Argentina: Xung quanh cái chết bí ẩn của một công tố viên

Thứ Bảy, 31/01/2015, 22:25
Công tố viên Alberto Nisman, 51 tuổi, được phát hiện chết do một phát đạn bắn vào đầu hôm 18/1 vừa qua tại nhà riêng ở quận Puerto Madero, thủ đô Buenos Aires, tức không lâu trước khi ông cung cấp bằng chứng trước Quốc hội Argentina về sự dính líu của các thế lực cực đoan trong chính quyền Iran tiền nhiệm trong vụ đánh bom năm 1994 nhằm vào cộng đồng người Do Thái thuộc Hội tương trợ Israel - Argentina (AMIA).

Cái chết của Alberto Nisman khiến người ta nghi ngờ đây là một vụ ám sát. Vụ đánh bom cộng đồng AMIA từng khiến thế giới rúng động và các nhà điều tra Mỹ cũng đã luôn theo dõi sát vụ án.

Một cái chết đầy nghi vấn

Ngày 18/7/1994, một chiếc xe tải nhỏ bất ngờ nổ tung tại trung tâm cộng đồng AMIA ở thủ đô Buenos Aires của Argentina làm sập tòa nhà cao 7 tầng, tước đi sinh mạng của 85 người và làm bị thương hơn 300 người khác. Vụ nổ kinh hoàng ở Argentina được thế giới coi là hành động khủng bố tàn bạo nhất nhằm vào người Do Thái kể từ sau Thế chiến II.

Từ năm 2005, công tố viên Argentina Alberto Nisman đã miệt mài đi tìm chân tướng kẻ chủ mưu và trước khi bị sát hại, ông tuyên bố đã thu thập đủ bằng chứng để chứng minh trước Quốc hội rằng vụ đánh bom năm 1994 là do điệp viên Hezbollah tiến hành theo lệnh của một thế lực tại Tehran...

Cái chết bí ẩn của Alberto Nisman khiến hàng ngàn người đổ ra đường phố biểu tình đòi chính quyền có câu trả lời cho vấn đề mà họ luôn chối bỏ suốt 20 năm qua. Alberto Nisman cũng buộc tội Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner và Ngoại trưởng Hector Timerman ngụy tạo bằng chứng chứng minh sự vô tội của những kẻ chủ mưu. Trong khi đó, Tham mưu trưởng của Kirchner mô tả sự cáo buộc là "hết sức điên rồ".

Công tố viên Alberto Nisman.

Thông báo về cái chết bất ngờ của Nisman được phát đi hôm 19/1 bởi Bộ An ninh Quốc gia Argentina cho biết thi thể của công tố viên được tìm thấy trong căn hộ của ông ở tầng thứ 13 tháp Le Parc, quận Puerto Madero, Buenos Aires. Trước đó, 10 thành viên của lực lượng Cảnh sát liên bang Argentina được huy động để làm vệ sĩ cho Nisman, nhưng dường như họ đã không được triển khai khi công tố viên đang ở nhà.

Các thành viên của đội bảo vệ đã cảnh báo với thư ký của Nisman vào trưa hôm Chủ nhật 18/1 về việc ông không trả lời nhiều cuộc gọi điện thoại của họ. Cuối cùng, đội vệ sĩ quyết định đến căn hộ của Nisman và phát hiện ông đã chết. Họ lập tức báo tin cho đội điều tra hiện trường để thu thập bằng chứng.

Ghi nhận đầu tiên bên cạnh xác Nisman là khẩu súng và 1 vỏ đạn. Đội điều tra đang chờ kết quả phân tích độc chất để xem có ma túy hay chất gì khác liên quan đến cái chết của công tố viên hay không. Một chi tiết làm cho cái chết của Nisman thêm điều bí ẩn - đó là khẩu súng tìm thấy cạnh thi thể không thuộc sở hữu của ông! Họ cũng đang tìm hiểu xem có một người bạn nào đó cho Nisman mượn khẩu súng hay không.

Ngay đến dấu vết thuốc súng trên tay của Nisman cũng không tìm thấy do khẩu súng thuộc cỡ nhỏ. Kết luận ban đầu là có khả năng Nisman tự sát do áp lực nào đó từ bên ngoài. Tính chất bí ẩn của vụ án càng kích động những cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước Argentina.

Sự ra đi đầy bí ẩn của Alberto Nisman không chỉ đơn giản là "cái chết thứ 86" sau vụ đánh bom cộng đồng AMIA càng khiến các chuyên gia phân tích nhắc nhở rằng cuộc xung đột Trung Đông có tính toàn cầu mà mục tiêu chính là Israel. Trong khi đó, Argentina là quốc gia có dân số người Do Thái lớn nhất ở khu vực Mỹ Latinh này. Argentina có bề dày lịch sử chứa chấp tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã nguy hiểm như là Adolf Eichmann, người chủ trương tàn sát người Do Thái trong Thế chiến II bị tình báo Mossad của Israel truy lùng gắt gao.

