Trường đại học sẽ được “cởi trói” thế nào?

Thứ Hai, 06/01/2020, 08:23
Nghị định 99/2019 đã mở rộng quy định cho cơ sở GDĐH công lập có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Sáng 6-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về hướng dẫn thi hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm là Nghị định này sẽ “cởi trói” cho các trường đại học được tự chủ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, những nội dung hướng dẫn chi tiết về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các trường ĐH đã được thể hiện khá rõ trong Nghị định. Trong đó, đáng chú ý, Nghị định 99/2019 đã mở rộng quy định cho cơ sở GDĐH công lập có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Về hoạt động chuyên môn, Nghị định quy định cơ sở GDĐH được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT; quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo phù hợp với quy định về Khung trình độ quốc gia Việt Nam, về chuẩn chương trình đào tạo; thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật. 

Các trường ĐH đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ thì được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo trình độ đại học; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.

Nghị định số 99 được kỳ vọng sẽ mở rộng tự chủ cho các trường đại học. Ảnh minh họa.

Về tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ sở GDĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật GDĐH sửa đổi và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp. 

Nghị định 99 cũng quy định rõ, cơ sở GDĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật GDĐH (đã sửa đổi bổ sung) và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng đối với các trường ĐH đang thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, thực hiện quyền tự chủ về hoạt động chuyên môn theo các quy định chung. 

Trong đó, quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản thực hiện theo các quy định của Luật GDĐH (đã sửa đổi bổ sung) và Nghị định này. Những nội dung thí điểm khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án thì được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập…

Nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục bày tỏ kỳ vọng Nghị định số 99 sẽ giúp việc phân vai hợp lý, giảm sự chồng chéo, đặc biệt là mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc chịu trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động tuyển sinh, tổ chức bộ máy, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật. 

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: Nghị định số 99 cơ bản đã “cởi trói” cho các trường về tự chủ. Tuy vậy, vẫn còn một số điểm băn khoăn như vai trò của các cơ quan chủ quản vẫn còn quá lớn, các quy định về tiêu chí ĐH định hướng nghiên cứu chưa thực sự khoa học, hợp lý...

Thu Phương- Huyền Thanh
.
.
.