Xây dựng ý thức tuân thủ luật từ tuổi nhỏ

Thứ Tư, 28/10/2015, 10:48
Học sinh băng qua quốc lộ 18 ngùn ngụt xe tải, container để đến trường là hình ảnh thường thấy tại Trường Tiểu học Việt Hùng 1, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh khiến bất kể ai chứng kiến cũng đều “thót tim”.

Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong 2 loại thương tích gây chết trẻ em nhiều nhất ở nước ta và đường đến trường, đường về nhà đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh. Dự án “Đi tới trường an toàn – Về đến nhà an toàn” do Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu đang thí điểm triển khai tại 4 trường tiểu học ở tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh là một phương pháp giáo dục ý thức chấp hành và thực hành Luật Giao thông vô cùng thiết thực, hiệu quả cho học sinh từ ngay khi bước vào tiểu học.

Luật Giao thông ngấm vào ý thức của học sinh

Ngày 23/10, được chứng kiến một buổi học lý thuyết và thực hành trước toàn trường của học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Vệ An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bất ngờ vì các em học sinh thuộc làu từng biển báo giao thông, từng vi phạm phổ biến, mức xử phạt, chia sẻ và thảo luận nhóm về tình huống vi phạm một cách lưu loát.

Khi thầy giáo đặt câu hỏi: “Hằng ngày, các em nhìn thấy những tình huống vi phạm trật tự an toàn giao thông nào? Ở đâu?”. Không khí lớp học đặc biệt sôi nổi, các em giơ tay phát biểu, thảo luận về những hình ảnh vi phạm mà các em trông thấy, bắt gặp hằng ngày như: Chở 3 người, phóng nhanh, vượt ẩu; đi bộ dưới lòng đường; vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy…

Giờ thực hành qua ngã tư đường phố có chỉ dẫn của học sinh Trường Tiểu học Vệ An.

Thầy Đặng Văn Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1 cho biết: “Do đặc thù của Trường Vệ An nằm bên đường nên các con chủ yếu đi bộ đến trường. Vì vậy, bài giảng tập trung vào học cách qua đường có chỉ dẫn, học ý nghĩa của biển báo, học biển hiệu giao thông, sau đó cho các con phát biểu và chia sẻ với nhau. Các con học rất hào hứng và thuộc bài”.

Không chỉ giờ học lý thuyết cực kỳ thành công mà giờ thực hành đi bộ qua ngã tư đường phố dưới sân trường được các em làm thuần thục. Các em nhìn đèn tín hiệu giao thông để qua đường có chỉ dẫn và những em đi xe thô sơ cũng vậy, quan sát biển báo và tín hiệu đèn để qua đường an toàn.

Chứng kiến buổi học thực hành, trong chúng tôi trào lên niềm vui bởi không chỉ thuộc luật, mà ý thức chấp hành Luật Giao thông của các em được xây dựng từ cấp tiểu học là nền tảng vững chắc để trong tương lai, khi các em đến tuổi điều khiển phương tiện giao thông sẽ không mắc lỗi. Và quan trọng hơn cả, chính là các em tự mình có thể bảo vệ an toàn cho tính mạng của mình khi tham gia giao thông.

Rời Trường Vệ An, chúng tôi theo QL18 đến Trường Tiểu học Việt Hùng 1, huyện Quế Võ. Ngôi trường nằm ngay bên quốc lộ, nói như thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khiển thì: “Mỗi khi học sinh qua đường đều thấy thót tim. Bao giờ học sinh về đến nhà an toàn thì hiệu trưởng mới thở phào nhẹ nhõm”. Chính vì nằm ở điểm “nóng” về TNGT nên cùng với Vệ An, Việt Hùng 1 được chọn là trường thí điểm dự án “Đi đến trường an toàn – Về đến nhà an toàn”.

Giờ học lý thuyết và thực hành về Luật Giao thông của học sinh lớp 5A cũng khiến chúng tôi không khỏi cảm phục. Bởi các em có trí nhớ rất tốt, thuộc làu các biển báo, biển chỉ dẫn. Khi thực hành qua ngã tư đường phố, các em quan sát đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ và đi xe đạp để qua đường một cách chính xác.

Cần nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết, cùng với Hà Nam thì Bắc Ninh là 2 tỉnh trên cả nước được Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu tài trợ thí điểm dự án “Đi tới trường an toàn – Về tới nhà an toàn”. Từ năm 2012 đến tháng 5/2015, tại TP Bắc Ninh xảy ra 99 vụ TNGT đường bộ, làm chết 78 người, trong đó có 5 vụ TNGT liên quan đến trẻ em và làm chết 4 trẻ em.

Cùng thời gian đó, huyện Quế Võ xảy ra 72 vụ TNGT, làm chết 58 người, 32 người bị thương, trong đó có 3 vụ TNGT đường bộ liên quan đến trẻ em có độ tuổi từ 6-12, làm chết 2 người. “Chính vì thế, khi xây dựng dự án, chúng tôi chọn Trường Tiểu học Vệ An và Việt Hùng 1 vì hai trường này đều nằm trên những điểm phức tạp và nóng về TNGT”- ông Thái cho biết.

Bắt đầu thí điểm từ năm học 2015-2016, Ban ATGT đã mở các lớp tập huấn cho giáo viên, Tổng phụ trách của 2 trường và trang bị cho giáo viên kiến thức hoàn chỉnh, có bộ tài liệu giảng dạy hiện đại. Tuy Bộ GD&ĐT đã đưa việc giảng dạy ATGT vào trong trường học nhưng do chưa phải là môn học chính khóa và cũng chưa có bộ tài liệu chuẩn cho từng cấp học nên hiệu quả mang lại không cao. Ngược lại, ở dự án này, ATGT đã đưa vào thành môn học chính khóa, các lớp đều được giảng dạy trên thiết bị máy chiếu hiện đại.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vệ An thì một tháng nhà trường có 2 buổi thực hành ATGT vào tiết chào cờ và các lớp học lý thuyết vào tiết “hoạt động tập thể” nên vẫn đảm bảo đúng chương trình giảng dạy của Bộ GD&ĐT. Sau 2 tháng triển khai, học sinh đều hào hứng, tiếp thu kiến thức về ATGT tốt. “Tôi thấy các con học kiến thức này rất hay, bổ ích, khi giảng bài cho các con, tôi rất tâm huyết và vui khi các con thuộc bài nhanh, quan trọng là các con có kiến thức để đảm bảo ATGT cho mình”- cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên Trường Tiểu học Việt Hùng 1 cho biết.

Hiểu, thuộc Luật ATGT, có ý thức chấp hành và tuân thủ luật từ bé, xây dựng văn hóa giao thông khi còn ở tuổi học đường là lợi ích lớn nhất mà dự án mang lại. Và thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng, nhất là ở những trường học nằm trong điểm “nóng” về ATGT.

Trần Hằng
.
.
.