Việt Nam nghèo nhưng kết quả PISA lại cao hơn nhiều nước giàu

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:38
Tổng thu nhập quốc dân của Việt Nam thấp song lại xếp thứ hạng cao hơn cả các nước giàu trong bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế (PISA), do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố đã “làm nóng” diễn đàn về “Giáo dục, Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực”.

Tại tiểu ban về “Giáo dục, Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực” - một trong 6 chuyên đề chính trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ V do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, vấn đề vì sao tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Việt Nam thấp song lại xếp thứ hạng cao hơn cả các nước giàu trong bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế (PISA), do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố đã “làm nóng” diễn đàn.

GS. Paul Glewwe đến từ Khoa Kinh tế học Ứng dụng, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ - người có 6 năm nghiên cứu về kết quả PISA- đã có bài báo cáo đánh giá tổng quan, bình luận và đưa ra câu hỏi ngỏ về thứ hạng cao gây bất ngờ cả thế giới của Việt Nam trong bảng xếp hạng PISA. 

Theo đó, kết quả PISA năm 2015 được OECD công bố hôm 6-12 vừa qua, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển. 

Hay điển hình năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA và xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả này đã gây bất ngờ cho cả thế giới. 

Ảnh minh họa: Học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học trong tổng số 72 nước tham gia khảo sát chỉ số PISA năm 2015.

“Ở đây có điểm khá thú vị, theo khảo sát của chúng tôi, xếp hạng PISA tỉ lệ thuận với trình độ GDP của quốc gia đó, nhưng riêng đối với trường hợp của Việt Nam thì không như thế. Nói cách khác, Việt Nam đã trở thành một ngoại lệ trong cuộc tranh cãi lâu nay luôn cho rằng, không thể đạt được nền giáo dục ưu tú mà thiếu sự phát triển kinh tế ở cấp độ cao”, GS người Mỹ đặt vấn đề.

Cũng theo chia sẻ của GS người Mỹ, quá trình nghiên cứu chỉ số PISA cho thấy, thường thì luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ giàu có, sung túc của các quốc gia. Tuy nhiên, khi so sánh Việt Nam và các nước, nghiên cứu không chỉ lấy GDP mà còn tính cả các yếu tố khác như trình độ học vấn, giáo dục của cha mẹ, số tài sản trong nhà... Rõ ràng, về các mặt này, Việt Nam cũng thấp hơn các nước khác. Như vậy, điểm số và xếp hạng PISA của Việt Nam đã tính đến các yếu tố tác động kia vẫn cao hơn. 

“Hiện tôi vẫn đang thực hiện một nghiên cứu để kết luận: Liệu mẫu PISA có đại diện cho tất cả học sinh dưới 15 tuổi ở Việt Nam không?”- GS. Paul Glewwe cho biết. 

Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng: Thứ hạng PISA chỉ đánh giá một phần kỹ năng của học sinh, đặc biệt là môn Toán, logic… nhưng không đánh giá được các kỹ năng khác như làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn… 

Điều này cho thấy, điểm PISA cao không đồng nghĩa rằng các kỹ năng khác của học sinh Việt cũng tốt. Hơn nữa, thứ hạng PISA Việt Nam nhìn chung là cao trên thế giới, nhưng so với các nước cùng khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc thì Việt Nam vẫn thấp hơn.

Lý giải thắc mắc của GS. Paul Glewwe, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, GS. Paul là người rất giàu kinh nghiệm nghiên cứu về các chỉ số, thậm chí có đến 6 năm nghiên cứu về kết quả PISA nhưng câu hỏi ngỏ của vị giáo sư Mỹ là vấn đề mà các chuyên gia của Việt Nam cần nghiên cứu thêm để có thể đưa ra một đáp án xác đáng. 

Tuy nhiên, với kinh nghiệm và những hiểu biết của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Không bàn đến chuyện số liệu chính về GDP hay thu nhập của một bộ phận người dân Việt Nam thì đất nước Việt Nam vốn rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, cha mẹ Việt có thể hi sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con cái học tập, du học. Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có thể có nhưng ở các nước châu Âu thì chắc là không có.

Với góc độ là một trong những chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về kết quả PISA, TS. Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết:

PISA chọn "mẫu” để đánh giá đại diện cho mỗi quốc gia. Toàn bộ học sinh tuổi 15 ở tất cả loại hình cơ sở giáo dục đều phải thống kê và nộp cho OECD với một quy trình giám sát tương đối nghiêm ngặt. Học sinh Việt Nam tham gia bài đánh giá PISA chủ yếu là lớp 10, một số trường THCS có học sinh lớp 9. OECD cử người sang Việt Nam giám sát việc học sinh làm bài, đồng thời thuê một tổ chức cùng tham gia giám sát với chuyên gia Việt Nam. 

Theo danh sách chọn mẫu khảo sát năm 2015, Việt Nam có 197 cơ sở giáo dục được chọn, trong đó có một trường nghề, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), 4 trường phổ thông dân tộc nội trú, 28 trường THCS và 150 trường THPT. Mỗi trường có 35 học sinh và một số trường có ít hơn.Tổng số học sinh tham gia là hơn 5.800.

Cũng theo TS. Lê Mỹ Hà, có thể lý giải kết quả trên ở nhiều góc độ sau: Thứ nhất, người Việt Nam có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cha mẹ nghèo mấy cũng quyết tâm cho con đi học để bằng bạn bằng bè, có công việc tốt, có chỗ đứng trong xã hội. Điều này được thể hiện ở các chỉ số OECD: Việc đầu tư tiền cho con ăn học của gia đình người Việt Nam cao nhất, kỷ luật của nhà trường và học sinh Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất.

Thứ hai, các câu hỏi PISA đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng học vào giải quyết tình huống thực tiễn. Học sinh Việt Nam đa số giải quyết được các câu hỏi ở góc độ học thuật, có câu hỏi rất khó, tỷ lệ học sinh OECD làm được không cao, trong khi mình làm được đến trên 70%. Điều này chứng tỏ giáo dục Việt Nam đã trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng khá chắc chắn.

Thứ ba, các câu hỏi thi và cách đánh giá của PISA rất mới lạ đối với giáo viên và học sinh Việt Nam. Tuy vậy, học sinh Việt Nam đã thích ứng rất nhanh, vượt qua được khó khăn này. Điều đó chứng tỏ sự nhanh nhạy, tự chủ và bản lĩnh của học sinh trước thách thức cần giải quyết.

Huyền Thanh
.
.
.