Đào tạo đại học còn 3 năm: Có giảm chất lượng?

Thứ Bảy, 23/01/2016, 12:19
Thay vì đào tạo 4-6 năm trình độ ĐH như hiện nay, trong Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới đang đệ trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh theo hướng rút ngắn còn 3-4 năm, để các trình độ đào tạo của nước ta có thể tiệm cận dần với các nước trong khu vực và thế giới và tiết kiệm chi phí cho người học. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này, vẫn còn những ý kiến trái chiều.


Theo Bộ GD&ĐT, trước khi xây dựng Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đã tham khảo thực tiễn tổ chức hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. 

Theo đó, kể từ khi học sinh tốt nghiệp THPT, thì thời gian đào tạo để đạt trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ theo thứ tự là 3 năm, 5 năm và 8 năm. Khung cơ cấu hệ thống này là định hướng để theo đó, các chương trình đào tạo sẽ dần phải điều chỉnh để tương đối thống nhất trong nước và hội nhập quốc tế. Những chương trình mới sẽ cố gắng xây dựng một cách tinh túy, thiết thực để rút ngắn thời gian trong 3 năm, những chương trình cũ 4 năm sẽ điều chỉnh dần. 

Việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và lộ trình thực hiện thời gian đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống, sau khi được ban hành là quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Các trường sẽ phải căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo và các quy định của pháp luật, để xác định thời gian đào tạo và lộ trình phù hợp để giảm tải chương trình đào tạo còn từ 3 đến 4 năm...

Phân tích kỹ hơn về đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc ĐH, GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa với cắt giảm khối lượng kiến thức cần thiết, hay giảm chất lượng đào tạo.

Theo Dự thảo cơ cấu giáo dục quốc dân mới đào tạo đại học ngành Y rút ngắn còn 4 năm.

Nếu chương trình đào tạo được xây dựng chọn lọc tinh túy, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, cùng với đó là phương pháp đào tạo đổi mới, gắn với quy trình sử dụng lao động, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp, người học có động cơ, thái độ học tập đúng đắn và giảng viên làm việc nghiêm túc… thì rút ngắn thời gian đào tạo, không những vẫn đảm bảo chất lượng, mà còn tiết kiệm cho xã hội thời gian, chi phí của một năm học. 

Thực tế ở Việt Nam cho thấy đã có một số trường đào tạo và cấp bằng cử nhân trong 3 năm như Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường RMIT Việt Nam. Một số trường ĐH trong nước như ĐH Việt Đức và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) hiện cũng đang thực hiện đào tạo theo khung thời gian này. Điều này cho thấy, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH không còn là chuyện phi thực tế, hay đáng lo ngại về chất lượng “đầu ra”.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Giáo dục của nước ta hiện nay khá “lộn xộn” trong nhiều cấp học. Ngay cả ở bậc phổ thông, các em đã phải học quá nhiều môn học không cần thiết. 

Đối với bậc ĐH, sinh viên cũng vất vả để hoàn thành một số môn học, mà được cho là không cần thiết, không tạo hứng thú cho sinh viên, có những môn chỉ cần tham khảo tài liệu, đọc sách là có thể hiểu được mà không cần phải cả buổi ngồi ở giảng đường… 

Do đó, việc rút ngắn thời gian đào tạo thông qua việc bỏ bớt một số môn học hoặc giảm thời lượng một số môn học cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, giảm môn nào, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH còn 3 hay 5 năm cần phải được tính toán cẩn trọng, dựa trên đặc thù của từng ngành học. Thực tế cho thấy, có những ngành học có thể rút ngắn xuống còn 3 năm, song có những ngành học đặc thù như ngành Y, thời gian đào tạo không thể dưới 5 năm.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cũng băn khoăn khi cho rằng: Kiến thức khoa học ngày nay quá nhiều, làm sao để cử nhân vừa có phông kiến thức chung, song vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức chuyên sâu trong thời gian 3 năm là một thách thức không nhỏ. 

Tất nhiên, khi đưa ra đề xuất này, chắc chắn những người làm chính sách đã tính đến việc sẽ loại bỏ một số môn không cần thiết. Song nếu rút xuống 3 năm thì chương trình đào tạo cần phải hết sức chắt lọc, tinh túy; phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động. Mà điều này thì hoàn toàn không dễ, nhất là trong bối cảnh các chương trình đào tạo ĐH hiện nay đang rất lỗi thời so với các nền giáo dục tiên tiến.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trước đây, khung thời gian đào tạo ĐH từ 4 đến 6 năm là vì có ngành Y đào tạo 6 năm. Theo dự thảo mới, thời gian đào tạo bậc ĐH ghi từ 3 đến 4 năm, là có ý hướng tới ngành Y cũng nằm trong khung này. Từ trước đến nay, ngành Y phải học tới 6 năm, lâu và rất vất vả, trong khi đó sinh viên đỗ ngành này là những em giỏi, nhưng khi ra trường cũng chỉ là tốt nghiệp ĐH như các ngành học 4 năm khác, hưởng cùng mức lương. Điều này rất thiệt thòi cho các em. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có chỉ đạo phải sắp xếp lại khung đào tạo cho phù hợp với ngành Y. Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đang nghiên cứu thiết kế chương trình mới, điều chỉnh khung trình độ của ngành y để phù hợp hơn, đảm bảo quyền lợi người học.

Huyền Thanh
.
.
.