Vẫn “khát” trường giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi

Thứ Sáu, 09/10/2015, 21:02
Mặc dù được đánh giá là đạt nhiều tín hiệu tích cực trong việc tổ chức giữ trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi nhưng nhiều ý kiến cho rằng số lượng trường mầm non nhận giữ trẻ trong độ tuổi này còn quá ít tại TP HCM.


Trước đó, từ năm học 2014 – 2015, TP HCM tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ từ 6 tháng tuổi. 13 trường mầm non của 8 quận huyện bố trí nhận được vỏn vẹn 175  trẻ. Để thực hiện việc giữ trẻ trong độ tuổi trên, phòng học của các trường đa số là được cải tạo lại từ phòng học cũ với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa giáo dục.

Các quận huyện cũng quan tâm, đầu tư kinh phí từ 120-300 triệu đồng/phòng cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phù hợp cho các lớp từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi và thực hiện cải tạo, trang bị đồ dùng đồ chơi, thiết bị phù hợp cho lứa tuổi này. Sau một năm triển khai, kết quả thực hiện được đánh giá tương đối tốt.

Trường mầm non công lập nhận giữ trẻ 6 tháng còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ lứa tuổi nhỏ này, năm học 2015-2016, TP HCM có thêm 28 trường, nâng tổng số lên 41 trường mầm non công lập tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố giữ trẻ độ tuổi từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi.

Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều cho rằng các trường này còn quá ít và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là các trường ở gần khu chế xuất, khu công nghiệp, số lượng dân nhập cư cao, có đông người lao động, gia đình công nhân lao động và gia đình trẻ không có ông bà ở cùng để giữ trẻ giúp.

Thống kê của Thủ Đức cho thấy, chỉ riêng địa bàn quận này, số trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 18 tháng đã lên đến gần 6.200 trẻ. Chiếm đa phần trong số này là con của công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, người lao động nhập cư với nhu cầu gửi trẻ đến trường cao.

Các trường mầm non đều cho rằng việc mỗi quận, huyện chỉ thực hiện từ 1 đến 2 trường, mỗi trường từ 1 đến 2 nhóm lớp như hiện nay khiến số trường công lập giữ trẻ độ tuổi này cách xa nhu cầu thực tế, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ của đối tượng công nhân, người lao động thu nhập thấp trên địa bàn TP HCM.

T.Dịu – PV
.
.
.