Trường Đại học Thương mại 55 năm vẻ vang một chặng đường phát triển

Thứ Tư, 18/11/2015, 08:02
Ngày 18/11, Trường Đại học Thương mại long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trong không khí trang trọng và đầm ấm, các đại biểu khách quý cùng các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… của trường xúc động ôn lại những chặng đường phát triển đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào.

Bao kỷ niệm với đồng nghiệp, thầy cô, bè bạn; những ấn tượng sâu sắc ngày tựu trường, buổi chia tay; những kỳ vọng trồng người và sẻ chia tâm huyết về những năm tháng gắn bó với trường đã kết thành niềm tự hào chung của Trường Đại học Thương mại 55 năm qua.

Tiền thân là trường Thương nghiệp Trung ương, được thành lập năm 1960 với nhiệm vụ đào tạo cán bộ trung cấp nghiệp vụ kỹ thuật thương nghiệp, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và bổ túc văn hóa cho cán bộ trong ngành; dù tên gọi là Trường Đại học Thương nghiệp (1994) hay Trường Đại học Thương mại ngày nay, thì hành trình 55 năm của Trường Đại học Thương mại luôn tịnh tiến vững bước đi lên, với cả quy mô và chất lượng đào tạo, đã ghi dấu ấn đậm nét vào thành tựu chung của nền giáo dục-đào tạo quốc gia; với hạt nhân lãnh đạo là tổ chức Đảng và bộ máy quản lý ban đầu khá khiêm tốn (9 phòng, ban, tổ chuyên môn), chủ yếu là các cán bộ được điều động từ Bộ Nội thương và từ một số trường trung cấp Thương nghiệp, cấp ủy và lãnh đạo nhà trường đã nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện mục tiêu đào tạo; từ nhiệm vụ chủ yếu ban đầu, đến giai đoạn (1965-1975) trường đã mở rộng đào tạo các chuyên ngành trình độ đại học gồm: Kinh tế thương nghiệp, Thương phẩm hàng công nghệ phẩm, Thương phẩm hàng thực phẩm, Tổ chức và kỹ thuật các xí nghiệp ăn uống công cộng, Hạch toán thương nghiệp… phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế đất nước thời điểm đó. Hơn 1.255 sinh viên hệ chính quy, 654 sinh viên hệ chuyên tu, 529 sinh viên hệ tại chức lần lượt ra trường đáp ứng kịp thời yêu cầu cán bộ của ngành kinh tế giai đoạn này.

Trường Đại học Thương mại không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Không chỉ dạy tốt, học tốt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên Đại học Thương mại đã tích cực tham gia kháng chiến. Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại: Hoạt động của trường nhanh chóng chuyển trạng thái vừa giảng dạy và học tập, vừa chiến đấu bằng cách sơ tán về huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Mọi cán bộ, giảng viên, sinh viên đều thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Hàng trăm cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Thương mại đã tình nguyện xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Một phần trong số đó là con em miền Nam tập kết đã trở về chiến đấu tại quê hương. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh. Không ít đồng chí đã vượt qua gian khổ ác liệt của chiến tranh, hoàn thành nhiệm vụ, trở lại xây dựng nhà trường hoặc phấn đấu trở thành lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương như các đồng chí Nguyễn Văn Trọng-nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Bình Định; Phạm Khiết, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng... đã tô thắm lên lá cờ truyền thống của nhà trường.

Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, nhà trường đã đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ hết sức quan trọng là đào tạo cán bộ thương nghiệp có trình độ đại học cho cả nước; cung cấp cán bộ, giảng viên cho các trường, các cơ sở kinh doanh và đáp ứng yêu cầu cải tạo và phát triển kinh tế của miền Nam. Giai đoạn 1986-2010, Trường Đại học Thương mại có bước phát triển vượt bậc về quy mô và địa bàn đào tạo. Tuyển sinh đào tạo chính quy tăng từ 200 sinh viên/năm lên 3.700 sinh viên/năm; đào tạo vừa làm vừa học tăng từ 250 sinh viên/năm lên 2.900 sinh viên/năm, không chỉ đào tạo tại trường mà còn đào tạo tại nhiều địa phương. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng lần lượt giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành kinh tế các ngành sản xuất và dịch vụ và hiện nay đang đào tạo 5 chuyên ngành trình độ thạc sĩ; tiếp đến là đào tạo tiến sĩ với 5 chuyên ngành, qua đó, đã từng bước khẳng định được vị thế của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Chỉ tính từ năm 2005 đến 2010, Trường Đại học Thương mại đã thực hiện 114 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, trong đó có 6 đề tài trọng điểm; Giai đoạn 2010-2015 thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước; 52 đề tài cấp Bộ; 519 đề tài cấp Trường. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tất cả các học phần đều có giáo trình, tài liệu tham khảo; Liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài có uy tín với 14 chương trình ở trình độ cử nhân và thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy và viên chức nhà trường không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng và phát triển. Nếu như năm 1965 trường chỉ có 88 giảng viên chủ yếu ở trình độ đại học, thì đến nay trường đã có gần 700 giảng viên, với 2 giáo sư, 39 phó giáo sư, 99 tiến sĩ và trên 400 thạc sĩ.

Hiện nay, với sứ mạng “Xây dựng Đại học Thương mại thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có bản sắc thương mại với phương pháp đào tạo và quản lý tiên tiến, đạt chuẩn chất lượng cao quốc gia và tiếp cận đẳng cấp quốc tế…”, ngay từ năm 2005 đến 2010, trường đã có những thay đổi căn bản, toàn diện trên tất cả các hoạt động. Là đơn vị sớm thực hiện chuyển đổi thành công từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ; thực hiện tuyên bố chuẩn đầu ra cho mỗi chuyên ngành đào tạo; tập trung mở rộng các ngành/chuyên ngành đào tạo mới có trình độ đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao… Đến nay, Đại học Thương mại đã có quan hệ liên kết đào tạo với 53 cơ sở trong nước và 11 tổ chức, cơ sở đào tạo quốc tế. Điểm nổi bật là trường đã sớm liên kết đào tạo cử nhân bằng tiếng Anh, tiếng Pháp với các trường đại học của Pháp như Toulon, đại học Jean Moulin Lyon3…; liên kết đào tạo thạc sĩ với Đại học Krems của Cộng hòa Áo; Đại học Québec à trois rivieres, Canada;…

Với những nỗ lực không ngừng trong suốt 55 năm qua, Trường Đại học Thương mại đã đào tạo, cung cấp cho xã hội hàng chục ngàn cử nhân kinh tế; hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ kinh tế; trực tiếp thực hiện và tham gia hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ... Từ chiếc nôi Trường Đại học Thương mại, không ít những cán bộ giảng dạy, sinh viên của nhà trường đã phấn đấu trở thành những cán bộ có uy tín cao, giữ trọng trách ở nhiều cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, nhiều người là chuyên gia kinh tế đầu ngành, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt… 

Với nỗ lực đó, Trường Đại học Thương mại đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, như: Danh hiệu Anh hùng Lao động (2010), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2008),… và Kỷ niệm 55 năm thành lập, Trường Đại học Thương mại một lần nữa vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Trong niềm xúc động xen lẫn tự hào, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Sơn, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại bày tỏ: Cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên của Trường Đại học Thương mại luôn trân trọng và biết ơn sự cống hiến trí tuệ, công sức của các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành hữu quan đã dày công xây dựng, giúp đỡ Trường Đại học Thương mại đạt được thành công như hôm nay. Phát huy truyền thống vẻ vang 55 năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khánh Chi
.
.
.