Ấn tượng hành trình “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”

Thứ Năm, 20/08/2020, 09:08
Đêm 27/4/2020, bệnh nhân Nguyễn Danh Lập (SN 1966), trú tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được người nhà chuyển vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Qua thăm khám, bác sỹ chẩn đoán ông bị viêm tụy nặng và tắc đường ruột nên phải mổ gấp.

Sau khi mổ, ông Lập bị thiếu trầm trọng tiểu cầu thuộc nhóm máu O mà "ngân hàng máu" của bệnh viện không còn. Hàng chục người đến xét nghiệm máu nhưng không ai đủ tiêu chuẩn để hiến máu...

“Trong lúc lo lắng, gia đình tôi được các bác sỹ cho biết, ở Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk có nhiều cán bộ, chiến sỹ (CBCS) từng tham gia hiến máu cứu người trong trường hợp khẩn cấp nên tôi đã gọi điện thoại cầu cứu", chị Nguyễn Thị Phương, người nhà bệnh nhân cho hay.

Ngay lập tức, hơn 30 CBCS của đơn vị được đưa đi xét nghiệm nhóm máu và Trung sỹ Trần Nam Cường (SN 1999) có tiểu cầu thuộc nhóm máu O đủ điều kiện để tiếp máu. "Chính sự hỗ trợ kịp thời này đã cứu bố tôi khỏi lưỡi hái tử thần, gia đình tôi vô cùng biết ơn...", chị Phương chia sẻ.

Trung sỹ Trần Nam Cường chỉ là một trong những CBCS của lực lượng CAND từng tham gia hiến máu khẩn cấp để cứu người qua cơn nguy kịch, viết nên những câu chuyện đẹp về tinh thần tương thân tương ái, vì nhân dân phục vụ.

Những cán bộ, chiến sĩ tiên phong hiến máu giữa mùa dịch

"Máu là loại thuốc đặc biệt, máu an toàn chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bức thư gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước nhân kỷ niệm 20 năm ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" (7/4/2000 – 7/4/2020).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người hiến máu thường xuyên để mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đúng vào ngày 7/4, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư kêu gọi toàn thể CBCS CAND phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần vì nhân dân phục vụ với nghĩa cử cao đẹp “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” để hăng hái tình nguyện tham gia hiến máu và vận động mọi người khoẻ mạnh, đủ tiêu chuẩn cùng tham gia hiến máu cứu người.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tham gia hiến máu tình nguyện - "Hành trình giọt máu nghĩa tình" ngày 8/4/2020.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phát động phong trào tình nguyện hiến máu trong đơn vị và chủ động phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức hiến máu, bảo đảm chế độ, chính sách cho CBCS theo quy định. "Tôi mong muốn, mỗi CBCS Công an là những chiến sỹ tiên phong, đi đầu hưởng ứng phong trào tình nguyện hiến máu, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm, trong những ngày giữa tháng 4 đến cuối tháng 5/2020 là lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở nước ta. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, lực lượng CAND là một trong những lực lượng trên tuyến đầu, cùng với Quân đội, Y tế và cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tham gia phòng chống dịch.

Thế nhưng, ngay sau Thư kêu gọi hiến máu tình nguyện của Bộ trưởng Tô Lâm thì lực lượng CAND đã sẵn sàng đảm nhận song song một nhiệm vụ nữa, với tâm thế hết sức hào hứng, đó là hiến máu cứu người.

Ngày 8/4, Bộ Công an đã tổ chức Lễ phát động hiến máu tình nguyện trong toàn lực lượng CAND. Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kêu gọi CBCS CAND tham gia hiến máu tình nguyện với phương châm hành động: “Lực lượng CAND Việt Nam – Hành trình giọt máu nghĩa tình”.

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và hàng trăm CBCS đã trực tiếp tham gia hiến máu tại Lễ phát động đầy ý nghĩa này. Tiếp theo đó, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã cùng tổ chức phát động hiến máu tình nguyện và trực tiếp tham gia hiến máu.

Nhiều câu chuyện xúc động giữa đời thường

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện Bộ Công an, chỉ tính riêng giai đoạn từ ngày 8/4/2020 đến hết  28/5/2020, đã có 92 Công an đơn vị, địa phương tổ chức hiến máu tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Bộ trưởng Tô Lâm. Đã có trên 65.000 CBCS đăng ký hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận hơn 45.500 đơn vị máu.

Cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia hiến máu cứu người giữa mùa dịch COVID-19.

Nhiều đơn vị đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, như: Công an tỉnh Cà Mau, Công an tỉnh An Giang, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Lạng Sơn, Công an tỉnh Nam Định, Công an tỉnh Thái Bình, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh... đạt trên 100% kế hoạch. Sau đợt cao điểm, Công an nhiều đơn vị, địa phương vẫn tiếp tục tổ chức hiến máu.

Điển hình như ở Cục Truyền thông CAND, Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; các đồng chí trong Đảng ủy, lãnh đạo Cục và hàng trăm CBCS đã tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện.

Ngoài tham gia hiến máu tình nguyện trong đợt phát động hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an, những CBCS Công an vẫn ngày ngày thầm lặng đăng ký hiến máu trong tình trạng khẩn cấp để cứu người dân qua cơn hiểm nghèo.

Tại Sơn La ngày 25/3/2020, chị Thào Thị Dy (SN 1994), trú tại bản Hua Ngáy, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La phải đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng, cần truyền gấp 4 đơn vị máu thuộc nhóm máu hiếm. Trong khi đó dự trữ máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đang thiếu, người thân chị Dy không có ai cùng nhóm máu.

Cả gia đình đang tuyệt vọng thì Thiếu úy Vàng Ly Công, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Sơn La khi hay tin đã nhanh chóng đến bệnh viện để hiến máu, kịp thời cứu sống chị Dy, trao lại cuộc sống và niềm vui cho gia đình chị. Nghĩa cử cao đẹp của Thiếu úy Vàng Ly Công đã được Bộ trưởng Tô Lâm gửi Thư khen.

Tại Nghệ An, khoảng tháng 4/2020, Thiếu úy Trần Văn Long, Công an xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đang công tác tại đơn vị thì nhận được thông tin một sản phụ mang nhóm máu O bị băng huyết sau khi sinh, cần truyền máu gấp.

Do bệnh viện thiếu nhóm máu O nên đã thông báo cho người nhà kêu gọi mọi người giúp đỡ. Thiếu úy Long đã báo cáo xin ý kiến lãnh đạo gác lại công việc, lập tức bắt xe khách từ thị xã Hoàng Mai vào TP Vinh (cách 80km), đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để đăng ký hiến máu. Hành động kịp thời của anh đã giúp sản phụ vượt qua cơn "thập tử nhất sinh", khiến gia đình hết sức cảm kích.

Chia sẻ trên đây chỉ là những lát cắt nhỏ trong vô vàn câu chuyện xúc động được những CBCS của lực lượng CAND thực hiện hằng ngày, góp phần tô thắm thêm hình ảnh "Công an của nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

75 năm qua, lực lượng CAND không quản ngại gian khổ, hy sinh, nêu cao tinh thần cảnh giác, dũng cảm, mưu trí đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; trấn áp các loại tội phạm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đặc biệt, họ khắc sâu lý tưởng cao đẹp "lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình", sẵn sàng hiến tặng giọt máu đào của mình để người dân được an toàn, bình yên trong từng bản làng, trên từng khu phố.

Quỳnh Vinh
.
.