Trường đại học phải tiên phong trong công tác khởi nghiệp

Thứ Sáu, 15/12/2017, 09:00
Ngày 14-12, Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Thời báo Kinh tế Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017, với chủ đề “Từ kỳ tích sông Hàn đến kỳ tích sông Hồng”. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Tại diễn đàn, ông Yoon Dea Hee, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang ở thời kỳ “dư lợi dân số” hay “dân số vàng” với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động. Nguồn nhân lực ở Việt Nam có số lượng xếp vào hàng thứ 2 ở Đông Nam Á với 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm tới 58,4% tổng dân số. Trong số này có khoảng 9,2 triệu người đã được đào tạo từ đại học trở lên, chiếm khoảng 16%.

Đây thực sự là “lợi thế” giúp Việt Nam phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với bài toán nguồn dân số già. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia giàu truyền thống hiếu học, người dân rất chịu khó đầu tư cho giáo dục, học sinh Việt Nam cũng giành được nhiều thành tích cao tại các đấu trường quốc tế.

Cần xây dựng cơ cấu đào tạo tập trung gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: CTV.

“Bất kể quốc gia nào muốn lập được kỳ tích phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong những kỳ tích mà Hàn Quốc tạo lập được trong nửa thế kỷ qua, từ một nước thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, thiếu tài nguyên, thiếu vốn và công nghệ để trở thành một trong những quốc gia phát triển là nhờ nguồn lao động cần cù, có trình độ tay nghề cao, gắn đào tạo nguồn nhân lực với phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Hàn Quốc là mô hình phát triển tương đối phù hợp với Việt Nam nên những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực sẽ rất cần thiết đối với Việt Nam” - ông Yoon Dea Hee nhấn mạnh.

Mặc dù thừa nhận Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong việc phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía các nhà tuyển dụng lao động cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016, Việt Nam xếp hạng chung là 56 nhưng các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều.

Việt Nam đang ở thời kỳ “dư lợi dân số”, song năng suất lao động lại quá thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa.

Còn theo thống kê về năng suất lao động của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Trong đó, 1 người lao động Singapore có năng suất lao động bằng 23 người Việt Nam; 1 người Thái Lan gần bằng 3 người Việt Nam và một người Indonesia cũng bằng hơn 2 người Việt Nam. Đặc biệt, theo các chuyên gia của ILO và ADB, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị chưa phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Do công tác dự báo nguồn nhân lực chưa sát với thị trường lao động có tính đến xu thế phát triển nên Việt Nam đang phải đối mặt với bài toán dư thừa, thất nghiệp trên diện rộng và thiếu cục bộ ở một số ngành. Nhiều điểm trước đây vốn là ưu thế của Việt Nam như lao động trẻ, nhân công giá rẻ đã không còn là lợi thế cạnh tranh.

Từ đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị, Nhà nước và Chính phủ cần xây dựng cơ cấu đào tạo tập trung gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tập trung phát triển các ngành tự động hóa; đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Triển khai áp dụng Khung trình độ quốc gia, nâng cao chất lượng dạy nghề tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế; chú trọng công tác dự báo nguồn nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo có sự điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, trong đó các trường đại học phải đi tiên phong trong công tác khởi nghiệp, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp cho người trẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Ở bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ quốc gia nào, nguồn nhân lực cũng là yếu tố trung tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng rất coi trọng vai trò và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực và đang nỗ lực chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây.

Trong đó, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc, đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng, Việt Nam cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Huyền Thanh
.
.
.