Xét tuyển đại học năm 2015, nhiều hiệu trưởng lên tiếng

Chủ Nhật, 23/08/2015, 18:44
Kết thúc đợt 1 xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học năm 2015, cách tuyển sinh mới mẻ lần đầu tiên được áp dụng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Những ngày qua hình ảnh hàng dài các thí sinh xếp hàng đăng ký nộp và rút hồ sơ tại một số trường đại học đã gây ra cảm giác về một sự rối loạn.

Cảnh chen chúc rút hồ sơ ở Trường ĐH Kinh tế Hà Nội gây sốc dư luận. Ảnh: zing.vn

Báo cáo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 42.975, trong đó có 31.877 thí sinh thay đổi trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng. So với tổng số 569.843 thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng thì con số này chiếm chưa tới 9%. Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường có số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Phụ huynh và các em học sinh quá mệt mỏi vì thời gian chờ đợi kéo dài đến 20 ngày. Ảnh: Huyền Thanh

Từ ngày 11/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại địa phương. Trên thực tế đã có hơn 11.800 thí sinh đã thực hiện được việc thay đổi nguyện vọng này ngay tại địa phương. Như vậy những thí sinh thực tế phải đi lại vất vả để thay đổi nguyện vọng chỉ chiếm 6% tổng số thí sinh được xét tuyển nguyện vọng 1 trong cả nước.

Tiến sỹ Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh: Nếu xét vào bản chất vấn đề, các thí sinh và gia đình chấp nhận tốn kém và vất vả đi nộp và rút hồ sơ vì thấy có lợi hơn nếu so với chi phí sẽ phải trả cho một năm học để thi lại đại học. Vì thế theo tôi các gia đình và thí sinh này tuy có trách Bộ giáo dục không hướng dẫn họ cách đăng ký thay đổi nguyện vọng thuận tiện hơn thì vẫn cảm ơn Bộ đã có một chủ trương mới tiến bộ hơn năm trước là biết điểm trước rồi đăng ký xét tuyển sau, trao cho con em họ cơ hội vào được một trường vừa với mức điểm và năng lực, mong muốn của mình ngay trong năm nay. Nếu chúng ta làm tốt công tác tư vấn hơn nữa thì sự xáo động sẽ nhỏ hơn.

TS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: nguyên nhân của "rối loạn” còn có một phần từ sự ngộ nhận của thí sinh và gia đình vào điểm số năm nay. Do năm nay kỳ thi nhập làm 1 nên điểm số có sự thay đổi. Những thí sinh đạt 21, 22 điểm cho rằng là điểm cao nhưng thực ra chỉ là điểm trung bình. Trong khi đó một số trường tốp trên lại để mức điểm nhận hồ sơ quá thấp, chỉ ngang mức điểm sàn của Bộ Giáo dục khiến nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào mà không để ý mức điểm trúng tuyển mọi năm của các trường này rất cao. Chính điều này đã góp phần gây ra việc sau đó nhiều thí sinh lại ồ ạt rút hồ sơ khi phát hiện điểm mình cách xa điểm trúng tuyển vào trường.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh 

Đa số các hiệu trưởng đều cho rằng chủ trương đổi mới kỳ thi THPTQG là đúng đắn và tiến bộ. Kỳ thi cơ bản đạt được các yêu cầu. Tuy nhiên cách làm phải nhẹ nhàng hơn và phải chuẩn bị một hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất để hỗ trợ thí sinh ngay tại địa phương mà không cần đi lại vất vả gây nên hiện tượng tập trung đông người.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì cần phải chuẩn bị đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cả truyền thông để tránh tâm lý các em không an tâm khi gửi hồ sơ qua Sở Giáo dục hay qua bưu điện mà phải đích thân đi gửi hồ sơ, tập trung vào những ngày cuối gây rối loạn như vừa qua.

Kinh nghiệm từ Trường ĐH Ngoại thương

PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Tình hình của trường trong đợt tuyển sinh này không nóng như mức độ báo chí phản ánh về 1 số trường khác. Nguyên nhân là ngay từ đầu trường đã định vị trường là trường tốp đầu có số lượng hồ sơ nộp đông nên đã xác định mức điểm sàn nhận hồ sơ khá cao để những thí sinh điểm thấp không mất công nộp vào trường.

PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương.

Trong quá trình tuyển sinh, trường cũng tư vấn trực tiếp và tư vấn online cho thí sinh, cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình hồ sơ nộp vào trường cũng như cảnh báo mức điểm không nên nộp hồ sơ nên số hồ sơ nộp vào so với chỉ tiêu không chênh lệch lớn. Trong kỳ tuyển sinh những năm tới, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc đăng ký online để giảm bớt vất vả cho thí sinh cũng như thuận tiện hơn cho các trường.

Ngoài ra, PGS-TS Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng thời gian xét tuyển cho mỗi đợt 20 ngày là dài, dễ gây tâm lý lo lắng, nên có thể rút gọn bớt thời gian xét tuyển.
An Công (theo TTXVN)
.
.
.