Đại học Luật Hà Nội tổ chức tuyển sinh đào tạo tại Đắk Lắk

Thứ Ba, 04/06/2019, 12:01

Sáng 4-6, tại Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội cơ sở Đắk Lắk, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức buổi họp báo công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội chính thức tổ chức hoạt động đào tạo từ năm học 2019-2020.



Theo đó, trong năm học 2019-2020, tại Phân hiệu sẽ tiến hành tuyển sinh, đào tạo 200 sinh viên hệ chính quy văn bằng 1 ngành luật. Hình thức tuyển sinh dựa trên 2 hình thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Về hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT, Phân hiệu sẽ giành 20% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh các trường THPT khác có hạnh kiểm loại tốt, có học lực loại giỏi từ 2 năm trở lên. Trong đó, kết quả học tập lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7,5 điểm. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp A00 và C00 thì điểm trung bình cộng học tập môn tiếng Anh trong 3 năm học THPT phải lớn hơn hoặc bằng 7,0 điểm.

Một góc Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk

20% chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển thí sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu quốc gia, trường THPT chuyên, năng khiếu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia chất lượng cao có học lực loại giỏi từ 2 năm trở lên, trong đó kết quả học tạp lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7,0 điểm.

Về hình thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Phân hiệu chỉ xét tuyển ngành luật, ngưỡng điểm xét tuyển thuộc tổ hợp C00 phải đạt lớn hơn hoặc bằng 17.00 điểm. Các tổ hợp khác đạt lớn hơn hoặc bằng 15.00 điểm. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đến hết 17h ngày 7-7-2019.

Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk đi vào hoạt động sẽ cung cấp nguồn nhân lực phấp luật có chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức trong xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực. Với đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, Phân hiệu có thể đồng hành, tư vấn cho tỉnh Đắk Lắk những vấn đề pháp lý phức tạp cần giải quyết.


Văn Thành
.
.
.