Vì sao Bộ giáo dục phải sửa đổi Thông tư 30?

Thứ Hai, 10/10/2016, 16:35
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung trong việc đánh giá học sinh tiểu học đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ GD&ĐT đã chính thức lên tiếng lý giải về vấn đề này.


Theo Bộ GD&ĐT, việc ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 chứ không phải thay thế hoàn toàn Thông tư 30. 

Do đó, khi Thông tư 22 có hiệu lực, bắt đầu từ ngày 6-11 tới, việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ được thực hiện theo các quy định của Thông tư 30 và những sửa đổi, bổ sung được quy định trong Thông tư 22, thể hiện trong văn bản hợp nhất số 03 ngày 28-9-2016 về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD&ĐT. 

"Trong thời gian Thông tư 22 chưa có hiệu lực, giáo viên vẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Đặc biệt, thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực vào 6-11 cũng chính là thời điểm chuẩn bị cho việc đánh giá giữa học kì I theo kế hoạch thời gian năm học 2016-2017. Do đó, việc ban hành Thông tư 22 sẽ không gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường”- Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc điều chỉnh Thông tư 30 sẽ giúp học sinh tạo lập được động lực phấn đấu tốt hơn trong học tập.

Lý giải về lý do phải điều chỉnh Thông tư 30, đặc biệt là các quy định về đánh giá học sinh, Bộ GD&ĐT cho rằng: Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh về học tập theo hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Qua thực tiễn cho thấy việc quy định như vậy phần nào chưa động viên được những học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục ở mức độ tốt, mức cao hơn so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng. 

Mặt khác, tâm lí cha mẹ học sinh vẫn còn băn khoăn con mình đã hoàn thành nhưng muốn biết hoàn thành ở mức nào. Để khắc phục tình trạng trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kì đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hoá thành ba mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành. 

Cùng với mục đích trên, Thông tư 22 còn quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt, Chưa đạt. 

Theo Bộ GD&ĐT, trong hoạt động giáo dục, việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn. 

Bên cạnh đó, Thông tư 22 còn yêu cầu học sinh lớp 4 và lớp 5 phải có thêm bài kiểm tra giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán. Sở dĩ có thêm yêu cầu này là bởi lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học. Các khối lớp này so với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 có yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn, tường minh hơn. 

Môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác. Như vậy, việc kiểm tra 2 môn học này nhằm tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp THCS và các cấp học cao hơn.

Huyền Thanh
.
.
.