, kiên cường cõng chồng đến 12 lần đi "cắt thịt".

Nụ cười hiếm hoi của cặp vợ chồng “giời đày”.

Ban đầu là cắt các ngón, rồi đến cả bàn chân, sau đến gióng chân, đến phần đùi. Giờ thì đôi chân và tay phải cũng chỉ còn 10cm, bàn tay phải chỉ còn ngón trỏ và ngón cái.

"Bây giờ cánh tay còn lại của ông ấy cũng đang có biểu hiện hoại tử rồi, chẳng lẽ ông trời phải lấy tất cả chân tay của ông ý mới yên hay sao?" bà Mến cúi mặt khóc nấc.

Vợ chồng ông Phúc sinh được hai người con, đủ nếp đủ tẻ, nhưng không may đứa con gái đầu lòng sinh ra lại không được khôn ngoan. Thế rồi niềm vui bất ngờ đến khi cô con gái ấy lại có người yêu mến và xin lấy về làm vợ.

Niềm vui chẳng tày gang thì bi kịch lại nhanh chóng ập đến. Cô lấy phải người chồng tối ngày chỉ lo rượu chè, cờ bạc, không chịu tu dưỡng làm ăn. Đúng lúc ông Phúc đổ bệnh nặng nhất, cần con cái bên cạnh nhất thì cả hai vợ chồng cô con gái bỏ đi biệt tích, không để lại một lời cho gia đình.

Bà Mến như chẳng còn nước mắt mà khóc, đôi mắt đỏ hoe nói về gia cảnh của các con mình: "Cứ nghĩ em nó đầu óc kém cỏi có được người yêu thương là may mắn, ai ngờ lại lấy phải thằng chồng ham chơi. Đã 3 năm nay rồi, hai đứa  vẫn chưa về. Vợ chồng thằng con trai cũng vất vả lắm, lo cho gia đình riêng còn khó khăn nói gì lo cho vợ chồng tôi. Đứa con gái lớn của chúng nó lại bị tim bẩm sinh, vợ chồng nó làm lụng vất vả cũng không đủ thuốc thang, nuôi con".

Chia tay vợ chồng ông Phúc, người đàn ông tội nghiệp cố kéo tôi nói nhỏ: "Tôi chỉ mong bà ấy bỏ tôi, tôi không trách móc gì cả. Tôi làm khổ bà ấy nhiều quá rồi, bây giờ tôi chỉ còn biết cảm ơn vợ thôi".

Song Anh
.
.
.