ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” trên bản đồ giáo dục cả nước

Thứ Sáu, 25/09/2015, 18:32
Giáo dục phổ thông, tỉ lệ bỏ học cao; đào tạo nghề: tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng nhưng còn thấp so với bình quân cả nước; đào tạo ĐH, CĐ chưa đáp ứng được nhu cầu…

"Bất cập từ mẫu giáo mầm non đến đại học" Đó là một số thực trạng được chỉ ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, được tổ chức sáng nay 25/9 tại TP Cần Thơ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2014-2015, vùng ĐBSCL có 43 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) (trong đó có 17 trường ĐH, 26 trường CĐ), ngoài công lập có 6 trường ĐH. Trong 5 năm (2011 - 2015) đã thành lập thêm 6 trường (4 trường ĐH và 2 trường CĐ). Quy mô sinh viên chính quy của vùng là 130.896 sinh viên (trong đó ĐH là 86.230 và CĐ là 44.666), tăng 9% so với năm học 2011- 2012.Khó khăn, hạn chế của giáo dục ĐH vùng ĐBSCL là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, tỉ lệ sinh viên trình độ ĐH cao, chiếm trên 70% tổng quy mô; quy mô khối ngành kinh tế trên 30% trong tổng số sinh viên đào tạo.

So với năm học 2011-2012, tổng số giảng viên cơ hữu trong các trường ĐH, CĐ trong vùng tăng 1.876 giảng viên. Số lượng giảng viên có trình độ sau ĐH trở lên trong các trường ĐH, CĐ của vùng là 3.896 giảng viên, chiếm tỉ lệ 52,7%; trình độ tiến sĩ trở lên đạt 8,9% và thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung của cả nước (bình quân cả nước là 16,8%). Tỉ lệ giảng viên có trình độ cao trong vùng tập trung tại một số trường ĐH trọng điểm của vùng (như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ,…).

Đối với giáo dục phổ thông vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cho biết khó khăn, hạn chế lớn nhất là tỉ lệ bỏ học cao, trong đó ở cấp tiểu học là 0,45% (cả nước 0,16%, Tây Bắc 0,1%, Tây Nguyên 0,3%); cấp THCS 3,26% (cả nước 1,37%, Tây Bắc 1,04%, Tây Nguyên 1,3%); cấp THPT 3,94% (cả nước 1,79%, Tây Bắc 1,99%, Tây Nguyên 1,32%).

Tỷ lệ học sinh bỏ học tại ĐBSCL vẫn còn cao do phải mưu sinh, giúp gia đình.

Công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi chưa đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đạt thấp dưới 10%; tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp trung học phổ thông của vùng đạt thấp, dưới 50% (cả nước là 60%)...

Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều phòng học xuống cấp, toàn vùng còn 1.233 phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở một số địa phương chậm được khắc phục, giáo viên tiểu học gần đủ định biên để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên THCS, THPT thừa so với quy định. Mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên chưa phủ kín ở các địa bàn khó khăn; cơ sở vật chất ở một số nơi còn nghèo nàn, số phòng học của trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số địa phương còn thiếu…

Thầy giáo quân hàm xanh và trò cùng phấn trắng, bảng đen trong một lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau).

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tý cho biết, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng năm 2015 ước đạt 35,2%, đã tăng so với năm 2010 (23,5%) nhưng còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nhìn thẳng vào những khó khăn để giải quyết, nhất là tỷ lệ học sinh vào các trường mẫu giáo còn thấp. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các trường đã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất hoàn chỉnh cần chuyển sang cho tư nhân quản lý, hoặc chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính để giảm khó khăn về kinh phí cho nhà nước.

Việc phân luồng học sinh trung học phổ thông hiện nay còn vướng ở nhiều địa phương, do đó cần phải sắp xếp, siết lại các trường nghề vì thực tế có nhiều trường dạy nghề hoạt động không hiệu quả. Các trường ĐH, CĐ cần nghiên cứu mô hình liên kết, mở phân hiệu ở các tỉnh hoặc dùng chung chỉ tiêu tuyển sinh...    Các trường lớn, trường điểm phải hỗ trợ cho các trường khác, không nên xem trường khác là đối thủ cạnh tranh. Các trường dân tộc nội trú thời gian qua hoạt động khá tốt nhưng trong thời gian tới nên bàn thêm về chương trình đào tạo mang tính chất đặc thù như công tác tuyển sinh và thời gian đào tạo...

Thái Bình
.
.
.