Dự thảo điều lệ trường tiểu học:

Tranh cãi về lớp học có Chủ tịch Hội đồng tự quản

Thứ Bảy, 18/07/2015, 10:31
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của Thông tư 30 về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và mô hình trường học mới. Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo được công bố đã gây ra nhiều tranh cãi với những ý kiến đóng góp trái chiều.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo điều lệ trường tiểu học là đã đưa ra một số nội dung mới theo định hướng Thông tư 30 và mô hình trường học mới như quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nhấn mạnh việc học sinh được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh. 

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể, chi tiết hơn về những vấn đề cấm giáo viên không được làm như tự ý cắt xén chương trình, dạy sai chủ trương đường lối, vận động học sinh học thêm để thu tiền và đặc biệt là không được sử dụng điện thoại và hút thuốc lá trên lớp.

Thí điểm mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, TP Lào Cai, Ảnh: Thùy Dung.

Nhận xét về những điểm mới của dự thảo điều lệ trường tiểu học, đặc biệt là chức danh được nhiều người cho là khá lạ lẫm và phức tạp như “chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh”, cô Lê Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Đúng là khái niệm, chức danh trên mới nghe thì thấy chưa quen tai và có phần phức tạp, nhưng sẽ là hợp lý khi nó được đặt trong tổng thể mô hình trường học mới, trong đó nhấn mạnh việc trao quyền tự chủ cho học sinh mà Bộ GD&ĐT đang thí điểm. 

Cũng theo phân tích của cô Liên, việc trao cho trẻ một chức danh khiến trẻ có động lực và trách nhiệm hơn với nhiệm vụ mình được giao. Đặc biệt nếu chức danh này luân phiên sẽ là mục tiêu để các bạn khác trong lớp phấn đấu bởi bất kỳ ai nếu học tốt, có đủ tư chất sẽ có cơ hội được làm “chủ tịch hội đồng tự quản”. 

Tuy nhiên, cô Liên cũng bày tỏ băn khoăn khi mà trong dự thảo chưa nêu rõ, chức danh này có nhiệm vụ cụ thể như thế nào? thời gian luân phiên cụ thể là bao nhiêu? Một tháng, một quý, một học kỳ hay một năm và mong muốn dự thảo sẽ có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này. 

Cũng liên quan đến chức danh trên, có những ý kiến không đồng tình khi cho rằng, tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản" trong nhà trường là quan cách, không hay. 

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng: Các từ “lớp trưởng”, "lớp phó” rất gần gũi với học sinh và bao hàm ý nghĩa trong một lớp, có một người trưởng chịu trách nhiệm. Chức “chủ tịch" là những từ chỉ những vị trí ở ngoài xã hội. Vì thế, nói “chủ tịch” của một lớp là không phù hợp. Đồng thời dùng những từ này có thể tạo cho học sinh tâm lý tranh chức, tranh quyền ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, việc đặt ra quá nhiều chức danh như lớp trưởng, lớp phó, thư ký, tổ trưởng... rồi lại thêm phó chủ tịch hội đồng tự quản khiến cho trẻ em phải làm quen với bộ máy “cồng kềnh” ngay từ nhỏ là phức tạp và không cần thiết.

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về những điểm mới gây tranh cãi trong dự thảo, trong đó có chức danh chủ tịch hội đồng tự quản, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng: Việc tăng quyền cho học sinh, tạo không khí dân chủ trong lớp học là một chủ trương đúng, phù hợp với không khí mới của mô hình trường học mới đang được Bộ GD&ĐT thí điểm và có thể đây là bước chuẩn bị trước khi nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. 

“Chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản không to tát với trẻ con và phù hợp với mô hình trường học mới, tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân. Đặc biệt, việc Bộ GD&ĐT quy định luân phiên cho trẻ nhận chức danh này là rất tốt. Bởi cháu nào cũng muốn trải nghiệm, đóng vai này, vai khác. Như thế, trẻ sẽ được cọ xát và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể về thời gian luân phiên giữ chức vụ này là bao lâu, tính theo quý, theo năm bởi “nếu trẻ làm lâu một chỗ, tôi cũng sợ biến trẻ thành quan chức trẻ con, bố mẹ đua nhau chạy chức cho con thì hỏng. Bên cạnh việc giao quyền tự chủ cho trẻ, giáo viên cũng không được quên vai trò định hướng, giám sát của mình” - ông Lâm cho biết.

Liên quan đến quy định lớp học không quá 35 trẻ/lớp, ông Lâm cho rằng: Mặc dù việc quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh là đồng bộ với Thông tư 30 và là con số khá lý tưởng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, việc mở rộng trường lớp không hề dễ khi dân cư tập trung về tăng quá nhanh, quy hoạch trường lớp không kịp đáp ứng. Trong khi yêu cầu phổ cập giáo dục, bậc tiểu học 100% học sinh phải được đến trường. 

“Đây thực sự là một thách thức đặt ra với nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi mà sỹ số lớp học đều không dưới 50 em. Vậy thì, kèm theo quy định trên sẽ phải có hướng dẫn và các biện pháp giải quyết, khắc phục cụ thể phù hợp với điều kiện hiện tại. Nếu không quy định vẫn sẽ chỉ là quy định và mãi nằm trên giấy” - ông Lâm cho hay.

Huyền Thanh
.
.
.