Động cơ vụ tấn công cộng đồng AMIA

Trong báo cáo của mình, công tố viên Alberto Nisman công khai vạch mặt chỉ tên Mohsin Rabbani - người đóng vai trò tùy viên văn hóa Iran ở Buenos Aires vào lúc xảy ra vụ tấn công cộng đồng AMIA - phải "chịu trách nhiệm về sự phối hợp của các hoạt động diễn ra khắp Nam Mỹ". Ví dụ, Nisman đề cập đến các báo cáo tình báo Argentina nhấn mạnh về sự đi lại bất thường của các nhà ngoại giao Iran, cả trong và bên ngoài đất nước này, vào những ngày trước khi xảy ra vụ tấn công cộng đồng AMIA.

Hiện trường vụ đánh bom cộng đồng AMIA ở Buenos Aires, năm 1994.

Chiến dịch nghe lén điện thoại của tình báo Argentina cũng tiết lộ về việc tồn tại bí mật của điệp viên Hezbollah ở nước này. Cần biết rằng, điệp viên của tổ chức Hezbollah hiện diện khắp Nam Mỹ, nhưng tập trung nhiều nhất là ở thủ đô Buenos Aires của Argentina và những vùng giáp giới với Brazil và Paraguay. Nisman nêu rõ trong một báo cáo năm 2013: "Đó là những nhóm hoạt động ngầm. Chúng có thể làm bất cứ điều gì mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi".

Mặc dù không có mối liên kết chắc chắn nào giữa các sự kiện, nhưng một ngày trước khi Nisman chết, một cuộc tấn công của Israel vào Cao nguyên Golan đã giết chết con trai của Imad Mughniyah - người bị giết chết năm 2008 và bị nghi ngờ là kẻ chủ mưu vụ đánh bom cộng đồng AMIA cũng như những vụ tấn công khác của Hezbollah nhằm vào các mục tiêu phương Tây. Sau vụ tấn công này của Israel, Hezbollah thề sẽ trả thù đích đáng người Do Thái!

Các chuyên gia cho rằng, động cơ tấn công cộng đồng AMIA của Hezbollah không nặng về chính trị mà chủ yếu là bài Do Thái và phần khác do muốn báo thù cho cái chết của thủ lĩnh tổ chức Abbas al-Musawi bị tình báo Israel ám sát năm 1992.

háng 3/1992, nhiều ngày sau vụ ám sát, Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires bị đánh bom, 29  người thiệt mạng. Qua sự kiện AMIA ở Argentina, Hezbollah cũng muốn cảnh báo với người Do Thái rằng trên thế giới hiện nay không còn có nơi nào an toàn cho họ. Theo tài liệu từ chính quyền Pháp được công bố trong một nghiên cứu mang tên "Le Hezbollah Global", từ năm 1987 đến 1993 có khoảng 18 người chống đối Tehran bị giết chết ở châu Âu; và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ước tính từ năm 1989 đến 1996, mạng lưới Hezbollah đã tiến hành 200 cuộc tấn công nghiêm trọng giết chết hàng trăm người.

Cuộc điều tra mới của Alberto Nisman

Trong bầu không khí lo sợ và hoài nghi hiện nay, Tổng thống Cristina Kirchner cho rằng cái chết của Alberto Nisman thật ra là một phần trong âm mưu bôi nhọ thanh danh của bà! Bà Kirchner phát biểu một cách khó hiểu trên trang Twitter: "Họ sử dụng ông khi ông còn sống và rồi họ cần ông phải chết đi". Bà Kirchner không tiết lộ những cái tên mà bà ám chỉ "họ" là ai.

Bức ảnh Alberto Nisman được giơ cao trong cuộc biểu tình đòi công lý cho ông ở Buenos Aires, ngày 21/1/2015.

Năm 2005, Tổng thống Argentina lúc đó là Nesto Kircher - chồng của Tổng thống hiện giờ - mô tả cuộc điều tra ban đầu về vụ đánh bom cộng đồng AMIA là "sự hổ thẹn của quốc gia". Cuộc điều tra được lãnh đạo bởi một thẩm phán mà về sau bị bắt gặp mua chuộc một nhân chứng, và cuối cùng tòa chỉ kết tội các sĩ quan tham nhũng về việc bán chiếc xe tải nhỏ được sử dụng trong cuộc tấn công. Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng khiến người ta nghi ngờ về sự đồng lõa của chính quyền Argentina, cho rằng Tổng thống lúc đó là Carlos Saul Menem đã nhận hối lộ để che giấu vai trò của Iran.

Năm 2004, Tổng thống Nesto Kirchner chỉ định Alberto Nisman lãnh đạo cuộc điều tra mới. Năm 2006, Nisman kết luận Iran và Hezbollah đứng đằng sau vụ tấn công. Do đó, Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol đã phát lệnh truy nã các nhân vật an ninh cao cấp của Iran cũng như các thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRCG).

Năm 2007, bà Cristina Kirchner nối gót chồng làm Tổng thống Argentina. 7 năm sau đó công lý vẫn chưa được thực thi và có lẽ sẽ chẳng bao giờ được thực thi. Trong tài liệu dài 289 trang chuẩn bị báo cáo trước Quốc hội Argentina của Alberto Nisman, có đề cập đến một chi tiết vô cùng quan trọng - đó là những cuộc trao đổi giữa giới chức Iran và Argentina được nghe lén tiết lộ Buenos Aires sẽ nhận được dầu mỏ từ Iran để giải quyết vấn đề năng lượng của mình để đổi lại sẽ che chắn cho quan chức Tehran trong vụ tấn công cộng đồng AMIA.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.